.

Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại giai đoạn 2011-2015: Vẫn còn nhiều bất cập

Thứ Ba, 14/06/2016, 07:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Có thể nói, qua 5 năm thực hiện Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, đã tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, việc đầu tư kết cấu hạ tầng còn dàn trải, thiếu đồng bộ, đặc biệt một số công trình dự án chưa phát huy hiệu được quả đầu tư.

Trong 5 năm (2010-2015), bằng các nguồn vốn tổng hợp trên địa bàn, tỉnh đã đầu tư hơn 30.200 tỷ đồng cho Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, tăng 120% so với giai đoạn 2006-2010.

Với nguồn vốn bố trí hàng năm, tỉnh đã tập trung ưu tiên đầu tư các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, cấp nước, cấp điện... làm tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Trong 5 năm tỉnh ta từng bước đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống giao thông: quốc lộ, đường ven biển, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã; trong đó ưu tiên đầu tư các công trình quan trọng, có tính chiến lược, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án cấp nước Hoàn Lão chưa phát huy hiệu quả.
Dự án cấp nước Hoàn Lão chưa phát huy hiệu quả.

Các tuyến đường nội thị được quan tâm đầu tư, từng bước thực hiện chương trình cứng hoá giao thông nông thôn, đường về trung tâm cụm xã; dần đưa hệ thống các công trình giao thông chính vào đúng cấp bậc kỹ thuật quy định.

Tỉnh cũng đã từng bước đầu tư đồng bộ và hiện đại hoá hệ thống thủy lợi, đầu tư có trọng điểm các hồ chứa bảo đảm cung cấp đủ nước cho sản xuất, sinh hoạt, đến nay đã tưới chủ động cho 95,5% diện tích lúa cả năm (mục tiêu Chương trình đến 2015 đạt 95%).

Mặt khác, đầu tư đồng bộ hệ thống cung cấp nước sạch và nước hợp vệ sinh cho khu đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư tập trung. Đến năm 2015, có 96% dân cư đô thị dùng nước sạch và 81% dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh (mục tiêu đến 2015 đạt 95% và 75-80%).

Kết cấu hạ tầng văn hóa-xã hội được quan tâm đầu tư: đến năm 2015 có 98,8% số hộ được dùng điện lưới (mục tiêu đến 2015 đạt 98%). Trong 22 danh mục dự án ưu tiên đầu tư của Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2011-2015, đến nay đã có 19 danh mục dự án hoàn thành hoặc đang triển khai xây dựng, còn 3 danh mục chưa thực hiện, đang tiếp tục xúc tiến đầu tư.

Mặc dù có nhiều chuyển biến hết sức quan trọng, nhưng dễ nhận thấy rằng, việc thực hiện chương trình phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện nay ở Quảng Bình vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế. Rõ nhất, đó là kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ và chưa phát huy hết hiệu quả đầu tư; công tác quy hoạch thiếu kịp thời, nhất là quy hoạch ngành và quy hoạch vùng, quy hoạch xây dựng nông thôn mới chất lượng còn hạn chế.

Qua số liệu thống kê chưa đầy đủ, các địa phương trong tỉnh nợ đọng XDCB trong 5 năm qua hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương (cấp huyện, xã) nợ 600 tỷ đồng. Ngoài ra, có thêm nợ xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh (tính đến ngày 31-5-2016) lên đến 500 tỷ đồng, xếp vào các tỉnh có số nợ đọng cao nhất trong cả nước.

Thí dụ như tuyến đường giao thông An Thủy-Mai Thủy, là công trình trọng điểm giai đoạn 2010-2015 ở huyện Lệ Thủy, được đầu tư bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng do thiếu vốn nên sau 5 năm công trình này vẫn còn dang dở, gây trở ngại đến việc đi lại của người dân. Qua nhiều kỳ tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, cử tri có nhiều ý kiến, nhưng đến nay công trình vẫn không thi công tiếp...

