.
Nhân Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình lần thứ nhất:

Rộng mở cánh cửa đầu tư...

Thứ Bảy, 05/04/2014, 10:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh ta đang rộng mở cánh cửa đầu tư. Sự phát triển của tỉnh đang đặt ra những yêu cầu bức thiết trong kêu gọi đầu tư và lúc này Quảng Bình đã có những điều kiện tốt nhất, hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư...

 

Sự hấp dẫn của một vùng đất

Trước hết tỉnh ta có vị trí địa lý khá đắc địa, án ngữ trên trục hành lang phát triển kinh tế Đông- Tây từ biển Đông Việt Nam với Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan và các nước khu vực Trung- Nam Châu Á. Là của ngõ phía đông của cả vùng Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanma, Quảng Bình rất có lợi thế trong xuất khẩu hàng hoá với các đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)...Những yếu tố này đã thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược.

Quảng Bình như là đòn gánh hai đầu đất nước, nơi giao thoa giữa miền Bắc và miền Nam, lại có hệ thống giao thông "hoàn hảo" gồm đường sắt, đường bộ, đường không và đường thuỷ, đó là trục quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam xuyên suốt chiều dài của tỉnh, sân bay Đồng Hới với hai tuyến bay đi và đến Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh với chỉ trên dưới một giờ bay. Quảng Bình có cảng biển Hòn La nối với biển Đông và cả Cửa khẩu quốc tế Cha Lo kết nối với nước bạn Lào qua trục đường 12A...

Cùng với hạ tầng giao thông khá cơ bản, Quảng Bình còn có những tiềm năng thế mạnh "trời cho" để phát triển du lịch. Dù có khiêm tốn, cũng phải nói rằng thiên nhiên đã ưu đãi quá lớn cho chúng ta, vừa có rừng lại có biển, nhiều sông ngòi và cảnh quan đẹp. Với chiều dài bờ biển hơn 116 km có nhiều bãi tắm đẹp, hấp dẫn với những cái tên đã đi vào lòng du khách như Vũng Chùa- Đảo Yến (Quảng Trạch), Đá Nhảy (Bố Trạch), Nhật Lệ (Đồng Hới), biển Hải Ninh (Quảng Ninh) gắn với nhiều di tích lịch sử văn hoá ven biển...

Những nơi này có đủ các điều kiện để xây dựng những tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế. Quảng Bình là quê hương của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng. Bên cạnh giá trị nổi bật về địa mạo, đa dạng sinh học, nơi đây là "vương quốc của hang động" với hệ thống hang động kỳ vĩ, độc đáo, hấp dẫn như động Phong Nha, Tiên Sơn, Thiên Đường... Đặc biệt Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới, được tạp chí Busines Insider xếp vào danh sách 12 hang động kỳ vĩ nhất thế giới... Có thể nói ngắn gọn Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng là "địa chỉ đỏ" của du lịch hang động, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm...

Quảng Bình còn là nơi sản sinh ra những danh nhân mà cuộc đời và sự nghiệp của họ đã làm thay đổi diện mạo lịch sử đất nước và Quảng Bình cũng là nơi an nghỉ cuối cùng của nhiều vĩ nhân. Những nơi đó đã trở thành điểm đến của những người con đất Việt với lòng thành kính, biết ơn, là sự ngưỡng mộ. Đó là mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở phía Nam, tại xã Trường Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ và mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa- Đảo Yến, tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch...

Nếu không đầu tư vào du lịch, nhà đầu tư còn có nhiều "kênh" lựa chọn khác khi đến Quảng Bình. Quảng Bình có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng, trong đó nổi bật là trữ lượng đá vôi với khoảng 5,4 tỷ tấn và cát thạch anh trắng khoảng 30 triệu tấn, là tiềm năng mở ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp chế biến vật liệu xây dựng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Quảng Bình còn là nơi có tiềm năng phát triển năng lượng điện bao gồm nhiệt điện và phong điện.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra việc triển khai các dự án trên địa bàn TP.Đồng Hới.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra việc triển khai các dự án trên địa bàn TP.Đồng Hới.

Quảng Bình đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch để đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện có công suất 2400-3000MW tại Khu kinh tế Hòn La. Hiện tại đang triển khai xây dựng nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 công suất 1200 MW. Nằm bên biển Đông lộng gió, Quảng Bình có tiềm năng to lớn về phong điện và cả địa nhiệt điện.

Tỉnh ta có diện tích rừng khá lớn, trong đó có hơn 310.000 ha rừng sản xuất, với trữ lượng gỗ khoảng 32,3 triệu m3, trong đó trữ lượng gỗ rừng kinh tế khoảng 14,8 triệu m3. Đây là những con số gợi mở hướng đầu tư trong lĩnh vực chế biến gỗ, trồng rừng kinh tế...

Ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ cho rằng, mời gọi đầu tư vào trồng rừng, chế biến gỗ không chỉ là nhu cầu của tỉnh, huyện mà rất thiết thực đối với người dân vùng có rừng, vì sẽ tạo nên sự thay đổi về chất trong sản xuất nghề rừng, tăng thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích rừng ở Lệ Thuỷ. Và, cùng với rừng, nguồn lợi thuỷ, hải sản khá dồi dào cũng đang gợi hướng đầu tư xây dựng các cơ sở nuôi trồng và chế biến thuỷ sản...

