.

Chia sẻ gánh nặng với ngư dân

Thứ Tư, 11/05/2016, 10:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau gần một tháng lưới cụ, tàu thuyền bị gác bờ, nhiều ngư dân chưa hết hoang mang vì mất miếng cơm manh áo thì nỗi lo nợ nần lại tiếp tục đè nặng lên đôi vai. Để chia sẻ những khó khăn, mất mát của ngư dân 4 tỉnh miền Trung, Ngân hàng CSXH Việt Nam cùng một số ngân hàng thương mại lớn đã có những chính sách hỗ trợ lãi suất, giãn nợ cho người vay tại các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do thủy hải sản chết bất thường. Và xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới là một trong những địa phương được triển khai các chính sách ưu đãi sớm nhất.

Giữa những ngày tháng 5 nắng nóng, chúng tôi về thăm xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới. Trao đổi nhanh với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Thơ, Bí thư Đảng ủy xã Quang Phú cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 120 chiếc tàu với tổng công suất 4.530 CV. Lực lượng trực tiếp sản xuất có khoảng 300 người và lao động gián tiếp hơn 200 người. Năm 2015, tổng sản lượng khai thác thủy hải sản ước đạt 3.277 tấn, tăng 13,3% so với năm trước; trong đó giá trị xuất khẩu đạt 2.290 tấn.

Trong 3 tháng đầu năm 2016 cả xã đánh bắt được 830 tấn hải sản các loại. Sang quý II, cũng như nhiều xã biển khác trong tỉnh, ngư dân Quang Phú lâm vào tình trạng khó khăn, tàu ngừng ra khơi đánh bắt do vùng biển có hiện tượng cá chết bất thường. Đời sống bà con đang lâm vào khó khăn, đặc biệt có những hộ ngư dân nghèo vay vốn đóng tàu và kinh doanh dịch vụ về biển giờ chưa biết tìm đâu ra nguồn trả lãi và gốc khi đến kì. Tính sơ bộ nếu một ngày không ra khơi, buôn bán bà con ngư dân Quang Phú thất thu hơn 3 tỷ đồng.

Nhiều ngư dân đánh bắt vùng lộng xã Quang Phú chuẩn bị ngư lưới cụ để sẵn sàng ra khơi khi được phép.
Nhiều ngư dân đánh bắt vùng lộng xã Quang Phú chuẩn bị ngư lưới cụ để sẵn sàng ra khơi khi được phép.

Qua tìm hiểu được biết, toàn xã Quang Phú hiện có 132 hộ vay vốn với tổng dư nợ 2,4 tỷ đồng từ Ngân hàng CSXH Chi nhánh Quảng Bình và 40 hộ vay gần 140 triệu đồng từ nguồn quỹ của Hội Nông dân xã.

Tâm sự với chúng tôi anh Phạm Văn Hóa, một chủ tàu ở xã Quang Phú cho biết: “Tháng 9 năm ngoái hai vợ chồng tui đóng mới một con tàu có công suất 165CV với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng, trong đó phải vay từ các nguồn khác hết 800 triệu đồng. Tàu mới hạ thủy ra khơi được hơn hai tháng thì gặp phải tình trạng cá biển chết hàng loạt. Hiện nay tui lo nhất là tàu không đi biển được sẽ nhanh chóng bị hư hỏng, rồi lãi suất hàng tháng không biết lấy nguồn nào để trả. Cứ nghĩ thuận buồm xuôi gió thì nợ nần sẽ được trả hết trong nay mai, giờ chỉ mong các ngân hàng triển khai sớm chính sách ưu đãi để gia đình giảm bớt khó khăn trước mắt”.

Trước thực trạng chung của ngư dân trong tỉnh, ngày 7-5-2016, Ngân hàng CSXH Việt Nam Chi nhánh Quảng Bình đã triển khai kịp thời các chính sách ưu đãi đối với các khoản nợ của ngư dân bị thiệt hại do hiện tượng thủy, hải sản chết bất thường gây ra; nhanh chóng phân loại và đưa ra các giải pháp giải ngân, gia hạn, đáo hạn, khoanh nợ cho ngư dân trong tỉnh.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Văn Tài, Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam Chi nhánh Quảng Bình cho hay: Ngay khi xảy ra hiện tượng thủy, hải sản chết hàng loạt, gây ảnh hưởng về kinh tế đối với khách hàng và ngư dân 4 tỉnh miền Trung, với chủ trương không đặt mục tiêu lợi nhuận đối với nhóm khách hàng này nên Ngân hàng CSXH đã ban hành một loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ lãi suất.

Ngân hàng sẽ căn cứ mức độ thiệt hại của từng khoản vay, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn bà con lập hồ sơ và thực hiện xử lý nợ rủi ro theo quy định. Đồng thời, tổng hợp nhu cầu vay vốn bổ sung để chuyển đổi ngành nghề sản xuất do hiện tượng thủy, hải sản chết gây ra. Về khắc phục thiệt hại, Ngân hàng CSXH các địa phương báo cáo Chủ tịch UBND, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH cùng cấp về các biện pháp xử lý nợ bị thiệt hại và việc cho vay bổ sung để chuyển đổi ngành nghề sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Nga, một trong những ngư dân nghèo vay vốn từ Ngân hàng CSXH với số tiền 22 triệu đồng để đóng tàu chung đi biển cùng các hộ khác cho biết: Vừa rồi được cán bộ tín dụng của Ngân hàng CSXH đến rà soát hoàn cảnh để cho gia hạn nợ, rồi cho vay khoản mới để chuyển đổi ngành nghề mà mừng quá. Đến tháng 7 này là đúng kỳ trả hết nợ, chừ đang bế tắc mà được ngân hàng tạo điều kiện giúp đỡ qua giai đoạn khó khăn và có thêm hướng chuyển đổi làm kinh tế mới gia đình tôi phần nào yên tâm.

Có thể nói, với sự hỗ trợ và quan tâm đầy trách nhiệm của các ngân hàng nói chung và Ngân hàng CSXH nói riêng đã góp phần tạo động lực lớn về vật chất và tinh thần cho bà con ngư dân. Hy vọng với những chính sách ưu đãi mà các ngân hàng đưa ra, bà con ngư dân sẽ sớm vượt qua khó khăn và ổn định dần cuộc sống.

Hiền Phương