.

Khuyến nông góp sức xây dựng nông thôn mới

Thứ Ba, 16/04/2013, 12:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai tại tỉnh ta trong vòng hơn 2 năm qua đã đánh dấu sự vào cuộc đầy nỗ lực, đồng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân địa phương và sự chung tay góp sức của nhiều ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân trong xã hội. Trong đó, sự tham gia của công tác khuyến nông được đánh giá là một trong những yếu tố then chốt, góp phần đưa ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại về các vùng quê, thay đổi bộ mặt nông thôn và từng bước nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Hộ gia đình anh Nguyễn Bình San (thôn 1, xã Lộc Ninh, TP.Đồng Hới) mở trang trại nuôi gà từ mấy năm nay. Mỗi năm, gia đình anh xuất xưởng từ 90-100 tấn thịt gà với số lượng đàn rất lớn từ 55.000-65.000 con. Vấn đề nan giải nhất của trang trại anh Nguyễn Bình San chính nằm ở việc giải quyết số gà bị chết hay ốm yếu.

Anh chia sẻ, nếu đem chôn thì lãng phí, ảnh hưởng môi trường, mà giữ lại thì sẽ gây thiệt hại cho đàn. Sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết định thử nghiệm nuôi cá sấu. Tin vui đến với gia đình anh, sau khi nuôi cá sấu được 1 năm, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã quyết định hỗ trợ cho trang trại trong suốt quá trình nuôi, từ cung cấp tài liệu nghiên cứu, giống, thức ăn... cho đến tập huấn, tư vấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và cách thức nuôi. Trung tâm cũng thường xuyên kiểm tra định kỳ tình hình chăn nuôi ở trang trại để có sự hỗ trợ kịp thời. Hiện tại, mô hình nuôi cá sấu của gia đình anh đã được mở rộng với 56 con cá sấu, mỗi con có trọng lượng bình quân 40kg. Anh Nguyễn Bình San nhẩm tính nếu tính theo giá thị trường, mỗi kg thịt cá sấu sẽ thu về từ 120.000 đồng-185.000 đồng tùy theo thời điểm.

Mô hình nuôi cá sấu của gia đình anh Nguyễn Bình San  (thôn 1, xã Lộc Ninh, TP.Đồng Hới)  hứa hẹn mang lại thành công
Mô hình nuôi cá sấu của gia đình anh Nguyễn Bình San (thôn 1, xã Lộc Ninh, TP.Đồng Hới) hứa hẹn mang lại thành công

Không chỉ riêng mô hình nuôi cá sấu của anh Nguyễn Bình San, trong năm 2012, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình, chương trình mang lại hiệu quả kinh tế cao trên các lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, khuyến công. Riêng với lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, Trung tâm đã triển khai 6 mô hình, hỗ trợ nhân rộng 2 giống lúa và 1 giống ngô mới, hỗ trợ 10.000 giống cây ăn quả... Mô hình trình diễn ngô năng suất cao DK9901 sau hai năm thực hiện được đánh giá là giống chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất đạt từ 75-80 tạ/ha, trong tương lai sẽ tiếp tục được nhân rộng. Lĩnh vực chăn nuôi có 4 mô hình mới được triển khai, gồm: nuôi cầy hương sinh sản, nuôi nhím sinh sản, nuôi gà Ucraina, nuôi gà Sao thương phẩm.

Trung tâm cũng thực hiện hai mô hình khuyến công về máy gặt đập liên hợp và máy làm đất đa năng. Các mô hình khuyến công đều phát huy tốt, góp phần quan trọng trong việc giảm sức lao động, tăng hiệu quả sản xuất, qua đó giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động, từng bước công nghiệp hóa-hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Lĩnh vực thủy sản mang lại nhiều mô hình thành công, như: mô hình nuôi cá bống bớp, mô hình nuôi cá rô đầu vuông, mô hình nuôi cua đồng... Bên cạnh đó, Trung tâm rất chú trọng công tác huấn luyện, đào tạo và thông tin tuyên truyền. Trong năm qua, 4 lớp nâng cao kiến thức cho khuyến nông viên cơ sở và nông dân chủ chốt được tổ chức. Nhiều đợt tập huấn quy trình kỹ thuật kèm mô hình được triển khai cho hàng ngàn người dân.

Ông Lê Hồng Viễn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, khẳng định công tác khuyến nông đóng vai trò quan trọng trong lộ trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Khuyến nông hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, đa dạng hóa loại hình sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt của công tác khuyến nông vẫn còn rất nhiều, từ thiếu nguồn kinh phí, thiếu nguồn nhân lực khuyến nông cơ sở, hạn chế thị trường đầu ra cho sản phẩm, nhất là với nông sản...

Do đó, để khuyến nông thực sự là "bà đỡ" cho bà con nông dân, cần thiết phải tăng cường nguồn kinh phí hỗ trợ, cũng như đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn của các doanh nghiệp trong việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm và cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân. Trong năm 2013, nhiều mô hình, chương trình chất lượng cao sẽ tiếp tục được Trung tâm triển khai tại các địa phương trong toàn tỉnh, chú trọng những vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, như: mô hình trình diễn thâm canh giống lạc L23 ở 2 xã Tân Hóa và Hóa Hợp (Minh Hóa), hỗ trợ máy gặt đập liên hợp cho một số xã xây dựng nông thôn mới ở Quảng Trạch...                       

                                                                              M.N