.

Ngân hàng Chính sách xã hội: Hỗ trợ vốn cho hộ nghèo bị thiệt hại do rét

Thứ Sáu, 25/03/2016, 08:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 274 hộ có vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) bị thiệt hại do đợt rét đậm, rét hại vừa qua với tổng số vốn vay gần 4,8 tỷ đồng. Trước tình hình trên NHCSXH đã có những giải pháp hỗ trợ kịp thời nhằm động viên bà con ở vùng rét đậm khắc phục thiệt hại và ổn định đời sống.

Đợt rét đậm, rét hại kéo dài trên diện rộng thời gian vừa qua đã làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Để chủ động giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và NHCSXH Việt Nam đã chỉ đạo các chi nhánh lập hồ sơ xử lý rủi ro đối với các khoản nợ bị thiệt hại do thiên tai; đồng thời có quyết định chuyển hơn 2.500 tỷ đồng để các chi nhánh chủ động nguồn vốn giải ngân giúp bà con khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống. Riêng Quảng Bình số tiền cần giải ngân trong đợt này gần 5 tỷ đồng.

Theo rà soát sơ bộ, ở huyện Minh Hóa có 90 hộ vay vốn của NHCSXH bị thiệt hại với tổng số vốn mất mát gần 790 triệu đồng từ đợt rét đậm, rét hại vừa qua. Anh Hồ Hải Dương, Tổ trưởng tổ kế toán ngân quỹ, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Sau trận rét đậm, rét hại kéo dài này lúa, hoa màu, gia súc, gia cầm của người dân Minh Hóa bị thiệt hại nặng.

Nhiều hộ dân chưa chú trọng quây kín chuồng trại nên dẫn đến trâu bò bị chết khi rét đậm, rét hại.
Nhiều hộ dân chưa chú trọng quây kín chuồng trại nên dẫn đến trâu bò bị chết khi rét đậm, rét hại.

Trước tình hình này, NHCSXH huyện đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương và khách hàng vay vốn tại NHCSXH nắm bắt kịp thời những thiệt hại do thiên tai gây ra. Căn cứ theo mức độ thiệt hại của từng khoản vay, NHCSXH đã phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro theo quy định. Đồng thời, nhanh chóng cử các đoàn công tác đến những địa phương chịu thiệt hại nặng nề để gặp gỡ, hướng dẫn bà con khắc phục.

Tại huyện Quảng Trạch, một trong những huyện chịu thiệt hại nhiều nhất trong tỉnh, chị Trần Thị Thu Nga, Tổ trưởng tổ tín dụng Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết, “số hộ có trâu, bò, dê bị chết và số hộ có diện tích hoa màu thiệt hại lên đến 121 hộ với tổng số tiền gần 2,8 tỷ. Các hộ rất lo lắng và băn khoăn, tuy nhiên, chúng tôi đã nhanh chóng thống kê, rà soát mức độ thiệt hại của các hộ trên địa bàn để giải ngân nguồn vốn đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh".

Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Nguyễn Thanh Xuân, ở thôn Hùng Sơn, xã Quảng Kim (huyện Quảng Trạch). Gia đình anh vay số tiền 40 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để đầu tư nuôi bò sinh sản. Trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua gia đình anh có 2 con bê bị chết.

Anh Xuân nói: “Đợt này thời tiết thất thường quá, mặc dù đã cố gắng lót lá và quây ấm  chuồng trại cho trâu bò nhưng 2 con bê sức chịu rét đang kém nên chết, gây thất thu cho gia đình hơn chục triệu đồng. Hiện gia đình đang chờ NHCSXH huyện hỗ trợ lại vốn để tiếp tục chăn nuôi mong sớm trả được nợ cho NHCSXH đúng hạn, đúng kỳ.

Cũng trong đợt rét, đậm rét hại vừa qua, gia đình chị Trần Thị Như ở thôn Bưởi Rỏi, xã Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch) bị chết 1 con bò mẹ trị giá 15 triệu đồng. Chị Như cho hay: "Vay vốn từ NHCSXH được 30 triệu thì đầu tư vào nuôi bò hết. Bây giờ bò mẹ chết gia đình thất thu lớn, mua lại bò khác giá rất cao. Cũng may nhờ có sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời từ NHCSXH huyện nếu không gia đình tôi không biết làm sao”.

Người xưa có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, người nông dân luôn gắn với vườn tược, ruộng đồng, mất trâu, mất bò là mất luôn “cần câu cơm”. Khi gặp anh Phạm Văn Cường, ở thôn Hợp Bàn, xã Quảng Hợp, chúng tôi mới thấy thấm câu nói của người xưa. Gia đình anh Cường cũng bị chết bò trong đợt thời tiết khắc nghiệt vừa qua.  Khi quyết định vay 40 triệu đồng dành cho hộ cận nghèo, gia đình anh quyết định đầu tư vào chăn nuôi trâu bò.

Vùng đất Quảng Hợp cũng thuận tiện, phù hợp để nuôi trâu bò và gia đình anh rất hy vọng vào mô hình chăn nuôi này, khi bò chết gia đình anh hoang mang không biết lấy đâu trả nợ ngân hàng trong kỳ tới, bởi thế khi NHCSXH huyện có thông báo hỗ trợ vốn cho đợt thiệt hại rét đậm, gia đình anh như trút được gánh nặng...

Được biết, NHCSXH Việt Nam đang áp dụng các biện pháp gia hạn nợ (kéo dài thời gian trả nợ) đối với các hộ tham gia vay nguồn vốn ưu đãi từ đơn vị đang bị thiệt hại bởi đợt rét đậm vừa qua.

Cụ thể: sẽ khoanh nợ 3 năm đối với các khoản vay bị thiệt hại từ 40% đến dưới 80% và khoanh nợ tối đa đến 5 năm đối với các khoản vay bị thiệt hại từ 80% đến 100%, có nghĩa là trong thời gian khoanh nợ, khách hàng chưa phải trả nợ và không phải trả lãi.

Ngoài ra, NHCSXH sẽ tiếp tục xem xét nhu cầu của khách hàng để cho vay bổ sung, cho vay mới, giúp bà con có nguồn vốn tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống.

Hiền Phương