.

Chủ động để đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn 2015-2016

Thứ Năm, 12/11/2015, 08:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tình hình hạn hán sẽ xảy ra trên diện rộng ngay từ đầu vụ đông-xuân năm 2015-2016 nếu như không có nguồn nước lớn bổ sung. Từ nhận định nói trên, sở đang tích cực chỉ đạo các địa phương, đơn vị chức năng khẩn trương triển khai nhiều biện pháp, giải pháp để chủ động đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn năm 2015-2016 đạt hiệu quả cao...

Tỉnh ta có hệ thống sông, suối tương đối nhiều, với 5 con sông chính, gồm: sông Roòn, sông Gianh, sông Lý Hòa, sông Dinh và sông Nhật Lệ. Đặc điểm các dòng sông ở tỉnh ta thường ngắn và dốc, vào mùa mưa nước tập trung nhanh nên rất dễ gây ra lũ lớn, lũ quét; mùa khô nước sông xuống thấp nên tại các vùng núi cao thường xảy ra khô hạn, vùng đồng bằng mặn xâm nhập sâu dọc theo các sông.

 Nhân dân xã Lộc Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ) tiến hành kiên cố hoá hệ thống kênh mương nội đồng để chủ động tưới tiêu và tiết kiệm nước.
Nhân dân xã Lộc Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ) tiến hành kiên cố hoá hệ thống kênh mương nội đồng để chủ động tưới tiêu và tiết kiệm nước.

Vì vậy, giải pháp lấy nước từ các con sông chính ở hạ nguồn để tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp gần như không có (chỉ có một số diện tích khá ít ỏi ở phía thượng nguồn như Châu Hóa, Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa)...

Bản tin đặc biệt về El Nino năm 2015 và báo cáo nhận định xu thế thời tiết, thủy văn mùa đông-xuân  năm 2015-2016 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương mới đây cho biết, hiện tượng El Nino tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta, khả năng đạt cường độ mạnh kỷ lục và kéo dài đết hết đông-xuân năm 2015-2016.

Ngoài cường độ mạnh, nhiều khả năng El Nino sẽ kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua. Khả năng mùa mưa sẽ đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, đặc biệt là các khu vực Trung bộ, Nam bộ và Tây Nguyên. Tổng hợp của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quảng Bình từ các trạm đo mưa trên địa bàn toàn tỉnh mới đây cho thấy lượng mưa đo được tại các trạm chỉ đạt khoảng 40-60% lượng mưa trung bình nhiều năm.

Cụ thể, lượng mưa đo được (tính từ tháng 1 đến tháng 10-2015) tại trạm Đồng Hới: 1.211mm (bằng 69% mức trung bình nhiều năm); tương tự, trạm Tân Mỹ: 1.179mm (68%); Ba Đồn: 1.084mm (65%); Mai Hóa: 1.235mm (63%); Đồng Tâm: 1.426mm (65%)...

Báo cáo về tình hình nguồn nước ở các hồ chứa, sông suối... của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết thêm, Quảng Bình hiện có 151 hồ chứa nước, 215 đập dâng và 301 trạm bơm. Tổng dung tích của các hồ chứa nước nói trên khoảng 600 triệu m3. Các hồ này cơ bản phối hợp với dòng chảy các sông, suối, ao, đầm bảo đảm tưới chủ động cho hơn 53.000 ha diện tích gieo trồng hàng năm của tỉnh.

Tính đến thời điểm cuối tháng 10-2015, mực nước tại các hồ chứa trong tỉnh hầu hết đều thấp hơn so với mực nước thiết kế; lượng nước trong các hồ chỉ đạt từ 40-70% dung tích thiết kế, có nhiều hồ dưới 40% (tập trung chủ yếu ở các địa phương phía bắc, tính từ thành phố Đồng Hới trở ra như Vực Nồi: 39%; Trung Thuần: 17%; Tiên Lang: 22%; Đồng Ran 36%...).

Nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là, tình hình hạn hán sẽ xảy ra trên diện rộng ngay từ đầu vụ đông-xuân năm 2015-2016 nếu như không có nguồn nước bổ sung (trong đó gay gắt nhất tập trung ở vùng Bố Trạch, thị xã Ba Đồn, Quảng Trạch, Tuyên Hoá, Minh Hoá; vùng nam Quảng Bình chỉ xảy ra hạn cục bộ tại các địa phương vùng gò đồi...).

Mô hình cây khoai lang trên đất cát ở xã Hồng Thuỷ (Lệ Thủy) có khả năng chịu hạn cao nhưng vẫn đưa lại hiệu quả kinh tế.
Mô hình cây khoai lang trên đất cát ở xã Hồng Thuỷ (Lệ Thủy) có khả năng chịu hạn cao nhưng vẫn đưa lại hiệu quả kinh tế.

Từ nhận định nói trên, thời gian gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẩn trương triển khai khá nhiều biện pháp, giải pháp để đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn như: ban hành Công văn số 1461/SNN-PCLB ngày 7-9-2015 về việc tích nước các tháng mùa lũ; Công văn số 1739/SNN-KTNN ngày 20-10-2015 về việc tăng cường tích trữ nước, phòng chống hạn, bảo đảm nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp năm 2016; tổ chức hội nghị đánh giá kết quả chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả và các mô hình khuyến nông, khuyến ngư để từ đó tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao nhưng vẫn tiết kiệm được nguồn nước tưới trong điều kiện khô hạn; yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện Công điện số 32/CĐ-TW ngày 12-10-2015 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai...

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng trong tỉnh phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, nguồn nước tại các công trình thủy lợi để vận hành hợp lý, bảo đảm cấp nước tưới cho cây trồng, nước uống cho gia súc, gia cầm, đặc biệt ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho nhân dân; phát động toàn dân ra quân làm thuỷ lợi, nạo vét khơi thông các hệ thống kênh tưới, kênh dẫn vào trạm bơm; thực hiện quy trình tưới tiên tiến, chủ động tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ đông-xuân 2015-2016; áp dụng hình thức tưới luân phiên, xa tưới trước, gần tưới sau để tránh lãng phí nước và gây ngập úng tại vùng đầu kênh, khô hạn cuối kênh; kiểm tra chặt chẽ việc lấy nước vào ao nuôi trồng thủy sản, kiên quyết xử lý những trường hợp lấy nước tự do, lãng phí...; Sở cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương có công trình thủy lợi cân đối lại lượng nước thực có, nhu cầu dùng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp để từ đó đưa ra kế hoạch tưới tiêu hợp lý, đảm bảo “ăn chắc” vụ đông-xuân; kiên quyết chỉ đạo chuyển đổi những diện tích lúa có nguy cơ thiếu nước bằng các giống cây trồng thích hợp, chịu hạn cao hoặc chuyển sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi...

Văn Minh