.

Tái cơ cấu cây trồng: Con đường còn gập ghềnh

Thứ Ba, 28/10/2014, 07:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại năng suất, hiệu quả cao là nỗi trăn trở không chỉ riêng của người nông dân mà là mối quan tâm chung của toàn tỉnh... Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương bước đầu chuyển đổi thành công một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu khác. Tuy nhiên, với đặc điểm nền nông nghiệp vốn sản xuất nhỏ, lẻ, tự phát nên việc tái cơ cấu cây trồng vẫn còn phải trải qua chặng đường dài lắm trắc trở.

Tỉnh ta có 82.831 ha đất sản xuất nông nghiệp. Đa phần nông dân trên địa bàn tỉnh sản xuất nông nghiệp với cơ cấu cây trồng chính là lúa, ngô, sắn, với tập quán canh tác quảng canh, hiệu quả kinh tế hạn chế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; sản xuất mang tính tự cung, tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ.

Không những vậy, thói quen trồng một loại cây trên một diện tích đất trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng cây “quen” với đất, khiến năng suất, sản lượng giảm sút. Bên cạnh đó, ở những vùng đất cao việc trồng lúa hầu như cũng không mang lại hiệu quả bởi không chủ động được nguồn nước tưới...

Một thực trạng khó khăn nữa của ngành Nông nghiệp tỉnh hiện nay là việc nông dân chủ quan trong khâu chọn giống. Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, cần đưa các giống chất lượng vào sản xuất, cây trồng sẽ phát triển tốt kháng được sâu bệnh, đạt năng suất cao.

Nhờ việc ký kết bao tiêu sản phẩm, người nông dân yên tâm về đầu ra của nông sản.
Nhờ việc ký kết bao tiêu sản phẩm, người nông dân yên tâm về đầu ra của nông sản.

Thế nhưng, tình trạng nông dân sử dụng lúa thịt, ngô, đậu của vụ trước để làm giống cho vụ sau khá phổ biến. Hoặc tình trạng chọn giống theo “cảm tính” bằng hình thức thấy “mã giống” của nông hộ khác “đẹp” thì mua hoặc đổi để làm. Gặp giống tốt thì không nói làm gì, nếu gặp phải loại tuy “tốt mã” nhưng  thực tế đã bị nhiễm rầy, sâu bệnh thì khi đưa vào sản xuất sẽ gây ra tổn thất nặng nề.

Không chỉ bấp bênh về năng suất, sản lượng, một thực trạng đáng lo  hiện nay của ngành Nông nghiệp đó là, việc tiêu thụ nông sản khó khăn, không ổn định; thu nhập từ nghề nông, nhất là nghề trồng lúa, ngô thấp...

Nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật, hiện nay nhiều mô hình mới về cây lúa được đưa vào áp dụng ở tỉnh ta như:  mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”...  Mô hình này giảm chi phí “đầu vào” nhưng vẫn đạt năng suất cao và điều lớn hơn là đạt được “độ sạch” của nông sản, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu thụ, đồng thời giảm tác hại về môi trường, sức khỏe của người sản xuất trực tiếp.

Xác định giống là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định năng suất, sản lượng cây trồng, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiên cứu, đưa vào thử nghiệm một số giống mới để chọn ra giống cây có năng suất, sản lượng cao phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng tỉnh nhà.

Với sự hỗ trợ của tổ chức SNV, trong vụ đông xuân 2013-2014, tỉnh đã triển khai 507ha lúa áp dụng quy trình thâm canh cải tiến SRI. Quy trình  này sẽ giúp người nông dân giảm 40-60% lượng giống, 25-30% lượng nước, 15-20% thuốc bảo vệ thực vật, năng suất tăng 5-10%. Bên cạnh đó, giống lúa này hiện được doanh nghiệp Hoàng Phương tham gia bao tiêu sản phẩm với nhãn hiệu “Gạo sạch SRI”.

Không chỉ cải tiến giống lúa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đã chú trọng thay những bộ giống mới cho giống cũ đã thoái hóa, kém chất lượng bằng giống mới cho cây ngô, cây lạc, cây đậu... Các huyện: Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa đã mạnh dạn đưa vào các giống lạc mới như L14, L23 thay cho giống MD7 và các giống lạc cũ của địa phương. Giống lạc mới có ưu điểm cho năng suất cao, chống được bệnh chết ẻo. Các giống ngô kém chất lượng cũng được thay mới bằng các giống ngô năng suất, sản lượng cao như DK9901, CP989, CP888, NH88...

Nông dân huyện Quảng Ninh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.
Nông dân huyện Quảng Ninh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, để những giống cây mới có hiệu quả kinh tế cao đến được với tất cả người nông dân thì ngoài việc lựa chọn giống, ngành Nông nghiệp cần phải có những buổi hội thảo, tuyên truyền phổ biến thông tin về cơ cấu giống khi tới vụ; có địa chỉ cung cấp giống tốt;  khuyến cáo về từng loại giống; hướng dẫn kỹ thuật... cho nông dân. Việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt trước tiên phải tập trung vào việc sản xuất lúa gạo để bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.

Có thể thấy, việc tái cơ cấu cây trồng đang được quan tâm thực hiện, tuy nhiên để triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh thì vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và đồng thuận của nông dân.

Để tái cơ cấu trồng trọt theo hướng bền vững, ông Trần Đình Hiệp, Trưởng phòng Kỹ thuật nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trước hết, cần phải rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển từng loại cây trồng phù hợp với quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp của tỉnh.

Bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp; đặc biệt là diện tích trồng lúa nương kém hiệu quả. Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống và trong thâm canh. Đồng thời, đổi mới công tác tổ chức sản xuất gắn với các hình thức liên kết nông hộ, để hình thành các tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh cao....

Lê Mai