.

Cần tích cực phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa đông-xuân

Thứ Ba, 05/04/2016, 07:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Bệnh đạo ôn gây hại ở tất cả các giai đoạn và bộ phận của cây lúa, có thể phát sinh từ thời kỳ mạ đến lúc lúa chín và gây hại ở bẹ lá, lá, lóng thân, cổ bông, gié và hạt... Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta thời tiết sáng sớm có sương mù dày đặc, ngày nắng ấm, chiều tối và đêm trời lạnh rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại lúa đông-xuân đang ở giai đoạn đẻ nhánh. Do đó, các địa phương và người dân trồng lúa cần phải có biện pháp phòng trừ kịp thời để hạn chế thiệt hại do bệnh đạo ôn gây ra.

Theo kết quả điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật, tính đến ngày 31-3, diện tích nhiễm bệnh đạo ôn toàn tỉnh 1.649,5 ha. Đặc biệt như huyện Quảng Trạch có diện tích nhiễm 334 ha ở các xã Quảng Phương, Quảng Trường, Phù Hóa...; huyện Quảng Ninh 285 ha ở các xã Hiền Ninh, An Ninh, Võ Ninh...; huyện Lệ Thủy 262 ha... Tỷ lệ bệnh phổ biến 5 - 7 %, cục bộ 15 - 20 %, phổ biến cấp 1 - 3, cục bộ cấp 5 - 7, có nơi cháy chòm. Bệnh xuất hiện chủ yếu trên các giống IR353-66, P6, Xi23, SV181...

Bệnh đạo ôn là đối tượng dịch hại khó phòng trừ, nguyên tắc phòng là chính. Các loại thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn hiện nay chỉ có hiệu quả cao khi tiến hành phun phòng trừ khi bệnh mới chớm phát sinh.

Trong vụ đông-xuân, hầu như năm nào cũng xuất hiện bệnh đạo ôn. Trời càng âm u, sương mù nhiều ẩm độ không khí cao bệnh đạo ôn phát triển càng mạnh, nhất là ở những giống lúa có sức kháng bệnh kém. Thâm canh càng cao và bón phân mất cân đối, nặng đạm, nhẹ lân, ít kali thì bệnh đạo ôn càng có cơ hội phát triển mạnh.

Triệu chứng ban đầu trên lá chỉ là những vết chấm nhỏ, sau đó lớn lên có dạng hình thoi đặc trưng, viền nâu, tâm màu xám trắng. Bệnh nặng, các vết bệnh liên kết lại làm lá bị cháy khô. Bệnh gây cháy ở giai đoạn lúa đẻ nhánh và gây hại trên bông. Bệnh có thể gây hại tới gần 80% năng suất nếu không phòng trừ tốt và kịp thời.

Người dân tích cực ra đồng phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn.
Người dân tích cực ra đồng phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn.

Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị triển khai kịp thời công tác phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa. Tăng cường kiểm tra giám sát việc buôn bán và sử dụng đúng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đôn đốc các phòng ban liên quan tích cực bám sát cơ sở, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân điều tra phát hiện sớm và triển khai phòng trừ kịp thời khi bệnh mới xuất hiện.

Ông Hoàng Quang Luyến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết, trong thời gian tới, bệnh đạo ôn lá sẽ tiếp tục lây lan trên diện rộng và nguy cơ gây hại nặng. Vì vậy, bà con nông dân phải thường xuyên thăm đồng phát hiện vết bệnh càng sớm càng tốt để chủ động phòng trừ có hiệu quả.

Ở những ruộng đang bị bệnh ngừng bón đạm, kali, phân bón lá, các chất kích thích sinh trưởng và giữ nước trong ruộng. Sử dụng một trong các loại thuốc đặc hiệu sau đây để phòng trừ:

FUJI-ONE 40WP liều lượng dùng 34-51g thuốc pha với 20-30 lít nước, phun  cho 500m2.
FILIA 525SE liều lượng dùng 20-30ml thuốc pha với 20-30 lít nước, phun  cho 500m2.
BEAM 75WP liều lượng dùng 15-20g thuốc pha với 20-30 lít nước, phun  cho 500m2.
KABIM 30WP liều lượng dùng 30g thuốc pha với 20-30 lít nước, phun  cho 500m2.

Khi phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn cần chú ý phun thuốc ướt đều trên mặt lá, bảo đảm đủ lượng nước thuốc từ 20 - 30lít/500m2. Ở những ruộng bị bệnh nặng 5-7 ngày phun thuốc 1 lần để trừ bệnh mới có hiệu quả cao. Bà con nông dân khi thấy lá lúa vàng, sinh trưởng kém không nên trộn lẫn thuốc với các loại phân bón lá hoặc chất kích thích sinh trưởng để phòng trừ bệnh đạo ôn vì sẽ làm bệnh nặng thêm. Nên phun thuốc vào sáng sớm, chiều mát, tránh những lúc trời mưa để đạt hiệu quả cao.

Trao đổi với chúng tôi về việc phòng trừ bệnh đạo ôn, ông Nguyễn Anh Đức, trưởng thôn Xóm Làng, Tây Trạch, huyện Bố Trạch cho biết: Sau khi nhận được sự chỉ đạo của cơ quan cấp trên, thôn đã kịp thời thông báo về tình hình bệnh hại và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ cho bà con nông dân. Thôn đang kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo nông dân thực hiện phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Bệnh đạo ôn phát triển trong các vụ lúa đông-xuân là điều không thể tránh khỏi; cần thường xuyên thăm đồng phát hiện sớm để chủ động phun phòng trừ ngay khi vết bệnh vừa chớm phát sinh nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh, giảm thấp nhất thiệt hại mùa màng.

L.M-Đặng Thảo