.

Quảng Trạch đột phá vào mũi nhọn kinh tế biển

Thứ Bảy, 22/08/2015, 08:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Trạch hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Thời gian qua, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, huyện Quảng Trạch đã triển khai nhiều biện pháp tương đối đồng bộ để đầu tư phát triển vùng biển và ven biển; động viên ngư dân vay vốn đóng mới tàu, thuyền đánh bắt hải sản xa bờ. Đồng chí Đậu Minh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch khẳng định: Kinh tế biển đã và đang tạo thế "đòn bẩy" để giúp Quảng Trạch ngày càng thêm khởi sắc...

Đồng bằng, miền núi cùng hướng ra biển để khai thác lợi thế

Sau khi tiến hành chia tách địa giới hành chính, huyện Quảng Trạch có lợi thế với nhiều xã tiếp giáp biển như: Quảng Đông, Quảng Phú, Cảnh Dương, Quảng Hưng, Quảng Xuân. Đây chính là những địa phương có truyền thống lâu đời trong việc bám biển khai thác, chế biến, phát huy tiềm năng, lợi thế từ nguồn tài nguyên quý giá này.

Bên cạnh đó, vùng biển của huyện Quảng Trạch còn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh của tỉnh với cảng biển nước sâu Hòn La, cửa sông Roòn... Ngoài ra, vùng biển ven bờ Quảng Trạch có nhiều rạn đá ngầm, là môi trường sinh sống của nhiều loại hải sản quý hiếm. Đặc biệt, nơi đây còn có Vũng Chùa-Đảo Yến, nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Để khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh vùng biển, thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ tích cực từ phía các cấp chính quyền, huyện Quảng Trạch đã huy động khá nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá ven biển; xây dựng, nâng cấp các trạm thông tin liên lạc tầm xa giúp ngư dân yên tâm bám biển sản xuất; lập quy hoạch phân vùng sử dụng đất cát ven biển để nuôi trồng thuỷ sản, kinh doanh du lịch, phát triển kinh tế địa phương vùng biển theo hướng bền vững; tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, từ đó đầu tư mạnh vào hoạt động đánh bắt, chế biến... 

Đội tàu cá của ngư dân huyện Quảng Trạch chuẩn bị vươn khơi.
Đội tàu cá của ngư dân huyện Quảng Trạch chuẩn bị vươn khơi.

Bà Phan Thị Lệ Hằng, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch cho biết, trước đây, hoạt động đánh bắt vùng khơi xa hầu như chỉ có sự tham gia của ngư dân sinh sống ở vùng ven biển. Nhưng đến nay đã được mở rộng ra tận vùng đồng bằng, miền núi. Nhiều nông dân trước đây chỉ biết làm quen với việc đồng áng, trồng rừng..., sau một thời gian đi làm thuê nghề biển, đã tích luỹ được kinh nghiệm để mạnh dạn vay vốn đóng mới tàu cá công suất lớn vươn khơi đánh bắt, trở thành những ngư dân tài năng trên ngư trường vùng biển Đông rộng lớn.

Tiêu biểu như xã Quảng Liên hiện có 11 tàu cá, tổng công suất 1.331 CV; Quảng Trường 23 tàu cá, công suất 2.687 CV; Quảng Phương 1 tàu, công suất 420 CV; Quảng Thanh 1 tàu, công suất 60CV. Bình quân mỗi tàu cá nói trên đều có từ 7 đến 8 lao động...  

Khuyến kích đóng tàu lớn và hiện đại để vươn khơi xa

Thực hiện tốt chính sách khuyến khích của nhà nước, những năm gần đây, huyện Quảng Trạch luôn quan tâm hỗ trợ ngư dân đầu tư lắp đặt các thiết bị kỹ thuật, cải hoán, đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ đánh bắt xa bờ, vận động ngư dân có ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, huyện đã triển khai công tác hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Một số chính sách khuyến khích hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa".

