Phát triển ngành công nghiệp chế biến: Vẫn còn những bất cập

Cập nhật lúc 08:09, Thứ Sáu, 19/09/2014 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh ta đã có bước phát triển đáng kể, góp phần tích cực tăng giá trị sản xuất công nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này vẫn còn những bất cập đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành với những giải pháp thiết thực, cụ thể... 

Những đóng góp tích cực

Trên cơ sở tận dụng những tiềm năng và thế mạnh về tự nhiên, những năm gần đây ngành công nghiệp (CN) chế biến của tỉnh ta đã phát triển khá mạnh với hàng nghìn cơ sở chế biến lớn, nhỏ từ nông sản, lâm sản, thuỷ hải sản đến thực phẩm, nước giải khát...

Theo báo cáo của Sở Công thương, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4.005,3 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2010. Các sản phẩm chủ yếu vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định như: Nước mắm các loại đạt 1.900.000 lít, phân vi sinh 102.000 tấn, bia các loại đạt 9.501.000 lít, gỗ xẻ các loại 210.000 m3, dăm gỗ 134.000 tấn... qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại các địa phương.

Thực tế cho thấy, thời gian qua tỉnh ta đã không ngừng quan tâm đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng các sản phẩm của ngành CN chế biến. Thông qua việc thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh khai thác và tập trung chế biến sâu các mặt hàng có lợi thế để xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, CN chế biến được đánh giá là một trong những ngành CN có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển.

CN chế biến góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động  tại các địa phương.
CN chế biến góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại các địa phương.

Vẫn còn những bất cập

Với vị trí quan trọng như vậy, nhưng hiện nay, bên cạnh những thành quả đã đạt được, ngành CN chế biến vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như: thiếu lực lượng lao động chuyên ngành đã qua đào tạo, thiếu đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học trình độ cao...

Bên cạnh đó, chất lượng một số sản phẩm chế biến chưa cao, mặt hàng đơn điệu, giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm hàng hoá thấp, dẫn đến giá xuất khẩu hàng hoá của ta thường bị thấp hơn giá thị trường thế giới. Nhiều doanh nghiệp chế biến vẫn chưa xây dựng được thương hiệu hàng hoá cho các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản xuất khẩu của mình, dẫn tới tình trạng thị trường xuất khẩu không ổn định, thường bị ép giá...

Hiện nay, ngành CN chế biến là ngành gây ra nhiều ô nhiễm do nước thải và ô nhiễm không khí. Dù rằng từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành đã tích cực di dời đến địa điểm mới, chủ yếu là trong các khu công nghiệp, cụm CN-TTCN. Cùng với việc đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ tiên tiến, nhiều đơn vị đã mạnh dạn áp dụng công nghệ sản xuất "sạch" hơn để giảm thiểu ô nhiễm, xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Tuy nhiên, việc làm này vẫn chưa thực sự triệt để và còn thiếu sự đồng bộ. Hiện nay, phần nhiều các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này đều là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, hoặc vừa nên khó khăn trong việc huy động nguồn vốn để đầu tư hệ thống xử lý nước thải và khí thải, đào tạo nhân lực về quản lý môi trường, công nghệ.

Một vấn đề khác được coi là khó khăn chung của không ít các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình, nhóm hộ tham gia chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện nay đó là, nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất không ổn định, mà nguyên nhân chính là do sự phát triển của các cơ sở này không gắn liền với xây dựng, quy hoạch nguồn cung ổn định.

Hiện một số nhà máy đang tạm ngừng sản xuất do hết nguyên liệu như: Nhà máy tinh bột sắn xuất khẩu Sông Dinh, Nhà máy sản xuất tinh bột dong riềng xuất khẩu Long Giang Thịnh...; dẫn đến một số sản phẩm sản xuất giảm so với cùng kỳ như: mực đông lạnh giảm 5%, tinh bột sắn giảm 54,9%, cao su chế biến giảm 33,9%... Cùng với đó, thị trường đầu ra cũng là một trong những khó khăn không dễ tháo gỡ của ngành CN chế biến ở tỉnh ta hiện nay.

Đơn cử, chỉ nhìn vào ngành CN chế biến lâm sản có thể thấy: dù có nguồn tài nguyên rừng phong phú, số lượng các doanh nghiệp chế biến gỗ tăng mạnh qua các năm, nhưng ngành CN chế biến gỗ của tỉnh cũng còn một số tồn tại không thể “tháo gỡ” ngay trong “một sớm một chiều”. Chẳng hạn như các cơ sở băm dăm gỗ chiếm số lượng không ít so với các ngành nghề khác, nhưng số cơ sở sử dụng nguyên liệu dăm gỗ để sản xuất ván sợi, giấy, ván dăm... vẫn còn khá khiêm tốn.

Hầu như toàn bộ dăm gỗ sản xuất ra đều để xuất khẩu thô. Điều này gây lãng phí tài nguyên, giảm giá trị nguyên liệu gỗ, thu nhập của người trồng rừng thấp, tính bền vững của rừng trồng giảm. Bên cạnh đó, việc phân bố các doanh nghiệp chưa gắn với vùng nguyên liệu nên chi phí vận chuyển nguyên liệu và hiệu quả sử dụng gỗ ít nhiều bị hạn chế.

Chế biến sản phẩm tại Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Phú Quý. (Công ty Việt Trung).
Chế biến sản phẩm tại Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Phú Quý. (Công ty TNHH MTV cao su Việt Trung).

Ngoài ra, cơ cấu ngành nghề trong chế biến gỗ chưa thể hiện sự gắn kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chế biến liên tục, khi sản phẩm của doanh nghiệp này chưa là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp kia. Do đó, các sản phẩm đồ mộc, gỗ xẻ, ván gỗ nhân tạo chưa có thương hiệu, chưa đủ yêu cầu về số lượng và chất lượng để chiếm lĩnh các thị trường quốc tế, mà chủ yếu tiêu thụ ngay nội địa và tại các địa phương trong tỉnh.

Theo ông Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Doanh nghiệp, lao động và việc làm, Ban quản lý Khu kinh tế, thì riêng đối với ngành CN chế biến gỗ, sản phẩm xuất khẩu nổi bật chính là dăm gỗ. Chỉ tính riêng tại Khu kinh tế Hòn La, đã có 5 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên hiện nay, bên cạnh những khó khăn chung, không ít đơn vị đang phải đối mặt với khó khăn do những biến động của thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Thời gian qua, Sở Công thương đã tích cực phối hợp cùng với các cấp, các ngành tham mưu cho UBND tỉnh trong quá trình làm việc với các tập đoàn lớn, nhằm kêu gọi đầu tư vào các dự án phát triển công nghiệp và hạ tầng thương mại trên địa bàn như: Dự án sản xuất sợi tại thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Ninh, dự án chế biến gỗ MDF, các dự án chế biến thủy hải sản tại Khu kinh tế Hòn La...

Thiết nghĩ, để đạt được mục tiêu phát triển một số ngành CN có thế mạnh, trong đó có ngành CN chế biến nông, lâm, thuỷ sản trở thành ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, tỉnh ta cần tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện về thủ tục, cơ chế để thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, thu hút và tạo việc làm cho người lao động...

Từ đó, đưa ngành CN chế biến phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2015 giá trị sản xuất CN toàn tỉnh đạt 9.500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 21-22%.

Thanh Hải


 

,
.
.
.