.

Hoạt động KHCN năm 2015: Nhiều đề tài, mô hình có tính ứng dụng cao

Thứ Tư, 27/01/2016, 09:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2015, số lượng triển khai các đề tài, dự án và các mô hình khoa học và công nghệ (KH&CN) chưa nhiều. Tuy nhiên, trong số những đề tài, dự án, mô hình được triển khai, tính ứng dụng và tính hiệu quả kinh tế đem lại rất cao, góp phần thay đổi cuộc sống cho nhiều người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.   

Xác định phát triển KH&CN là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thời gian qua, công tác quản lý thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ đã luôn bám sát vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả ứng dụng KH&CN vào sản xuất, đời sống, nhu cầu xã hội đã góp phần tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, du lịch và dịch vụ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là nâng cao thu nhập cải thiện mức sống cho người lao động.

Công tác quản lý việc triển khai đề tài, dự án sâu sát, chặt chẽ và có nhiều đổi mới. Số lượng đề tài, dự án được giao quản lý là 32 đề tài, dự án, trong đó có 18 đề tài, dự án từ năm 2014 chuyển sang, thực hiện mới 14 đề tài, dự án cấp tỉnh. Số đề tài, dự án nghiệm thu trong năm là 11 đề tài, dự án cấp tỉnh. Kết quả một số đề tài, dự án có giá trị ứng dụng cao như: Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình cung cấp thông tin KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Bình” đã cung cấp trang thiết bị cho 10 xã, mỗi xã gồm: 1 bộ máy tính, 1 máy in, 1 bộ ổn áp, 1 USB, 1 ổ lưu trữ dữ liệu; xây dựng 10 trang thông tin điện tử (website) cho 10 xã liên kết tại Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN với hơn 30.000 tài liệu thông tin KH&CN, 400 phim KH&CN, 1.000 địa chỉ về tổ chức và chuyên gia tư vấn, kho tư liệu bao gồm sách, báo, tạp chí, tài liệu chuyên đề nuôi trồng phát triển sản xuất... trong máy vi tính và trên ổ lưu trữ dữ liệu. Đề tài đã góp phần nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện chất lượng đời sống tinh thần và vật chất cho người dân, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.

 Mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu đã giúp người dân cải thiện cuộc sống
Mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu đã giúp người dân cải thiện cuộc sống

Đề tài “Giám sát huyết thanh học và định type virus gây bệnh lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bằng kỹ thuật multiplex RT-PCR và đề xuất biện pháp phòng bệnh” đã đánh giá được thực trạng tình hình dịch bệnh lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh; giám sát huyết thanh học và định type virus gây bệnh lở mồm long móng... Từ đó xác định được vaccin thích hợp để phòng bệnh cho đàn gia súc, nâng cao hiệu quả tiêm phòng, giảm thiểu thiệt hại kinh tế do bệnh lở mồm long móng gây ra đối với người chăn nuôi. Bên cạnh đó kết quả nghiên cứu của đề tài đã giúp thiết lập bản đồ dịch tễ bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc và đề xuất giải pháp cảnh báo, tổ chức triển khai phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Đề tài “Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp huy động vốn và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” đã làm rõ một số cơ sở lý luận về công tác huy động và sử dụng vốn đầu tư vào địa phương, đánh giá đúng thực trạng huy động vốn đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp cơ bản nhằm tăng cường công tác huy động và sử dụng vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới; làm cơ sở khoa học cho việc định hướng trong chiến lược đầu tư, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực của tỉnh, bảo đảm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Về công tác quản lý mô hình ứng dụng, nhiệm vụ sự nghiệp KH&CN, trong năm qua, đã triển khai 9 mô hình và ứng dụng 10 nhiệm vụ sự nghiệp, trong đó có 4 mô hình và 1 nhiệm vụ sự nghiệp KH&CN chuyển tiếp qua từ năm 2013-2014; số mô hình, nhiệm vụ sự nghiệp KH&CN được nghiệm thu trong năm là 6. Kết quả nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN đã mang lại hiệu quả kinh tế cao có khả năng phát triển và nhân rộng như: “Nuôi lợn thịt trên đệm lót sinh học” được đánh giá là mô hình giúp giải quyết các vấn đề về môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi lợn thương phẩm; “Trồng cây Phật thủ tại làng thanh niên lập nghiệp xã Trường Xuân” cho kết quả tỷ lệ sống cao đạt 99%, tỷ lệ cây ra hoa đậu quả đạt 70%, năng suất trung bình đạt từ 6-10 quả/cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống của người dân; “Nuôi cá Lăng chấm thương phẩm trên địa bàn huyện Tuyên Hóa”, cho kết quả cá sinh trưởng, phát triển tốt và đồng đều...

Việc triển khai thực hiện các mô hình ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố đã đưa lại kết quả thành công cả về tính khoa học và hiệu quả kinh tế. Xây dựng các mô hình đã tạo ra ngành nghề mới, tăng thêm đối tượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống cho bà con nông dân. Đặc biệt các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến đã giúp bà con nông dân chuyển đổi nhận thức, xem tiến bộ khoa học và công nghệ là nguồn lực thiết thực giúp xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ chế thị trường.

Đ.N