.

Hội Nông dân huyện Quảng Trạch: Hướng hội viên theo mô hình kinh tế tập thể

Thứ Ba, 16/08/2016, 15:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, nhiều mô hình kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp như tổ liên kết sản xuất, tổ hợp tác (THT) và hợp tác xã (HTX) được các hội viên nông dân trên địa bàn huyện Quảng Trạch hưởng ứng và phát triển ngày càng mạnh về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt, với những mô hình liên kết làm kinh tế của nông dân đã thể hiện rõ nét vai trò “bà đỡ” Hội Nông dân huyện Quảng Trạch trong phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Khi nông dân liên kết sản xuất...

Xã Quảng Thạch (Quảng Trạch) là một địa phương thuần nông, đời sống kinh tế của người dân đa số dựa vào sản xuất chăn nuôi và trồng trọt là chủ yếu. Thời gian qua, bên cạnh phát triển các mô hình chăn nuôi tập trung, Quảng Thạch đã tranh thủ các cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phát triển các mô hình quy mô vừa và nhỏ theo hình thức THT, HTX thông qua hoạt động của Hội Nông dân xã, điển hình là HTX chăn nuôi tổng hợp sạch Nam Hồng Quảng.

Theo chị Nguyễn Thị Hồng, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi tổng hợp sạch Nam Hồng Quảng, xã Quảng Thạch cho biết, trước đây gia đình chỉ nuôi vài chục con gà và không dám đầu tư mở rộng thêm mặc dù bản thân chị rất muốn phát triển nghề chăn nuôi.

Nguyên nhân là sợ dịch bệnh và thị trường tiêu thụ hạn hẹp sẽ làm thua lỗ và ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Nắm bắt được nhu cầu thực tế đó của nhiều hội viên nông dân trong xã, Hội Nông dân xã Quảng Thạch đã đứng ra xây dựng mô hình THT về chăn nuôi nhằm liên kết các hội viên cùng tham gia phát triển sản xuất. Không bỏ lỡ cơ hội, chị Hồng đã mạnh dạn tham gia vào THT.

Tại đây, chị Hồng được tập huấn kỹ thuật, được chia sẻ về kinh nghiệm, được hỗ trợ về kiến thức chăn nuôi và cả thị trường tiêu thụ sản phẩm. Có được sự hậu thuẫn của Hội Nông dân xã, cộng với kinh nghiệm của bản thân và nguồn vốn tích góp, chị đã tự tin mở rộng quy mô chăn nuôi chuồng trại với quy trình nuôi khép kín. 

Hội viên nông dân tham gia THT, HTX thực sự yên tâm trong các khâu liên kết sản xuất, chăn nuôi.
Hội viên nông dân tham gia THT, HTX thực sự yên tâm trong các khâu liên kết sản xuất, chăn nuôi.

Đến nay, trang trại của chị Hồng đã có diện tích trên 1ha với quy mô gần 3.000 con gà kiến thương phẩm, 140 con lợn thịt/lứa và hàng chục con gà Đông Tảo. Mô hình THT chăn nuôi của chị Hồng đi vào hoạt động ổn định và cho thu nhập cao, hàng năm thu từ 700-800 triệu đồng.

Đến tháng 4-2016, dưới sự hướng dẫn của Hội Nông dân huyện Quảng Trạch và Liên minh HTX tỉnh, THT của chị Hồng đã hoàn thành các thủ tục thành lập HTX chăn nuôi tổng hợp sạch Nam Hồng Quảng với 11 thành viên, trong đó riêng xã Quảng Thạch có 5 hộ gia đình tham gia, còn lại là các thành viên thuộc các xã lân cận như Quảng Lưu, Quảng Hợp, Quảng Kim...

Có thể nói, việc thành lập HTX Nam Hồng Quảng đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế trang trại của địa phương cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ cho nhiều hội viên nông dân trong xã. Chị Nguyễn Thị Hồng, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi tổng hợp sạch Nam Hồng Quảng chia sẻ, không như trước đây, chăn nuôi đơn lẻ luôn gặp rủi ro, bây giờ là thành viên HTX, người chăn nuôi chỉ lo chăm sóc cho vật nuôi mau lớn, duy trì và phát triển mô hình, chứ không phải lo nghĩ nhiều về các khâu khó, đặc biệt là thị trường tiêu thụ bởi khi tham gia mô hình HTX, các hội viên nông dân đã thực sự  yên tâm trong các khâu liên kết sản xuất, chăn nuôi như: dịch vụ con giống, thức ăn, kỹ thuật, đầu ra sản phẩm và vệ sinh môi trường...

