.

Đổi thay ở Hợp Bàn

Thứ Ba, 27/09/2016, 08:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, bộ mặt nông thôn xã Quảng Hợp nói chung, thôn Hợp Bàn nói riêng đã có nhiều khởi sắc đáng mừng. Kinh tế được đa dạng hóa, rừng trồng phát triển, cơ sở hạ tầng có nhiều đổi mới, nên đời sống người dân được nâng lên rõ rệt...

Điều dễ nhận thấy nhất ở thôn Hợp Bàn (xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch) hôm nay là, hệ thống cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, hệ thống điện đã tỏa sáng khắp các gia đình trong thôn, nhà văn hóa được xây dựng kiên cố, khang trang. Đặc biệt, Hợp Bàn đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế.

Với đặc điểm là thôn thuần nông, nhưng các năm qua, ngoài làm nông nghiệp, người dân Hợp Bàn còn khai thác được tiềm năng, thế mạnh từ tài nguyên đất đai để trồng rừng kinh tế. Để có những khu rừng xanh ngát như hôm nay, được sự quan tâm, đầu tư từ các dự án của các cấp, các ngành, thôn đã khuyến khích người dân tập trung trồng rừng phủ xanh đất trống.

Hiện tại, toàn thôn có tổng diện tích đất tự nhiên trên 668ha nhưng đã có tới 257ha diện tích rừng trồng. Mỗi năm người dân nơi đây thu về hàng trăm triệu đồng từ kinh tế rừng. Một trong những người đã biết tận dụng diện tích đất rừng để phát triển sản xuất đó là anh Phạm Thanh Bảo, đang sở hữu một trang trại có diện tích 32ha để chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản và trồng rừng.

Phong trào trồng rừng kinh tế phát triển đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân Hợp Bàn.
Phong trào trồng rừng kinh tế phát triển đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân Hợp Bàn.

Hiện nay, trang trại của anh đang nuôi 40 con dê, trong đó có 15 con dê mẹ, mỗi năm sinh sản 2 lứa. Từ lúc đẻ đến lúc bán, dê có trọng lượng khoảng 30kg, với giá bán 1kg là 160 nghìn đồng.

Như vậy, mỗi con dê khi bán có giá từ 4,5-5 triệu đồng. Ngoài ra anh còn nuôi hơn 1.500 con vịt, trong đó có 1.300 con đang trong thời kỳ đẻ trứng. Bình quân một ngày anh thu vào gần 3 triệu đồng tiền bán trứng. Anh còn đào 3 hồ nuôi cá, khoảng 6ha để nuôi các loại cá rô phi, trắm cỏ, cá mè, với phương châm bán tỉa thả bù, bình quân một năm xuất bán khoảng 5 tấn cá, thu về trên 100 triệu đồng. Riêng đối với rừng trồng, gia đình anh trồng 14ha bạch đàn và tràm hiện đang chuẩn bị cho thu hoạch.

Bên cạnh đó, tận dụng diện tích vườn nhà rộng, anh còn trồng thêm cỏ voi để làm thức ăn cho đàn dê. Với mô hình kinh tế trang trại này, anh Bảo đã giải quyết công ăn việc làm cho 6 lao động trong gia đình và đem lại nguồn thu nhập sau khi trừ mọi chi phí khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.

Cũng như hộ gia đình anh Bảo, nhiều hộ dân khác trong thôn Hợp Bàn đã tận dụng lợi thế từ đất đai rộng lớn để đầu tư vốn, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình. Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn thôn không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 7-10%. Hiện 100% hộ gia đình trong thôn không còn nhà tạm, nhà dột nát; tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng, có khoảng 80% hộ gia đình có nhà ở khang trang và trên 95% hộ dân được tiếp cận các phương tiện thông tin nghe nhìn, điện thoại.

Toàn thôn Hợp Bàn hiện có 280 hộ dân với 1.100 nhân khẩu. Cùng với việc phát triển kinh tế rừng, người dân nơi đây còn chú trọng đa dạng hóa các mô hình sản xuất, kinh doanh như các tổ nghề mộc, nề, buôn bán nông sản, tạp hóa nhỏ lẻ. Hiện toàn thôn có 15 hộ kinh doanh dịch vụ, 4 hộ xay xát, 5 máy cày bừa, 4 ô tô dịch vụ, vận tải... Nhờ đó, đã tạo công ăn việc làm cho trên 70% hộ dân có mức thu nhập ổn định.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 11,5 triệu đồng/năm. Nếu đem số liệu ấy so sánh với các địa phương khác thì còn chênh lệch đáng kể, nhưng so với mặt bằng chung trên địa bàn xã miền núi như Quảng Hợp thì nguồn thu nhập này khá cao. Điều đáng nói là chỉ cách đây vài năm, người dân thôn Hợp Bàn còn chật vật chạy ăn từng bữa.

Song song với việc phát triển kinh tế, thôn Hợp Bàn còn chú trọng xây dựng đời sống văn hóa, phát triển các hình thức văn hóa làng xã. Đến nay, toàn thôn có 181 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 66,7%. Và mới đây, một niềm vui lớn đã đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Hợp Bàn, đó là được UBND huyện Quảng Trạch công nhận danh hiệu thôn văn hóa năm 2016.

Với điều kiện đặc thù của một thôn miền núi như Hợp Bàn, có được những kết quả nói trên là cả một quá trình cố gắng rất lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây. Có thể nói, đây là cơ sở quan trọng, tạo động lực giúp Hợp Bàn đi lên vững chắc trong giai đoạn tiếp theo, tích cực góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quảng Hợp xây dựng quê hương giàu mạnh.

P.V