.

Khởi sắc trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi

Thứ Sáu, 16/09/2016, 08:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Hội Nông dân thành phố Đồng Hới hiện có 10.098 hội viên. Trên cơ sở tiêu chuẩn quy định của Trung ương Hội về danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), hàng năm các cấp hội xét cho 6.500 hộ đăng ký thực hiện. Từ trong phong trào này đã xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến nông dân SXKDG.

Giai đoạn 2011-2016, Hội Nông dân thành phố có 4.199 hộ nông dân SXKDG, trong đó cấp Trung ương 19 hộ; cấp tỉnh 226 hộ; cấp thành phố 1.075 hộ và cấp cơ sở 2.879 hộ. Số lượng hội viên đăng ký danh hiệu nông dân SXKDG các cấp tăng 1,5%. Nhiều địa phương, số hộ đăng ký và đạt danh hiệu nông dân SXKDG cao như Đức Ninh, Bảo Ninh, Phú Hải, Đức Ninh Đông, Thuận Đức, Đồng Sơn...

Đặc biệt, chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, xuất hiện nhiều hộ quy mô sản xuất lớn, vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, thu hút hàng chục lao động, thu nhập từ 100 triệu đồng đến 5 tỷ đồng/năm. So với giai đoạn 2007- 2011, số hộ đạt mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm tăng gấp 2 lần; số hộ mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng 3 lần.

Cùng đồng hành với nông dân trong phong trào SXKDG, vai trò Hội Nông dân các cấp ngày càng được phát huy, đặc biệt trong vấn đề tạo vốn, giải quyết việc làm. Hội Nông dân đã tín chấp với Ngân hàng CSXH giúp hộ nông dân nghèo và đối tượng chính sách vay vốn phát triển sản xuất.

Đến nay đã xây dựng 72 tổ vay vốn với 3.200 thành viên, dư nợ trên 51 tỷ đồng; 74 tổ tiết kiệm với 2.439 thành viên tham gia. Các cấp hội tích cực vận động xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân. Năm 2016, Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trên địa bàn thành phố đạt 4,398 tỷ đồng, trong đó nguồn Trung ương và tỉnh 1,55 tỷ đồng, nguồn thành phố 798 triệu đồng, nguồn cơ sở 2,1 tỷ đồng, giúp 782 hộ vay phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hưởng ứng phong trào SXKDG, nông dân ngày càng chú trọng nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm và giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích sản xuất. Nhiều hộ nông dân mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng màu, nuôi thủy sản cho thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/ha.

Mô hình làm hương tại xã Đức Ninh cho thu nhập khá.
Mô hình làm hương tại xã Đức Ninh cho thu nhập khá.

Nhiều hộ nông dân tích cực khai hoang phục hóa đất trống, đồi trọc để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình kinh tế tổng hợp VACR như ở Thuận Đức, Lộc Ninh, Nghĩa Ninh, Quang Phú, Đồng Sơn. Mô hình thâm canh trồng rau an toàn của nông dân các xã Bảo Ninh, Đức Ninh ngày càng đầu tư mở rộng đi vào sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Gap cho thu nhập khá.

Điển hình có ông Hoàng Văn Phướng ở thôn Bắc Phú (Quang Phú) thuê 6 ha đất đồi trọc để trồng dưa, nuôi bò sinh sản, thu nhập 550 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 5 lao động; ông Hoàng Văn Lự ở thôn Đức Hoa (Đức Ninh) sản xuất rau các loại trên diện tích 1 ha cho thu nhập 100 triệu đồng/năm; anh Nguyễn Việt Trì (Bắc Lý) chuyên cung cấp giống cây ăn quả, thu nhập 150 triệu đồng/năm; anh Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Trí Thành, Nguyễn Thanh Hà (Lộc Ninh) phát triển mô hình cá-lúa, làm vườn, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm...

Toàn thành phố có 11 trang trại đạt tiêu chí, trong đó gồm 1 trang trại trồng trọt, 8 trang trại chăn nuôi, 1 trang trại thủy sản và 1 trang trại tổng hợp. Các chủ trang trại tiếp tục đầu tư, mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, cho thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/năm.