Ông Phạm Đức Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Thạch phấn khởi, kể từ khi Hội Nông dân huyện gây dựng và đưa các mô hình THT, HTX chăn nuôi vừa và nhỏ đi vào hoạt động ổn định, mặc dù còn rất nhiều việc phải làm, nhưng chúng tôi cũng khá yên tâm về tiêu chí thu nhập, một trong những tiêu chí quan trọng để phấn đấu xây dựng một xã NTM. Đặc biệt, mô hình HTX chăn nuôi tổng hợp sạch Nam Hồng Quảng mặc dù thành lập chưa lâu nhưng đã phát triển đúng hướng và hoạt động hiệu quả, được nhiều hội viên nông dân ở các địa phương trong huyện đến tham quan, học tập...

Và vai trò “bà đỡ” của Hội Nông dân

Không chỉ có ở xã Quảng Thạch, các hộ chăn nuôi ở một số xã khác của huyện Quảng Trạch như: Quảng Lưu, Quảng Châu, Quảng Phương, Quảng Xuân... cũng đã cùng nhau tham gia thành lập các mô hình kinh tế tập thể như: CLB, tổ liên kết, THT và HTX sản xuất.

Theo nhiều hội viên nông dân ở các xã, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi vừa và nhỏ chủ yếu theo mô hình kinh tế tập thể thực sự phát huy hiệu quả tại các địa phương, vì việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp vừa là một xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, vừa giúp nông dân mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Do đó, trên cơ sở các mô hình chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn, Hội Nông dân huyện Quảng Trạch đã hướng dẫn các địa phương thành lập được trên 40 tổ liên kết, THT sản xuất và 1  HTX, thu hút khoảng trên 320 hội viên nông dân tham gia.

Đáng nói, các tổ liên kết, THT và HTX ngày càng làm ăn có hiệu quả, trong đó, nhiều mô hình chăn nuôi đã chủ động ký hợp đồng với các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, tiến hành phòng chống dịch bệnh ngay từ khi thả con giống. Tổ chức liên kết với các nhà hàng, thương lái nhằm bảo đảm sản phẩm làm ra được tiêu thụ ổn định, tạo thành thương hiệu tập thể và uy tín trên thị trường.

Ông Lê Ngọc Duẫn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Trạch cho biết, các mô hình kinh tế tập thể đã phát huy vai trò trong việc đổi thay cách nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt là thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân và vệ sinh môi trường, phát triển bền vững. Mặt khác, còn tạo sự gắn kết giữa nông dân và nông dân ngày càng bền chặt.

Cùng với việc làm tốt vai trò vận động, tuyên truyền hội viên, nông dân sản xuất theo mô hình mới, lối tư duy liên kết mới, các cấp Hội Nông dân huyện Quảng Trạch còn tích cực triển khai các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ cho các THT và tổ liên kết sản xuất.

Theo đó, Hội Nông dân huyện đã đứng ra tín chấp, ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thành lập và quản lý trên 125 tổ vay vốn, thu hút hơn gần 6.000 lượt hộ gia đình tham gia với số vốn được vay trên 90 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện xây dựng được hơn 70 tổ vay vốn, tín chấp hỗ trợ cho trên 3 nghìn hội viên nông dân vay hơn 100 tỷ đồng để giúp thành viên các THT, tổ liên kết sản xuất được vay vốn tín dụng thương mại, tín dụng ưu đãi đầu tư xây dựng mô hình, mở rộng sản xuất.

Ông Lê Ngọc Duẫn cho rằng, các THT, tổ liên kết đều được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, nông dân sẽ tích cực đầu tư sản xuất, từ đó THT, tổ liên kết sẽ phát triển nhanh hơn và tiếp tục nâng cao chất lượng...

Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM việc chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân; đổi mới và phát triển các hình thức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn là những nội dung hết sức quan trọng vì vậy việc gây dựng các mô hình tổ liên kết sản xuất, THT và HTX sản xuất trong nông nghiệp của Hội Nông dân huyện Quảng Trạch cũng không nằm ngoài những mục tiêu trên.

Cùng với đó, thông qua hình thức liên kết sản suất này, nhiều hộ nông dân trong huyện đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động, đồng thời duy trì và phát triển bền vững các ngành nghề truyền thống của địa phương.

N.L