.

Áp dụng triệt để biện pháp tưới tiết kiệm vụ hè-thu

Thứ Tư, 08/06/2016, 09:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhân triển khai sản xuất vụ hè-thu, phóng viên Báo Quảng Bình có cuộc phỏng vấn đồng chí Phan Văn Khoa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về những vấn đề mà nông dân trong tỉnh đang quan tâm trong vụ sản xuất này.

- P.V: Đối với sản xuất vụ hè-thu nước tưới luôn là vấn đề người dân hết sức quan tâm, năm nay được xem là năm hạn hán diễn ra trên diện rộng, xin đồng chí cho biết tình hình nước tưới đối với vụ sản xuất hè-thu năm nay?

- Đ/c Phan Văn Khoa: Qua số liệu thống kê, tổng lượng mưa toàn tỉnh năm 2015 đạt 1.976,2mmm, bằng 88,9% so với trung bình nhiều năm. Đáng chú ý là các địa phương từ Đồng Hới trở ra phía bắc lượng mưa thấp hơn khu vực phía nam. Mặt khác, lượng mưa 4 tháng đầu năm 2016 cũng chỉ đạt 52,3 - 84,1% so với trung bình nhiều năm.

Hiện tại tổng dung tích các công trình thủy lợi do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý là 255,5 triệu m3 đạt 68,4% dung tích. Các hồ do địa phương quản lý từ Đồng Hới trở vào phía nam cơ bản đủ nước tưới (trừ hồ Văn Minh đạt 50%, hồ Long Đại đạt 6,7%, hồ Long Đèn đạt 5,5%, hồ Bàu Ôốc đạt 40%). Riêng các địa phương từ Bố Trạch trở ra các hồ chỉ đạt 20 – 80% dung tích thiết kế.

Như vậy, với tình hình thực tế lượng mưa, các nguồn nước trên toàn tỉnh và nhận định khí tượng thủy văn cho thấy vụ hè-thu tình hình hạn hán sẽ xảy ra cục bộ ở vùng đồi, các hồ chứa nhỏ. Theo đó, khoảng 600ha có khả năng thiếu nước tưới cuối vụ, 500ha không có nước tưới ngay từ đầu vụ tập trung chủ yếu ở Quảng Trạch 200ha (hồ Trung Thuần, hồ Trằm, hồ Đồng Vạt, hồ Chọ Việt, hồ Vân Tiền,...); Bố Trạch 120ha (hồ Đá Liền, Khe Điện, Bồng Lai...); Ba Đồn 70ha (hồ Hóc Chọ, Thông Thống...), Quảng Ninh 80ha (hồ Long Đại)... Đánh giá chung, nếu như các địa phương thực hiện tốt biện pháp tưới tiết kiệm thì cơ bản đủ nước cho sản xuất vụ hè-thu.

- P.V: Xin đồng chí cho biết những giải pháp tưới tiết kiệm mà Sở đang chỉ đạo đối với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi cũng như các địa phương  trong vụ hè-thu này?

- Đ/c Phan Văn Khoa: Đối với hè-thu 2016 với những diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là có thể xảy ra hạn cục bộ ở các địa phương Sở đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tranh thủ tích nước trong đợt mưa cuối tháng 5, đầu tháng 6; sử dụng các nguồn nước sẵn có trên mặt ruộng, ở ao hồ tự nhiên để tưới cho các đợt đầu, để dành nước ở các hồ chứa cho các đợt tưới cuối vụ hè-thu. Các biện pháp tận dụng nước đầu vụ như: be bờ tích nước trên mặt ruộng, trong các ao hồ, đặt các trạm bơm dã chiến để bơm hồi quy... đồng thời chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch đông-xuân đến đâu tranh thủ cày ải ngay đến đó để tận dụng độ ẩm đang còn trong đất.

 Nông dân Lệ Thủy gấp rút làm đất để gieo cấy vụ hè-thu.
Nông dân Lệ Thủy gấp rút làm đất để gieo cấy vụ hè-thu.

Thực hiện quy trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ (nông lộ phơi, SRI), áp dụng hình thức tưới luân phiên, vùng xa tưới trước, gần tưới sau. Đối với các hồ chứa có nguy cơ thiếu nước cuối vụ phải triệt để áp dụng phương pháp tưới ẩm đã thực hiện thành công trong vụ hè-thu 2015 ở hồ Tiên Lang. Phối hợp chặt chẽ với địa phương lập kế hoạch dùng nước, lịch tưới, mức tưới của từng đợt theo thời kỳ sinh trưởng của cây trồng cho từng xứ đồng để chủ động sản xuất. Tóm lại cần phải áp dụng triệt để biện pháp tưới tiết kiệm nước sản xuất vụ hè-thu.

