.

Thuận Hóa: Gian nan chuyện giảm nghèo

Thứ Hai, 09/11/2015, 08:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại xã miền núi Thuận Hóa (Tuyên Hóa), những năm qua, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã không ngừng quan tâm, chăm lo cho đời sống nhân dân, tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên vẫn còn quá nhiều vướng mắc xung quanh câu chuyện giảm nghèo nơi đây. Làm thế nào để phát huy những tiềm năng thế mạnh, tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân thoát nghèo bền vững vẫn đang là bài toán khó đối với cấp uỷ, chính quyền xã Thuận Hóa.

“Khát” nhiều thứ

Là một xã miền núi rẻo cao với xuất phát điểm thấp, giao thông đi lại chưa hoàn thiện, hình thức canh tác còn lạc hậu nên đời sống của người dân Thuận Hóa đang gặp phải vô vàn khó khăn, trở ngại. Tìm phương kế hiệu quả nhất để giúp người dân cải thiện cuộc sống, xóa nghèo bền vững luôn là trăn trở đối với chính quyền địa phương. Tuy nhiên để thực hiện điều đó không phải là chuyện dễ dàng nhất là đối với một xã nghèo đang “khát” nhiều thứ như Thuận Hóa.

Giao thông đi lại khó khăn, cách trở đò giang là một trong những rào cản trong phát triển kinh tế-xã hội của Thuận Hóa.
Giao thông đi lại khó khăn, cách trở đò giang là một trong những rào cản trong phát triển kinh tế-xã hội của Thuận Hóa.

Cái “khát” đầu tiên mà xã nghèo này đang phải đối mặt chính là “khát đất”. Xã thuần nông “khát đất”, nghe chừng có vẻ bất hợp lý nhưng đó chính là thực trạng đang diễn ra từ nhiều năm nay ở Thuận Hóa. Cả xã có 704 hộ với 2.824 khẩu nhưng chỉ có vẻn vẹn 131 ha đất sản xuất nông nghiệp bao gồm cả đất trồng lúa, trồng màu chia đều cho 7 thôn. Tính ra mỗi hộ chỉ có khoảng 0,18 ha trong khi đó nhu cầu về đất để phát triển sản xuất của bà con lại rất lớn.

Là một xã nông nghiệp miền núi, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào cây lúa, cây ngô... nên việc thiếu đất sản xuất đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế của bà con . Hiện tại, sản xuất nông nghiệp của địa phương vẫn chưa được đầu tư phát triển đồng bộ. Nông sản hàng hóa nghèo nàn, chủ yếu theo hình thức tự cung tự cấp, chưa hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh tập trung nên năng suất, chất lượng lương thực chưa cao. Ngay cả đối với loại cây chủ lực là lúa nước cũng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu lương thực cho địa phương.

“Đó là chưa kể đến tình trạng sạt lở thường xuyên xảy ra. Hàng năm cứ vào mùa mưa lũ là Thuận Hóa lại bị mất khoảng 2-5 ha diện tích đất do bị sạt lở. Điều này khiến cho quỹ đất vốn ít ỏi của xã ngày càng bị thu hẹp”, ông Phùng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Thuận Hóa tâm sự.

Việc thiếu đất sản xuất cũng khiến nhiều lao động của xã lâm vào cảnh “ăn không ngồi rồi”, khó tìm kiếm việc làm nhất là lúc nông nhàn. Theo thống kê, hàng năm xã có khoảng 15-20% lao động thất nghiệp do thiếu đất sản xuất. Và chính điều này càng làm tăng thêm gánh nặng giảm nghèo cho địa phương.

Không chỉ thiếu đất, hiện tại 2.824 khẩu của Thuận Hóa đang sống chung với tình trạng “khát” nước sinh hoạt, sản xuất triền miên. Hàng trăm hộ dân địa phương không có được nguồn nước sạch để dùng, thậm chí ngay cả đến nguồn nước giếng “chưa ai dám chắc có hợp vệ sinh hay không” cũng trở nên khan hiếm về mùa khô.

Nguồn nước dùng cho sản xuất cũng trong tình trạng tương tự. Do không chủ động được nguồn nước tưới tiêu, nên vào vụ hè-thu, hơn 1,5 ha đất sản xuất của bà con đành phải “đắp chiếu”. Để có nước sản xuất bà con chỉ còn cách chờ mưa. Do đó, thời tiết thuận lợi còn đỡ chứ hạn hán, lũ lụt thì đói nghèo ngay lập tức quay lại với những hộ đã thoát nghèo và chồng thêm khó khăn cho những hộ nghèo.

