.

Triển vọng từ trồng đót

Thứ Ba, 17/05/2016, 07:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Đầu năm 2016, được Sở Khoa học-Công nghệ đầu tư trên 140 triệu đồng và sự hỗ trợ kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Minh Hóa, hai hộ dân ở xã Trọng Hóa đã trồng được 2ha cây đót. Theo những người dân này, đót là một loại cây bản địa rất dễ trồng, dễ chăm sóc và hứa hẹn sẽ cho thu nhập cao.

Đã bao đời nay, cứ mỗi dịp cuối tháng Chạp, đầu tháng Giêng là đồng bào vùng dân tộc ở các xã biên giới huyện Minh Hóa lại lên rừng lấy đót về bán. Công việc vất vả, nặng nhọc nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, trong khi cây đót gần nhà thì bị trâu bò ăn hết. Để tạo hướng làm ăn mới cho bà con, Sở Khoa học - Công nghệ đã đầu tư kinh phí trên 140 triệu đồng và Phòng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa hỗ trợ kỹ thuật giúp người dân xã Trọng Hóa trồng cây đót.

Ban đầu, chẳng có hộ nào nhận trồng vì lo ngại không có kết quả. Qua quá trình vận động, đã có hai hộ dân đứng ra nhận trồng đó là hộ anh Hồ Thong, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã và anh Hồ Thao, cán bộ Y tá thôn bản.

Các hộ dân xã Trọng Hóa đang chăm sóc cây đót.
Các hộ dân xã Trọng Hóa đang chăm sóc cây đót.

Để trồng được 2 ha đót, hai hộ này đã chọn một vùng đất có nhiều đót rồi bỏ công sức phát, đốt sạch những cây bụi. Phát, đốt xong, họ chặt cọc cắm và mua dây thép gai rào xung quanh. Sau đó, những cây đót bị đốt cháy còn lại gốc mọc lên những khóm đót non. Lúc này, họ được cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện lên bắt tay, chỉ việc để đào hố, bón phân rồi tỉa từng khóm đót dày trồng vào những chỗ thưa sao cho mỗi khóm cách nhau 2,5m, mỗi hàng cách nhau 2 m. Qua một thời gian, 2ha mô hình trồng cây đót ở xã Trọng Hóa đã hình thành với 5.000 khóm đót.

Ông Đinh Minh Thông, Chủ nhiệm mô hình trồng cây đót ở xã Trọng Hóa cho biết: “Cây đót ở Trọng Hóa sống ở tự nhiên đã tốt rồi, giờ được chăm bón nên càng phát triển tốt hơn. Tôi tin rằng, đây sẽ là cây trồng giúp cho hai hộ dân sớm thoát nghèo và mở hướng đi mới cho nhiều hộ dân khác”. Theo kế hoạch, 2ha mô hình trồng cây đót ở xã Trọng Hóa sẽ được hỗ trợ liên tục ba năm để bà con tiếp tục chăm bón, bảo vệ và mở rộng mô hình.

Anh Hồ Thong, một trong hai hộ trồng đót phấn khởi: “Mới trồng được vài tháng nhưng mô hình đót của tôi đã phát triển rất tốt. Mỗi khóm đót có từ 2 đến 3 cây đều có lá và thân to hơn so với những cây đót trong rừng không được chăm sóc”.

Theo tính toán của anh Thong, mỗi cân đót bán với giá 3,5 nghìn đồng thì cuối năm nay, 2ha đót của mô hình sẽ thu được khoảng 15 tấn đót và thu về trên 50 triệu đồng. Số tiền này so với vùng đồng bằng có thể không lớn, nhưng đối với những hộ nghèo ở xã Trọng Hóa là cả một tài sản mà lần đầu tiên họ được sở hữu. Nếu mô hình trồng đót này thành công, nhân rộng sẽ là hướng đi mới cho đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.

P.V