.

Mua bảo hiểm cho tàu cá, lợi ích thấy rõ - Bài 1: Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

Thứ Năm, 22/09/2016, 09:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Nghề biển là nghề có tính rủi ro cao, ngư dân ra khơi đánh bắt luôn gặp không ít hiểm nguy. Hầu như năm nào cũng có tàu thuyền của ngư dân bị nạn khi đánh bắt trên biển, và mỗi lần bị nạn thì chịu tổn thất rất nặng, thậm chí nhiều người trở nên trắng tay vì tàu cá không mua bảo hiểm. Vì vậy, nhiều ngư dân xác định mua bảo hiểm chính là trang bị “cái phao” cho họ khi hành nghề trên biển gặp điều không may.

Những chính sách hỗ trợ

Theo ông Lê Văn Lợi, Chi cục Trưởng Chi Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT và BVNL), nhiều năm liền trước đây, bảo hiểm trong lĩnh vực nghề cá vẫn chỉ nằm trong ý niệm khá mờ nhạt đối với ngư dân. Năm 2008, Quyết định 289-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ ra đời là dấu mốc đầu tiên để ngư dân trong tỉnh biết đến và làm quen với khái niệm “bảo hiểm tàu cá” là gì?.

Chính sách hỗ trợ cho ngư dân về đóng mới, thay máy và kinh phí bảo hiểm thân tàu đã giúp nhiều ngư dân đầu tư vươn khơi.
Chính sách hỗ trợ cho ngư dân về đóng mới, thay máy và kinh phí bảo hiểm thân tàu đã giúp nhiều ngư dân đầu tư vươn khơi.

Theo đó, ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân khai thác hải sản về tiền xăng dầu, mua mới, đóng mới, thay máy thì việc hỗ trợ kinh phí bảo hiểm thân tàu, phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên đã được thực hiện. Có thể nói rằng, kể từ khi Quyết định 289-QĐ/TTg có hiệu lực, ngư dân trong tỉnh mới biết đến việc tham gia bảo hiểm tàu cá. Đây chính là cú hích đầu tiên cho ngư dân và phần nào đáp ứng nguyện vọng của đa số ngư dân bấy lâu nay.

Anh Nguyễn Xuân Thủy, chủ tàu ở xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch) chia sẻ, “vào nghề đã trên 20 năm rồi nhưng đến khi trên 40 tuổi tôi mới cầm tấm thẻ bảo hiểm trên tay. Đối với ngư dân, ai cũng mong muốn có những chuyến ra khơi vào lộng yên bình, nhưng khó có thể lường trước hiểm họa trên biển nên những tấm “bùa hộ mệnh” này là nguồn động viên cho ngư dân tự tin hơn...”.

Kế tiếp Quyết định 289-QĐ/TTg là chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo Quyết định 48/2010 và Nghị định 67/2014 của Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống với hàng nghìn ngư dân được hỗ trợ nhiên liệu; được vay vốn ưu đãi để đóng tàu vươn khơi, bám biển dài ngày.

Đặc biệt, năm 2014, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân thông qua Nghị định 67 với những cơ chế đặc biệt, trong đó có chính sách bảo hiểm linh hoạt như: ngân sách nhà nước hỗ trợ hằng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư cụ trên mỗi tàu (bảo hiểm mọi rủi ro) với mức 70% kinh phí đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90 CV đến dưới 400 CV và 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính 400 CV trở lên. Như vậy, vấn đề bảo hiểm thuyền viên và tàu đã đáp ứng mong mỏi của đông đảo ngư dân, nhất là tàu khai thác xa bờ. 

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, không ngần ngại bỏ thêm số tiền gần 20 triệu đồng để mua bảo hiểm thân tàu trị giá trên 1,6 tỷ đồng và cả cho 8 bạn tàu, anh Nguyễn Anh Tuấn, một chủ tàu ở Cảnh Dương (Quảng Trạch) bộc bạch: “Vươn khơi xa là chấp nhận đối mặt với khó khăn, thử thách và cách để giảm bớt nỗi lo ấy chính là “đầu tư” ban đầu cho tài sản và con người...”.

Có lẽ, nhiều ngư dân cũng có suy nghĩ  khoáng đạt đó nên hiện đã có khoảng trên 920/1.235 tàu khai thác xa bờ trong tỉnh mua bảo hiểm thân tàu, trong đó theo Quyết định 48 trên 660 tàu và Nghị định 67 là 256 tàu.