Điển hình có trang trại anh Nguyễn Bình San (Lộc Ninh) chăn nuôi tổng hợp với diện tích 3 ha, thu nhập 4,3 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 10 lao động. Trang trại tổng hợp VAC của Nguyễn Đình Sơn (Thuận Đức) thu nhập 300 triệu đồng/năm. Ông Đặng Văn Hiệu (Nghĩa Ninh) tận dụng lợi thế vùng gò đồi đầu tư 30 con bò sinh sản, thu nhập 300 triệu đồng/năm... Nhiều nông dân tiếp tục chuyển đổi đất trồng lúa bấp bênh, kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình lúa-cá, lúa-cá-vịt. Tổng diện tích nuôi thủy sản đến nay có 318 ha, trong đó nuôi nước ngọt 236 ha; nuôi mặn lợ 82 ha.

Trên lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, nhờ có chính sách hỗ trợ của nhà nước nên số lượng phương tiện đánh bắt của hội viên nông dân phát triển nhanh, toàn thành phố có 526 tàu thuyền với công suất 46.790CV (trong đó đánh bắt xa bờ 252 tàu); giá trị sản xuất thủy sản bình quân hàng năm 8.500 tấn, tăng 4,5%, trong đó sản lượng xuất khẩu gần 3.500 tấn, chiếm 41% tổng sản lượng khai thác.

Lực lượng ngư dân đã thành lập 60 tổ đoàn kết, 13 tổ hợp tác với 518 thành viên tham gia, vận động ngư dân thực hiện tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cam kết không sử dụng chất nổ, xung điện hủy diệt môi trường biển, vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc...

Hoạt động chế biến thủy sản tiêu dùng nội địa được phát triển mạnh, sản lượng và chất lượng các mặt hàng được duy trì và mở rộng, huy động nội lực trong đầu tư cho sản xuất, chủ yếu tập trung vào các loại sản phẩm như nước mắm, ruốc, mực khô, cá khô. Toàn thành phố có 20 cơ sở có công suất chế biến đạt 30-40 tấn nguyên liệu/năm, một số cơ sở xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh.

Trong lĩnh vực sản xuất TTCN, thương mại-dịch vụ, ngành nghề nông thôn, nhiều hội viên nông dân chủ động liên kết trong sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hóa chất lượng để cạnh tranh trên thị trường. Nhiều loại hình dịch vụ- thương mại, TTCN được nông dân đầu tư phát triển mạnh như: chế biến gỗ, hàng nông sản, dịch vụ vận tải, dịch vụ làm đất, làm bún bánh, kinh doanh điện tử, điện lạnh...

Tiêu biểu có hộ Nguyễn Xuân Nam (Nghĩa Ninh) sản xuất hương, thu nhập 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 20 lao động. Ông Nguyễn Văn Thắc (Thuận Đức) mở xưởng cưa xẻ gỗ thu nhập 300 triệu đồng/năm, thu hút 6 lao động. Bà Hà Thị Xuân (Hải Thành) xây dựng thương hiệu sản phẩm bánh bột lọc cung cấp trong và ngoài tỉnh, thu nhập 300 triệu đồng/năm. Anh Phan Thế Anh (Lộc Ninh) kinh doanh điện tử, điện lạnh, thu nhập trên 500 triệu đồng/ năm.

Đáng chú ý là, từ trong phong trào nông dân SXKDG, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ nông dân trở thành nét đẹp của đời sống văn hoá cộng đồng nông thôn. Các hộ nông dân SXKDG tạo việc làm tại chỗ cho hơn 1.200 lao động, trong đó trên 50% lao động có việc làm thường xuyên, giúp 55 hộ nông dân thoát nghèo.

Phong trào nông dân SXKDG, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2016 đã góp phần làm giảm hộ nghèo, tăng hộ giàu, khẳng định vị thế của kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong giữ vững ổn định kinh tế- xã hội của thành phố Đồng Hới.

Thanh Long