.
Chuyện quản lý:

Có vay nhưng không chịu... trả?

Thứ Ba, 24/12/2013, 08:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là hiện tượng một số người dân ở một huyện miền núi tỉnh ta vay vốn từ nguồn tín dụng ưu đãi để thực hiện phát triển kinh tế hộ gia đình, nhưng khi đã bắt đầu có “của ăn, của để” lại không chịu trả nợ cho ngân hàng như đã cam kết.

Để xảy ra những câu chuyện tưởng đùa hóa thật này, là do nhiều hộ vay năng lực quản lý và sử dụng vốn thấp, chưa nhận thức đầy đủ về việc “có vay, có trả” dẫn đến ít tích lũy làm ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ (gốc và lãi). Ngoài ra, nhiều hộ vay có khả năng trả nợ nhưng thiếu ý thức kèm theo tư tưởng so bì, tị nạnh và trông chờ ỷ lại vào Nhà nước nên cũng không... trả nợ, dẫn đến sự “lây lan” sang những hộ vay vốn khác.

Vòng luẩn quẩn này diễn ra trong một thời gian dài khiến cán bộ, nhân viên của tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện rất lo lắng vì không cho vay thì không đúng với chính sách, còn cho vay rồi mà gặp những trường hợp như trên thì cũng “mất ăn, mất ngủ” mỗi khi đến kỳ đáo hạn. Chính vì những nguyên nhân vừa nêu mà đơn vị này đang rất khó xử khi  hàng trăm hồ sơ đề xuất khoanh nợ, xóa nợ với số tiền trên 3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhiều lao động vay vốn để ra nước ngoài làm việc nhưng do các đơn vị tuyển lao động không thực hiện đúng cam kết nên họ cũng mất khả năng trả nợ. Đặc biệt, qua tìm hiểu thực tế ở một số địa phương thì số hộ vay cho con em đi lao động ở nước ngoài có việc làm ổn định đã gửi tiền về cho gia đình, nhưng gia đình lại không chịu trả nợ mà dùng cho mua sắm và chi tiêu. Có trường hợp, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đã trực tiếp đến từng hộ gia đình để động viên thanh toán một phần nợ gốc nhưng họ vẫn bất hợp tác và từ chối trả nợ.

Cụ thể, ở xã T. đã có 17 hộ vay, có lao động gửi về số tiền trên 300 triệu đồng nhưng ngân hàng cũng không thu hồi được nợ. Hay ở xã D. hiện số lao động tại nước ngoài đã về nước gần hết (chiếm 98% số lao động xuất khẩu), tuy dư giả hơn so với trước nhưng vẫn không chấp hành trả nợ gốc và lãi cho Nhà nước. Trước tình trạng này, ngân hàng đã có phương án đề xuất với chính quyền cơ sở thành lập “Tổ đôn đốc thu nợ khó đòi” đối với một số xã có nợ quá hạn cao và lãi đọng lớn.

Để bảo đảm an sinh xã hội, Nhà nước đã đầu tư nguồn tín dụng ưu đãi hỗ trợ hộ nghèo, hộ gia đình chính sách có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Thế nhưng ở một khía cạnh nào đó, chính sách nhân văn này đã bị một số hộ dân lạm dụng khiến nguồn vốn bị xâm tiêu, đồng nghĩa với cơ hội thoát nghèo của những người khác càng hẹp lại.

Thiết nghĩ, chính quyền cơ sở cần có những biện pháp tuyên truyền hữu hiệu nâng cao nhận thức cho người dân, để họ có ý thức và trách nhiệm đối với cộng đồng cũng như đồng hành để tổ chức tín dụng khỏi phải “tự bơi” khi đang góp sức cho mục tiêu giảm nghèo.                                                 

Minh Văn