Có thể khẳng định, chính sách hỗ trợ về bảo hiểm là yếu tố đầu quan trọng để ngư dân vững tin tiếp tục hành trình chinh phục biển xa. Là động lực lớn để góp phần đưa các đội tàu hùng mạnh ở các địa phương như: Đức Trạch, Hải Trạch (Bố Trạch), Bảo Ninh (Đồng Hới), Cảnh Dương, Quảng Xuân (Quảng Trạch), Quảng Phúc, Quảng Lộc (Ba Đồn) vững vàng ra khơi và khai thác hiệu quả.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Thực tế cho thấy, trước đây ngư dân chưa bao giờ hoặc rất ít được biết đến bảo hiểm thuyền viên và bảo hiểm thân tàu khi hành nghề trên biển. Trong khi đó, chiếc tàu cá dù to lớn đến chừng nào đi nữa nhưng giữa biển khơi mênh mông cũng hết sức bé nhỏ, nhất là khi mùa biển động. Vì vậy, vẫn còn đó những bài học đau xót về tai nạn trên biển.

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp-PTNT đến thăm, động viên một chủ tàu cá ở phường Quảng Phúc (Ba Đồn) có tàu bị nạn nhưng do không mua bảo hiểm nên gặp nhiều khó khăn.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp-PTNT đến thăm, động viên một chủ tàu cá ở phường Quảng Phúc (Ba Đồn) có tàu bị nạn nhưng do không mua bảo hiểm nên gặp nhiều khó khăn.

Tàu cá QB 93990 TS của anh Nguyễn Minh Tuấn, ở xã Cảnh Dương là một trong những trường hợp như vậy. Cuối năm 2014, anh Tuấn đóng mới tàu và xuất bến chuyến đầu tiên, nhưng trên đường ra khơi đánh bắt thì gặp nạn tại cửa lạch Roòn, tàu bị nghiêng và chìm. Ngay lúc đó, nhiều chủ tàu khác đã có mặt để thực hiện việc cứu thuyền viên trên tàu nhưng con tàu trị giá gần 1,2 tỷ đồng thì bị hư hỏng khá nhiều, phải thuê phương tiện để trục vớt lên bờ sửa chữa với kinh phí trên 600 triệu đồng.

Vấn đề ở chỗ, do không mua bảo hiểm thân, vỏ tàu nên anh Tuấn không nhận được sự hỗ trợ hay bồi thường đồng nào mà phải chấp nhận vay vốn để đại tu lại tàu. “Cũng may là còn giữ được tính mạng nhưng đến giờ tôi vẫn cứ nghĩ, giá như lúc đó mình bỏ ra vài triệu đồng mua bảo hiểm tàu cá thì giờ đâu nên đến nỗi...”, anh Tuấn tiếc nuối.

Cũng giống như trường hợp của chủ tàu Nguyễn Minh Tuấn, tàu cá của ông Nguyễn Thắng, ở xã Bảo Ninh (Đồng Hới) có công suất 530 CV được gia đình ông cải hoán với số tiền 4 tỷ đồng. Trong chuyến ra khơi đầu năm, tàu cá của ông Thắng cùng 9 thuyền viên bị mắc cạn tại cửa biển Nhật Lệ, cách bờ khoảng 150m.

Chỉ thời gian ngắn sau, tàu bị phá đáy, nước và cát tràn vào khiến tàu chìm dần. Rất may là toàn bộ lao động trên tàu được cứu sống, nhưng chiếc tàu cùng toàn bộ tài sản đã hư hỏng khá nhiều và để vươn khơi trở lại gia đình ông phải tái đầu tư gần 1 tỷ đồng cho chiếc tàu. Do chủ phương tiện không mua bảo hiểm, nên chiếc tàu cá trị giá vài tỷ đồng này cũng không được chi trả bảo hiểm khi bị thiệt hại.

Tình trạng này không chỉ diễn ra ở một vài trường hợp cá biệt, mà hàng năm cứ vào mùa mưa bão, đã có rất nhiều chủ tàu trong tỉnh vấp phải hoàn cảnh như vậy, đành “ngậm ngùi” tự gánh chịu.

Ông Hồ Quang Hường, Phó Chủ tịch Hội ngư dân xã Cảnh Dương cho biết, đã có rất nhiều trường hợp tàu cá của ngư dân trong xã bị sóng đánh chìm, thậm chí ngư dân tử vong, nhưng hầu như người dân không nhận được sự hỗ trợ đáng kể nào, ngoài chính sách thăm hỏi của các tổ chức, đoàn thể và chính quyền địa phương từ tỉnh, huyện đến xã. Sở dĩ như vậy là vì tàu cá của họ không mua bảo hiểm thân, vỏ tàu, ngư dân cũng không mua bảo hiểm dành cho thuyền viên.

N.L

Bài 2: Vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