Nguồn nhân lực luôn được các nhà đầu tư tính đến trong chiến lược phát triển của mình và Quảng Bình đã có câu trả lời rất hấp dẫn. Lao động trong độ tuổi ở tỉnh ta chiếm tỷ lệ cao với hơn 62% dân số trong tỉnh. Trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ hơn 50%, đào tạo nghề là 27%, mặt khác, giá nhân công ở Quảng Bình thấp so với các tỉnh trong khu vực.

Nối dài lợi thế, tiềm năng

Mời gọi đầu tư không còn là chuyện mới, nhưng Quảng Bình luôn tự làm mới mình để tạo sự thông thoáng, thuận tiện và hấp dẫn các nhà đầu tư. Vì vậy đến nay Quảng Bình được đánh giá là một trong những tỉnh có môi trường đầu tư kinh doanh vào loại tốt của cả nước, có thủ tục hành chính nhanh gọn theo cơ chế một đầu mối.

Về các ưu đãi đầu tư, Quảng Bình áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung ưu đãi của Nhà nước và giảm thiểu các nghĩa vụ trong thời kỳ đầu của dự án cũng như công trình mới đi vào hoạt động. Ngoài ra, tỉnh còn có những chính sách hỗ trợ và ưu đãi khác với các dự án, các lĩnh vực mà tỉnh khuyến khích đầu tư  như hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đào tạo lao động, hỗ trợ xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào đối với các dự án ngoài khu công nghiệp. Đối với các dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế tỉnh đã đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu bao gồm điện, nước, giao thông...

Đầu tư vào lĩnh vực dệt may cũng là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư.
Đầu tư vào lĩnh vực dệt may cũng là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư.

Cùng với những vấn đề trên, tỉnh Quảng Bình cũng đã có những ưu đãi cụ thể về thuế sử dụng đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Chẳng hạn, được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 11 năm kể từ ngày đưa công trình vào sử dụng, nếu dự án không thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư và là 15 năm nếu thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư đối với các địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn...

Trong những năm qua, đặc biệt từ năm 2010 đến nay, nhiều nhà đầu tư đã chọn Quảng Bình để thực hiện chiến lược đầu tư dài hạn. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, đã có hơn 90 dự án đăng ký đầu tư vào Quảng Bình trên các lĩnh vực khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển du lịch... với tổng vốn hơn 5 nghìn tỷ đồng. Trong những tháng đầu năm nhiều doanh nghiệp đã vào Quảng Bình để tìm kiếm cơ hội đầu tư trong đó có những doanh nghiệp lớn như Tập đoàn SunGroup, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Hãng hàng không VietJet...

Nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn được những dự án đầu tư cụ thể. Đó là dự án Trung tâm Thương mại- Siêu thị Coopmart Quảng Bình của Liên hiệp HTX Thương mại TP.Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng; Dự án quần thể khu du lịch Phong Nha- Kẻ Bàng có mức đầu tư 3.000 tỷ đồng và Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cấp cao Bảo Ninh- Hải Ninh có mức đầu tư 2.000 tỷ đồng của Tập đoàn SunGroup; Dự án hệ thống thu hồi nhiệt thải phát điện nhà máy Clinke Văn Hoá của Công ty TNHH VLXD Việt Nam; Dự án xây dựng nhà máy chế biến gỗ MDF của Tập đoàn Cao su Việt Nam...

Tuy nhiên, so với nhiều địa phương khác, đầu tư vào Quảng Bình còn khá khiêm tốn trước những tiềm năng lợi thế của tỉnh. Vì vậy, tăng tốc mời gọi đầu tư là một nhiệm vụ quan trọng, bức thiết có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Trong những ngày này, cùng với sự trợ giúp tích cực của BIDV, tỉnh ta đang mở hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình lần thứ nhất với mục đích giới thiệu những cơ chế, chính sách ưu đãi, các nguồn lực tiềm năng, lợi thế của địa phương cũng như các dự án, cơ hội đầu tư trọng điểm, nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm lựa chọn.

Hy vọng đây sẽ là một cơ hội vàng cho các nhà đầu tư và là một cú hích cho Quảng Bình trong phát triển...

Danh mục 21 dự án tỉnh ta ưu tiên đầu tư:


1. Dự án khu đô thị mới bắc Bảo Ninh;
2. Dự án khu trung tâm thương mại Đồng Hới;
3. Dự án khu công viên giải trí phục vụ khách quốc tế;
4. Dự án khu du lịch sinh thái Bảo Ninh;
5. Khách sạn 4-5 sao Đồng Hới;
6. Dự án khai thác Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng;
7. Khu phức hợp đa năng du lịch nghỉ dưỡng Đá Nhảy-Đá Nhảy;
8. Dự án sân gol Hải Ninh;
9. Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Ninh- Hải Ninh;
10. Dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2;
11. Dự án nhà máy phong điện Quảng Bình 1;
12. Dự án xử lý nước thải khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới;
13. Dự án nhà máy chế biến gỗ MDF;
14. Dự án nhà máy chế biến bia rượu nước giải khát;
15. Dự án nhà máy chế biến sợi, nhuộm, dệt may xuất khẩu;
16. Dự án xây dựng các nhà máy may xuất khẩu;
17. Dự án xây dựng cảng Hòn La cho tàu 5 vạn tấn ra vào;
18. Dự án khu công nghệ cao điện tử Quán Hàu;
19. Dự án xây dựng khu công nghiệp Hòn La 2;
20. Dự án xây dựng khu công nghiệp Cam Liên;
21. Dự án trồng cao su bắc Quảng Bình.

Văn Hoàng