Thứ hai, cơ cấu giống lúa ngắn ngày, cực ngắn ngày như PC6, P6 đột biến, SV181... để giảm số lần tưới đối với các hồ không bảo đảm đủ nước tưới, có nguy cơ thiếu nước cuối vụ nhất là lưu vực hồ Tiên Lang, Trung Thuần, Vân Tiền, Thông Thống, Đá Liền, Khe Điện,...

Thứ ba, tích cực chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa thiếu nước. Việc gieo trồng cây chuyển đổi phải được triển khai ngay sau khi thu hoạch vụ đông-xuân. Sử dụng các cây trồng có khả năng chịu hạn, ngắn ngày như đậu xanh, mè, ngô...

- P.V: Được biết, tại Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp có nội dung khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp, trong đó chuyển đổi đất lúa thiếu nước, kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác. Xin đồng chí cho biết vụ hè-thu này diện tích chuyển đổi được bao nhiêu, cụ thể từng loại cây trồng...?

- Đ/c Phan Văn Khoa: Ngành Nông nghiệp Quảng Bình đang dịch chuyển cơ cấu cây trồng theo hướng chất lượng, giá trị, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Để chuẩn bị cho vụ hè-thu này, Sở đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị rà soát, cân đối lượng nước tưới của từng công trình thủy lợi, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch sản xuất lúa và chuyển đổi trên đất lúa.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, dự kiến diện tích chuyển đổi vụ hè-thu 2016 khoảng 1.000ha trên đất lúa thiếu nước, đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô 400ha, đậu xanh 360ha, dưa hấu 90 ha, cây thức ăn gia súc 90ha, mè 50ha, khoai lang 25ha, rau 20ha... Các đối tượng chuyển đổi là cây trồng có nhu cầu sử dụng nước ít, chịu hạn tốt, có hiệu quả kinh tế cao hơn được thực tiễn những năm qua chứng minh rõ nét.

- P.V: Vụ hè-thu năm ngoái, Sở chỉ cho phép các địa phương sản xuất 6.000ha lúa tái sinh, nhưng nông dân vẫn làm hơn 9.000ha, vậy vụ này Sở có biện pháp gì để hạn chế lúa tái sinh?

- Đ/c Phan Văn Khoa: Sản xuất lúa tái sinh đã có từ hàng chục năm nay. Nhìn nhận khách quan, sản xuất lúa tái sinh có một số ưu điểm như: thời gian thu hoạch ngắn, đầu tư ít, không chịu ảnh hưởng của lũ lụt, chuột bọ...

Tuy nhiên đánh giá một cách tổng thể thì sản xuất lúa tái sinh còn nhiều tồn tại như năng suất thấp, tỷ lệ thu hồi gạo không cao, không bảo quản được lâu. Để sản xuất lúa hè-thu buộc phải thu hoạch lúa đông-xuân bằng thủ công nên ngày công khá cao so với thu hoạch bằng cơ giới (chi phí công gấp 2 -3 lần so với gặt máy).

Từ năm 2015, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với huyện Quảng Ninh đã phối hợp chỉ đạo thành công mô hình sản xuất lúa-hè thu sớm bằng các giống lúa ngắn, cực ngắn ngày đồng thời sử dụng hàng rào ni lon kết hợp bẫy lồng thu gom chuột nhằm thu hoạch trong khoảng 20 đến 25-8 để chạy lũ, tránh chuột. Đó là cơ sở để vụ hè-thu 2016, huyện Quảng Ninh đẩy mạnh sản xuất lúa hè-thu ở các xã ven ruộng 1 vụ, ruộng tái sinh như An Ninh, Vạn Ninh, Tân Ninh...

Đồng thời, Sở chỉ đạo huyện Lệ Thủy triển khai mô hình lúa hè-thu sớm ở các xã Lộc Thủy, Mai Thủy, Xuân Thủy làm cơ sở để triển khai cho các năm tiếp theo, từ đó vận động người dân giảm dần diện tích sản xuất lúa tái sinh, tăng cường cơ giới hóa vào sản xuất, nhằm nâng cao giá trị sản xuất lúa vụ hè-thu.

- P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

P.V