.

Đa dạng hoá cây trồng trên đất lúa: Giải pháp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Thứ Hai, 25/07/2016, 09:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng giai đoạn 2014-2020, thời gian qua huyện Bố Trạch đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong đó vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao giá trị sản xuất. Đây được xem là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Ảnh 2 : Trồng ngô xen canh lạc trên đất lúa kém hiệu quả ở xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch.
Trồng ngô xen canh lạc trên đất lúa kém hiệu quả ở xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch.

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bố Trạch đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, được mùa toàn diện; sản lượng lương thực đạt bình quân 46.000 tấn/năm; năng suất các loại cây trồng không ngừng được cải thiện (lúa 49,8 tạ/ha, ngô 55,0 tạ/ha, lạc 18,3 tạ/ha, sắn 232,6 tạ/ha); tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận chiếm trên 55,0%; lúa chất lượng cao có 4.000 ha (chiếm 51,7% tổng diện tích lúa của huyện).

Đồng thời đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung trên một số cây trồng như lúa (8.753,2 ha), sắn (3.430,0 ha), ngô (1.205,1 ha), lạc (1.247,0 ha), bước đầu đã tạo liên kết trong sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân; nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống, biện pháp canh tác tiên tiến được áp dụng góp phần mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác nhau nên sản xuất nông nghiệp nhất là công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn bộc lộ nhiều hạn chế như: quy mô sản xuất nhỏ, diện tích manh mún, năng suất và chất lượng thấp, chưa có thương hiệu. Sản phẩm mang tính hàng hóa nổi bật ít nên hiệu quả và sức cạnh tranh kém; việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến, có hiệu quả vào sản xuất chưa mạnh; tình trạng nông dân bỏ ruộng có xu hướng gia tăng...

Nhằm khắc phục tình trạng đó, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Bố Trạch đã tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020, trong đó chú trọng triển khai đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng và bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Xác định lúa vẫn là cây trồng chủ lực, huyện chủ trương đối với các chân ruộng khác nhau, tùy theo điều kiện mà có phương án cụ thể theo định hướng chuyển đổi. Chẳng hạn, đối với ruộng 2 vụ ăn chắc, nông dân sẽ tập trung chuyển đổi mạnh sang cơ cấu giống lúa chất lượng cao như P6, HT1, PC6, SV181...; đồng thời áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, đẩy mạnh đầu tư thâm canh để tăng năng suất, chất lượng lúa hàng hóa.

Riêng đối với ruộng 1 vụ vùng thấp trũng, thường bị ngập úng trong vụ hè-thu, nông dân sẽ tập trung sản xuất vụ đông-xuân ăn chắc, để lúa tái sinh, kết hợp nuôi cá, vịt, cua đồng...; từng bước nghiên cứu, thử nghiệm đưa giống lúa cực ngắn như SV181, PC6, P6 đột biến vào sản xuất vụ hè-thu để thay thế dần lúa tái sinh khi có đủ điều kiện phù hợp.

Cùng với đó, việc đẩy mạnh chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác cũng là giải pháp hữu hiệu góp phần hạn chế tình trạng bỏ ruộng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Với mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 chuyển đổi được 1.000 ha đất lúa kém hiệu quả, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã Đại Trạch, Vạn Trạch, Hòa Trạch, Tây Trạch, Đồng Trạch, Hạ Trạch, Cự Nẫm, Hưng Trạch, Sơn Trạch, Sơn Lộc..., huyện chủ trương đa dạng hoá các loại cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, chuyển đổi sang gieo trồng ngô, lạc, ớt, đậu xanh, vừng, rau các loại; đồng thời trồng cỏ để chăn nuôi trâu, bò tại các ruộng cao, bị thiếu nước ở Phúc Trạch, Lâm Trạch, Xuân Trạch, Liên Trạch... Riêng đối với diện tích trồng lạc, ngô kém hiệu quả tại Phúc Trạch, Lâm Trạch, Xuân Trạch, huyện khuyến khích bà con nông dân chuyển sang trồng sắn nguyên liệu theo mô hình trồng lạc xen canh sắn.

Đồng thời tiếp tục khảo nghiệm, trình diễn các giống sắn năng suất và hàm lượng tinh bột cao dần thay thế các giống cũ năng suất thấp; kết hợp trồng sắn rải vụ để đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2020 chuyển đổi hoàn toàn giống sắn KM94 bằng giống sắn mới có năng suất, hàm lượng tinh bột cao, đưa năng suất sắn trên địa bàn huyện lên 300-350 tạ/ha.

Cùng với cây sắn, cây ngô được phát triển theo hướng thâm canh, bền vững, phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai của các địa phương. Từng bước mở rộng diện tích trồng ngô làm cây thức ăn phục vụ chăn nuôi; phát triển ngô thực phẩm ở các vùng đủ điều kiện để nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích; áp dụng nhanh khoa học công nghệ, đẩy mạnh liên kết sản xuất, gắn sản xuất với thu mua và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết khá thích hợp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây dược liệu, nấm ăn, nấm dược liệu cũng được xem là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và giảm nghèo.

Cây dược liệu cà gai leo, hướng đi mới hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bố Trạch.
Cây dược liệu cà gai leo, hướng đi mới hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bố Trạch.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Cẩm Long, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bố Trạch cho biết: hiện toàn huyện có 30 hộ trồng nấm, 1 hợp tác xã trồng nấm dược liệu và 5 ha diện tích cây dược liệu như cà gai leo, ba kích, đinh lăng được trồng ở các xã Phúc Trạch, Sơn Lộc. Tuy còn khá mới mẻ nhưng các mô hình được triển khai trên địa bàn huyện đã cho thấy cây dược liệu hứa hẹn là cây trồng tiềm năng, mang lại thu nhập tốt cho người nông dân. Thậm chí có nhiều loại cây cho mức thu nhập cao gấp 1,5 đến 2 lần so với cây lúa.

Nhằm tạo động lực cho người dân phát triển sản xuất, huyện Bố Trạch đã tiến hành hỗ trợ giống lúa, ngô, lạc xác nhận; trợ giá hàng năm các giống lúa chất lượng cao với mức 3.000 đồng/kg, lúa lai 10.000 đồng/kg; các giống ngô lai mới có năng suất cao 10.000 đồng/kg; giống lạc mới 6.000 đồng/kg. Đồng thời hỗ trợ chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả đối với vùng chuyển đổi có diện tích từ 1 ha trở lên với mức 4 triệu đồng/ha.

Với những chủ trương hợp lý cùng cách làm hiệu quả, chủ động của người dân, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Bố Trạch thời gian qua đã thu được những kết quả quan trọng, từng bước, tạo ra nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Thanh Hải