.

Hải Ninh mùa biển động

Thứ Sáu, 23/09/2016, 08:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi về biển Hải Ninh (Quảng Ninh). Sau  những ngày cơn bão số 4 vần vũ và gây ra những thiệt hại đáng kể, người dân nơi đây đã nhanh chóng khắc phục hậu quả và trở lại cuộc sống thường nhật. Dọc những thôn ven biển, ngư dân vẫn đang tích cực chuẩn bị tàu thuyền và ngư lưới cụ, từng ngày nỗ lực để vượt qua khó khăn…

Mùa biển khó

Trong cuộc chuyện trò với đồng chí Phan Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, được biết, vào thời điểm trước khi Tập đoàn FLC triển khai Dự án Quần thể resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp, Hải Ninh có 328 hộ nợ ngân hàng với tổng số tiền 151 tỷ đồng. Số tiền này các hộ gia đình đầu tư cho sản xuất, trong đó chủ yếu là nuôi tôm trên cát.

Ông Trương Xuân Duấn bên những tấm lưới cũ.
Ông Trương Xuân Duấn bên những tấm lưới cũ.

Khi Tập đoàn FLC triển khai dự án, một số hộ dân đã được đền bù các diện tích nuôi tôm nên số nợ giảm xuống còn khoảng trên 130 tỷ đồng. Số hộ  còn lại, trong đó có nhiều hộ hiện đang thuê đất tại các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, tiếp tục đầu tư nuôi tôm. Tuy nhiên từ cuối tháng 4-2016, khi xảy ra sự cố môi trường biển, nhiều hộ nuôi tôm trong tỉnh nói chung, trong đó có các hộ dân xã Hải Ninh đã phải dừng việc sản xuất và đứng trước nguy cơ phá sản bởi số tiền nợ ngân hàng.

Ông Trương Xuân Duấn, thôn Tân Hải cho biết, năm 2014 trở về trước, ông từng trúng nhiều vụ tôm với số tiền vài trăm triệu đồng mỗi vụ. Thế nhưng bắt đầu từ năm 2015, do ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh, hồ tôm của ông bắt đầu bị thiệt hại. Có những thời điểm ông nợ tiền ngân hàng, tiền thức ăn, tiền thuốc cho tôm lên đến gần 2 tỷ đồng. Khó khăn nhưng không nản chí, ông và gia đình vẫn duy trì sản xuất và xoay chạy để trả nợ ngân hàng.

Bên cạnh đó, với kinh nghiệm của một ngư dân, ông còn tham gia khai thác hải sản ven bờ. “Thu nhập từ khai thác ven bờ cũng giúp gia đình tôi đắp đổi qua ngày và có đồng ra đồng vào trả lãi ngân hàng. Thế nhưng từ tháng 5-2016 thì xảy ra việc cá biển chết nên tôi và nhiều ngư dân đành phải dừng việc đánh bắt, bởi cá tôm đánh bắt về cũng chẳng ai mua!”, ông Duấn ngậm ngùi chia sẻ.

Vì mưu sinh và nhớ biển, tháng 5-2016, ông Duấn vào miền Nam đánh cá thuê. Một thời gian sau ông lại về thành phố Đồng Hới xin tham gia đánh bắt trên các tàu xa bờ. “Vì tuổi tôi đã cao (ông Duấn sinh năm 1960 – PV) nên việc xin đánh cá trên tàu xa bờ cũng khó, phải thông cảm với hoàn cảnh của mình họ mới nhận. Mà hiện tại, nhiều ngư dân trước đây khai thác ven bờ giờ chuyển qua xin đi khai thác xa bờ nên tìm việc cũng không dễ!”, ông Duấn cho biết thêm. Và đến thời điểm này, tổng số nợ ngân hàng của vợ chồng ông Duấn sau nhiều năm lăn lộn bám biển vẫn còn trên 500 triệu đồng, cùng nhiều món nợ khác vay mượn của anh em, họ hàng...

Cũng như gia đình ông Duấn, tại thôn Tân Hải, nhiều gia đình đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn cho dù họ không đầu tư làm ăn lớn như ông Duấn. Chị Trần Thị Nga (SN 1992) tâm sự: Trước đây chồng em đi biển, còn em bán cá. Vợ chồng trẻ mới ra riêng, dù đánh bắt nhỏ ven bờ nhưng cuộc sống cũng tạm ổn. Biển chết, chồng em không có việc làm, hai vợ chồng lại mới sinh con nhỏ nên rất túng thiếu. Giờ vợ chồng em chuyển sang nuôi gà, vịt nhưng lại thiếu vốn!”.

Còn chị Trần Thị Mộng Thu (SN 1984) cho biết, chồng chị là anh Trương Xuân Giá (SN 1983) đã vào Cà Ná (Ninh Thuận) làm ăn từ tháng 5-2016. Trước đây anh Giá cũng đánh bắt hải sản ven bờ như đa số ngư dân trong thôn, nhưng sự cố môi trường biển đã khiến anh phải bỏ quê đi làm ăn xa.

Về Cừa Thôn, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ ngồi chơi bài. “Bình thường giờ ni bọn tui đang ở ngoài chợ. Giờ biển chết, không có việc chi làm, buồn quá nên rủ nhau chơi bài cho vui!”, một chị cho biết. Hầu hết họ đều có chồng, con là ngư dân. Công việc chính của họ là bán các sản phẩm của chồng con đi biển về. Giờ chồng con họ rủ nhau đi miền Nam hoặc xin về đánh bắt ở các tàu xa bờ ở Đồng Hới, đi xuất khẩu lao động..., những người phụ nữ này gần như thất nghiệp.