Cùng với những khó khăn kể trên, câu chuyện về vốn lại càng nan giải hơn đối với Thuận Hóa. Để có thể đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống sản xuất cho người dân cũng như đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế “dài hơi” thì số vốn mà địa phương đang cần không phải là nhỏ. Tuy nhiên, khả năng tài chính của một xã nghèo như Thuận Hóa lại không thể đáp ứng được.

Ông Phùng Ngọc Anh cho biết: Là một xã thuần nông, đời sống của người dân chỉ trông vào sản xuất nông nghiệp nhưng nhiều hộ không xoay xở ra vốn để chăn nuôi, chuyển đổi mô hình sản xuất. Nếu vay vốn ngân hàng, ngoài tài sản thế chấp còn phải có phương án sản xuất, kinh doanh... và không phải hộ dân nào cũng tiếp cận được. Nhiều hộ muốn vay từ 20-30 triệu đồng để chăn nuôi, kinh doanh cũng khó. Thiếu vốn, nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Thuận Hóa cũng đang lâm vào tình trạng “giẫm chân tại chỗ”, khó về đích đúng thời gian dự định.

Gánh nặng giảm nghèo

30,9% là tỷ lệ hộ nghèo hiện tại của xã Thuận Hóa. Con số này đã phản ánh những khó khăn của xã trong nỗ lực cải thiện đời sống, đưa người dân từng bước thoát nghèo. Đại đa số người dân địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nên công tác giảm nghèo trên địa bàn xã chưa thực sự bền vững.

 Tập quán canh tác lạc hậu, chủ yếu dựa vào thiên nhiên khiến sản xuất nông nghiệp của Thuận Hóa chậm phát triển.
Tập quán canh tác lạc hậu, chủ yếu dựa vào thiên nhiên khiến sản xuất nông nghiệp của Thuận Hóa chậm phát triển.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của Thuận Hóa giảm khoảng 5%. Tuy nhiên, số hộ nghèo thuộc diện già cả, neo đơn được xác định không thể thoát nghèo của địa phương lại khá nhiều, chiếm khoảng 9-10%. Đã nhiều lần cấp uỷ, chính quyền xã đưa ra nhiều biện pháp để giảm nghèo, trong đó có việc thay đổi, củng cố bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở đến phân công cán bộ trong Đảng ủy phụ trách, giúp đỡ các thôn nhưng kết quả vẫn chưa thực sự khả quan.

Xã cũng xác định chọn nông nghiệp và phát triển chăn nuôi là mục tiêu hàng đầu trong giảm nghèo nhưng cũng là thách thức không nhỏ vì đa phần bà con quen với tập quán canh tác lạc hậu, dựa vào thiên nhiên là chính. Chưa có biện pháp cải tạo đất, thâm canh tăng vụ, không tìm các giống mới cho năng suất cao vào sản xuất nên năng suất lúa, ngô đạt thấp.

Ngoài ra, do tư tưởng của một bộ phận người dân nơi đây còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Đảng, Nhà nước nên không chủ động đầu tư xây dựng các mô hình trọng điểm để phát triển kinh tế. Chính điều này đang trở thành những rào cản đáng ngại trên lộ trình giảm nghèo nói riêng và xây dựng nông thôn mới nói chung của Thuận Hóa.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của người dân, hiện tại xã đã hoàn thành 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và dự kiến đến hết năm 2015 sẽ đạt thêm 3 tiêu chí nữa. Tuy nhiên, một số tiêu chí còn lại nhất là tiêu chí hộ nghèo sẽ rất khó “cán đích” theo đúng dự kiến.

Thực tế đã đặt ra, bài toán khó cho chặng đường giảm nghèo của Thuận Hóa . Để giải quyết bài toán khó này, Thuận Hóa rất cần sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ phía Nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tìm ra những giống cây, con phù hợp với điều kiện, đồng đất của địa phương.

Và quan trọng hơn, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho bà con về công tác xóa đói giảm nghèo, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương vào sản xuất; tích cực đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi, mở các lớp tập huấn, dạy nghề về chăn nuôi, trồng trọt để từ đó phát huy nội lực, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đ.V