.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Thứ Năm, 07/09/2017, 09:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh vừa nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Quảng Bình” do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện. Các giải pháp đưa ra nhằm nâng cao và ổn định chỉ số PCI, định hướng chiến lược về đầu tư, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.

Chỉ số PCI là các chỉ số (indicators) để đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp. Từ năm 2006 trở đi, tất cả các tỉnh, thành phố của Việt Nam đều được đưa vào bảng xếp hạng, đồng thời các chỉ số thành phần cũng được tăng cường thêm. PCI tổng thể gồm 10 chỉ số thành phần, phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế gồm: chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý...

Mục tiêu của đề tài là dựa trên cơ sở lý luận về chỉ số năng lực cạnh tranh và xếp hạng chỉ số do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, đề xuất các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016-2020. Mặt khác, đề tài phân tích các chỉ số năng lực cạnh tranh, đưa ra các đánh giá về các chỉ số nhằm đánh giá, phân tích các chỉ số năng lực cạnh tranh trong giai đoạn 2011-2015 của tỉnh, qua đó tìm ra nguyên nhân đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn 2016-2020.

Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; chính sách đào tạo lao động tốt; thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng và hiệu quả.

Các quy trình giải quyết thủ tục hành chính của nhiều cơ quan, địa phương ở tỉnh ta đã được đơn giản hóa và rút ngắn thời gian.
Các quy trình giải quyết thủ tục hành chính của nhiều cơ quan, địa phương ở tỉnh ta đã được đơn giản hóa và rút ngắn thời gian.

Kết quả đánh giá xếp hạng chỉ số PCI của VCCI hàng năm cho thấy, tỉnh Quảng Bình có chỉ số PCI ở mức trung bình, thay đổi lên xuống thất thường và không có nhiều chuyển biến tích cực so với các tỉnh khác trong vùng và cả nước trong thời gian qua. Cụ thể, năm 2011 chỉ số PCI của tỉnh xếp thứ 37, năm 2013 tăng lên 8 bậc đạt vị trí 29/63 tỉnh thành, đây là kết quả cao nhất của tỉnh ta từ trước đến nay. Tuy nhiên, năm 2014, chỉ số PCI của tỉnh bị tụt hạng đáng kể, giảm 17 bậc so với 2013 xếp thứ 46/63 tỉnh thành, năm 2015 tiếp tục giảm thêm 4 bậc và xếp thứ 50 so với cả nước. Theo số liệu vừa mới công bố thì năm 2016, chỉ số PCI của tỉnh ta xếp thứ 44, tăng lên 6 bậc so với 2015. Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH-CN “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Quảng Bình” là nhu cầu cần thiết hiện nay.

Phân tích bảng điểm và vị trí các chỉ số thành phần PCI năm 2015 của tỉnh ta cho thấy có 3 chỉ số xếp hạng tốt so với cả nước là: tính minh bạch, xếp thứ 7; thiết chế pháp lý, xếp thứ 22; chi phí gia nhập thị trường xếp thứ 22. Ngược lại, 3 chỉ số xếp hạng thấp so với cả nước là: đào tạo lao động, xếp thứ 48/63; cạnh tranh bình đẳng và tính năng động xếp ở vị trí 60/63 tỉnh thành. Các chỉ số còn lại ở mức trung bình so với toàn quốc.

Từ những xếp hạng chỉ số CPI của tỉnh ta trong những qua, đề tài đã đề xuất một số cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới, như: xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh doanh tại địa phương, bảo đảm khung pháp lý thuận lợi, minh bạch cho doanh nghiệp và nhà đầu tư sản xuất kinh doanh, hoạt động lâu dài trên địa bàn tỉnh; từng bước hoàn thiện dần các cơ chế, chính sách về cải cách hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính theo yêu cầu của các doanh nghiệp; kiện toàn và xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh; phát huy mạnh mẽ tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các cấp, ngành.... Ngoài ra, cần phải có cơ chế, chính sách bảo đảm nguồn nhân lực đủ mạnh để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh liên kết và hợp tác trong và ngoài nước để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Ông Phan Mạnh Hùng, chủ nhiệm đề tài cho biết, để xây dựng Quảng Bình trở thành một trong những tỉnh có kinh tế phát triển nhanh, bền vững  cần có sự vào cuộc, phấn đấu của các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh, tất cả cùng chung tay thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng của tỉnh hiện nay. Các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mà nghiên cứu đưa ra sẽ là công cụ hữu ích cho tỉnh để chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hiện nay.

T. Hoa