Về đây, chúng tôi còn được chứng kiến những câu chuyện chứa đầy nỗi niềm. Bà Nguyễn Thị Ái (SN 1958) cho biết: “Từ ngày biển chết, tui cũng nghỉ bán cháo vì không còn khách mua. Hai vợ chồng không con cái, chồng là bộ đội từng chiến đấu và bị thương ở Căm Pu Chia nhưng không có chế độ gì, giờ hai vợ chồng sống nhờ cái quán sửa xe đạp, ngày chỉ mong kiếm được vài chục nghìn”.

Một chị khác kể, từ ngày biển chết, ngoài việc đời sống khó khăn, người làng biển thèm hải sản đến ngơ ngác. Không thèm răng được khi cả đời sống với biển, ăn bao loại hải sản mặn mòi. Có bữa thèm quá đánh liều kho mấy con cá nục. Khi kho cá thì gọi bọn trẻ đến, bảo cá này chỉ người lớn mới được ăn, con nít không ăn vì sợ chất độc. Vậy mà quay đi quay lại, lúc dọn cơm đã thấy mất biến hai con. Hỏi thì con khai là thèm quá nên lỡ ăn kẻo sợ đến bữa cơm bị cấm! Chuyện nghe qua chợt buồn cười mà ngẫm lại ngậm ngùi quá đỗi!

Thắp niềm hy vọng

Trước những khó khăn chồng chất đó, về Hải Ninh những ngày này, chúng tôi vẫn được chứng kiến những hình ảnh bình dị chứa đầy hy vọng của người dân nơi đây cùng những con đường mà họ đang tự mở lối cho mình. Anh Trương Xuân Hải, thôn Tân Hải, cho biết: Vợ chồng tui bắt đầu nuôi gà, vịt. Hiện mới chỉ nuôi được gần 300 con và rất hy vọng vào hướng đi này. Nhưng chúng tôi cần vốn để mở rộng chăn nuôi. Nếu Nhà nước tạo điều kiện cho vay, tui nghĩ mình sẽ gắn bó với nghề chăn nuôi thay vì phải đi miền Nam làm ăn hay xuất khẩu lao động!”.

Ngư dân thôn Cừa Thôn vẫn mải miết hoàn thiện tàu đánh cá nhỏ ven bờ.
Ngư dân thôn Cừa Thôn vẫn mải miết hoàn thiện tàu đánh cá nhỏ ven bờ.

Chị Trần Thị Mộng Thu chia sẻ: "Hiện chồng tôi đang đánh cá thuê ở miền Nam. Nếu sau này tỉnh có chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động, chồng tôi sẽ cố gắng học hỏi để đi xuất khẩu lao động dù biết cũng khó! Bản thân tôi sẽ tận dụng đất đai trong vườn để trồng cây, nuôi gà, ổn định cuộc sống!”.

Trao đổi về hướng đi của Hải Ninh sau sự cố môi trường biển, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết: Với những tiềm năng thế mạnh sẵn có của địa phương, xã đã cân nhắc một số hướng đi trong thời gian tới dù biết sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, xã sẽ đề xuất tỉnh, huyện hỗ trợ bà con chuyển hướng đầu tư trang trại chăn nuôi tổng hợp.

Bên cạnh đó, khoai gieo Hải Ninh cũng đang là một thương hiệu mạnh nên xã sẽ động viên bà con đầu tư mở rộng diện tích cây khoai lang để chế biến khoai gieo; trồng các loại cây như sắn dây, bí đao, bí đỏ, hành ngò..., những loại cây phù hợp với đất đai, khí hậu của xã cũng là hướng đi quan trọng. Xuất khẩu lao động là một trong những mục tiêu của địa phương trong quá trình chuyển đổi ngành nghề.                

Thực tế đến từ thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển đến nay, xã đã có trên 200 lao động xuất khẩu ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... Để làm được những điều này, Hải Ninh cần sự hỗ trợ, quan tâm của Trung ương, của tỉnh, huyện và các ban, ngành chức năng để người dân địa phương có thể vững vàng vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, phát triển sản xuất và vươn lên làm giàu chính đáng.

Lời kết

Không thể phủ nhận những khó khăn mà người dân xã Hải Ninh cũng như người dân các xã biển trong tỉnh đang phải đương đầu bởi sự cố môi trường biển.Thế nhưng như ngàn đời nay, những ngư dân quả cảm chưa bao giờ đầu hàng trước sóng gió.

Tại thời điểm khó khăn này, để ngư dân vững tin vượt qua thử thách, thì sự quan tâm, đồng hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể là hết sức quan trọng. Sự quan tâm và đồng hành ấy vừa phải cụ thể bằng những hỗ trợ về mặt định hướng, chính sách,kinh tế... và đồng thời phải được thực hiện một cách công tâm, minh bạch để củng cố niềm tin của nhân dân, cùng nhân dân vượt qua sóng gió.

Chia tay Hải Ninh, theo con đường nhựa chạy dọc Cừa Thôn, trong ráng chiều chúng tôi bắt gặp hình ảnh những ngư phủ đang mải miết hoàn thiện những con thuyền đánh cá nhỏ. Một hình ảnh đẹp để lại dư vị ngọt ngào giữa ngổn ngang những khó khăn khi người dân vẫn kiên cường thắp lên niềm hy vọng cho chính mình và mọi người.

Hiền Mai