Một số công trình thủy lợi thiếu đồng bộ giữa đầu tư hồ chứa với hệ thống kênh mương, nên không phát huy hiệu quả đầu tư... Hầu hết nguồn vốn tập trung cho xây dựng hồ chứa, còn bố trí cho hệ thống kênh mương ít. Vì vậy, khi công trình hồ xây dựng xong đã lâu mà nước vẫn không về được các chân ruộng...; cấp nước phục vụ cho sản xuất còn nhiều khó khăn nhất là cấp nước cho sản xuất công nghiệp.

Hạ tầng giao thông mặc dù được đầu tư nguồn vốn lớn, nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Hệ thống giao thông qua các đô thị và qua các vùng trọng điểm chưa đáp ứng được yêu cầu. Giao thông liên vùng chưa bảo đảm thông suốt, nhất là ở các khu vực thường xuyên bị ngập lụt và khu vực miền núi. Đáng chú ý là trong khi thực hiện xây dựng giao thông theo hình thức BOT, trên địa bàn có 2 trạm thu phí phương tiện xe cơ giới đường bộ BOT. Qua phản ánh của người dân thì việc bố trí địa điểm đặt trạm chưa hợp lý, người dân một số địa phương trong tỉnh phải chịu phí quá cao, gây nhiều bức xúc.

Hạ tầng cấp điện cũng chưa đồng bộ; cấp nước sinh hoạt còn thiếu, nhất là khu vực nông thôn, miền núi. Thí dụ như dự án cấp nước sinh hoạt ở thị trấn Hoàn Lão (Bố Trạch) đầu tư hơn 40 tỷ đồng, phục vụ các xã và thị trấn Hoàn Lão đưa vào hoạt động từ năm 2014, nhưng đến nay chỉ có vài chục hộ sử dụng nước.

 Công trình kè sông Kiến Giang chủ đầu tư còn nợ đơn vị thi công hơn 20 tỷ đồng từ 4 năm nay.
Công trình kè sông Kiến Giang chủ đầu tư còn nợ đơn vị thi công hơn 20 tỷ đồng từ 4 năm nay.

Nguyên nhân chính là dự án chỉ đầu tư trạm xử lý và tuyến chính, còn các tuyến ống xương cá không được đầu tư nên người dân thấy nước sạch mà không thể dùng được, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư; công tác quản lý, giám sát chất lượng thi công công trình còn hạn chế; công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Cơ sở hạ tầng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục, thể thao còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là các tuyến cơ sở. Việc phát triển hạ tầng viễn thông, Internet, phát thanh truyền hình đến các vùng sâu, vùng cao gặp nhiều khó khăn. Các thiết chế về văn hóa, thể thao còn yếu và thiếu.

Bài học rút ra từ thực tiễn là cần chú trọng xây dựng các quy hoạch chi tiết, nhất là quy hoạch hạ tầng, bảo đảm quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước, làm cơ sở cho công tác đầu tư hạ tầng. Thời gian qua không ít công trình, dự án khi lập hồ sơ thiếu sự đồng bộ nên xảy ra lãng phí như: đường mới làm đã phải đào lên để xây dựng tuyến thoát nước, lắp đặt hệ thống viễn thông, công trình sau chồng lên công trình trước gây lãng phí và giảm hiệu quả đầu tư. Việc thực hiện liên kết vùng Bắc Quảng Bình và Nam Hà Tĩnh thời gian qua chưa có kết quả rõ rệt.

Về nguồn vốn, giải pháp có tính chiến lược là tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và các nguồn vốn nước ngoài để tăng vốn hỗ trợ có mục tiêu và hỗ trợ đầu tư khác cho đầu tư phát triển. Được biết, tỉnh đã có kiến nghị với Chính phủ cần có chính sách ưu tiên tăng nguồn lực cho các tỉnh nghèo, trong đó có Quảng Bình để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương trong cả nước.

Trọng Thái