Huyện đã tạo điều kiện cho 100% tàu cá có đăng ký tham gia đánh bắt xa bờ được hỗ trợ lắp đặt thiết bị liên lạc sóng tầm xa HF có định vị GPS, đài tàu, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên và hỗ trợ dầu nhằm đẩy mạnh cho công tác hỗ trợ ngư dân tham gia khai thác vùng biển xa; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương hình thành tổ đội đoàn kết, tổ hợp tác trên biển. Đến nay, toàn huyện có 46 tổ đoàn kết và 15 tổ hợp tác trên biển.

Từ mô hình này, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp ngư dân yên tâm bám biển dài ngày. Với hình thức hỗ trợ nhau, cùng nhau hưởng lợi, các tổ hợp tác, đoàn kết trên biển đã không ngừng phát huy sức mạnh tập thể như: Đoàn kết khai thác trên cùng một ngư trường; tổ chức ứng cứu nhau khi gặp thiên tai, hoạn nạn, bão lốc; giúp nhau tiêu thụ sản phẩm, thay phiên nhau vận chuyển sản phẩm khai thác được vào bờ; phát huy vai trò của kinh tế tập thể; cùng nhau phát triển sản xuất, góp phần bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Với sự năng động, mạnh dạn vay vốn để chuyển đổi tàu thuyền, ngư lưới cụ hiện đại, mở rộng ngư trường khai thác của ngư dân..., đến nay, Quảng Trạch có 830 tàu đánh cá, tổng công suất 107.210 CV (năm 2011 huyện Quảng Trạch có 810 tàu đánh cá, với tổng công suất 47.578 CV), trong đó có 484 chiếc có công suất từ 90 CV trở lên.

Đặc biệt, có nhiều tàu cá công suất trên 800 CV như: Xã Cảnh Dương có tàu cá của các anh Cao Thanh Tuấn (840 CV), Lê Quang Nam (870 CV), Nguyễn Đức Tuấn (840 CV)...; xã Quảng Phú có tàu cá của các anh Nguyễn Xuân Hỏi (825 CV), Nguyễn Ngọc Ánh (825 CV), Đinh Hanh (875 CV)... Năm 2011, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân Quảng Trạch đạt 7.133 tấn và đến năm 2014 tăng lên 9.580 tấn. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, tổng sản lượng khai thác hải sản đạt 5.214 tấn, tăng 7,1 % so với cùng kỳ.

Chú trọng chế biến và xây dựng thương hiệu

Thời gian qua, nhiều ngư dân huyện Quảng Trạch đã chú trọng mở mang các hoạt động dịch vụ nghề biển, thu mua, chế biến, vận tải... để nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm đánh bắt được; tạo thêm việc làm cho những lao động khác không trực tiếp tham gia hoạt động đánh bắt.

Tiêu biểu như Công ty TNHH Vũ Lâm (xã Cảnh Dương) mỗi năm thu mua 380 tấn hải sản, tạo việc làm cho 20 lao động; Hợp tác xã Hoà Vang (xã Quảng Xuân) chế biến khoảng 20 nghìn lít nước mắm/năm, tạo việc làm cho hơn 10 lao động; bà Cao Thị Nịnh, bà Nguyễn Thị Hương (xã Cảnh Dương) và ông Hoàng Minh Thảo (xã Quảng Xuân) mỗi năm chế biến được khoảng 17 nghìn lít nước mắm/cơ sở, tạo việc làm cho hơn 5 lao động/cơ sở... Chính quyền và người dân đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm hải sản đánh bắt được.

Tuy nhiên, những khó khăn của huyện Quảng Trạch hiện nay đang gặp phải, đó là: Sau khi chia tách địa giới hành chính, địa phương chưa có khu neo đậu an toàn cho tàu cá; chưa có khu hậu cần nghề cá; cửa sông Roòn bị bồi lấp gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào... Đây chính là những trở ngại đối với việc nâng cao giá trị kinh tế hải sản đánh bắt được.  

Đồng chí Đậu Minh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết, nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm thuỷ sản đánh bắt được, thời gian tới, Quảng Trạch chú trọng vào hoạt động chế biến sâu và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hải sản ở địa phương. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, ngoài sự nỗ lực của địa phương, huyện cũng rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa từ phía các cấp chính quyền, các ngành chức năng, nhà đầu tư...

Văn Minh