.

Khoa học và công nghệ: Dấu ấn một chặng đường

Thứ Hai, 07/12/2015, 15:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ, trong 5 năm qua, sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ (KH và CN) trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của quê hương.

Để thực hiện hiệu quả chiến lược quan trọng này, UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng Quyết định số 35/2009/QĐ-UBND ngày 22-12-2009 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Bình đến năm 2020. Quyết định nêu rõ: Phát triển khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu bảo đảm cung cấp luận cứ khoa học phục vụ phát triển bền vững kinh tế-xã hội, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng và phát triển năng lực KH và CN đạt trình độ trung bình tiên tiến so với các nước trong khu vực, đổi mới căn bản cơ chế quản lý KH và CN của tỉnh.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh ta có 20 tổ chức KH và CN. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển về số lượng và nâng cao về chất lượng. Với sự đầu tư của tỉnh cùng sự nỗ lực của các tổ chức và đội ngũ cán bộ nghiên cứu, từ năm 2011 đến năm 2015, đã có 58 đề tài, dự án nghiên cứu KH và CN cấp tỉnh được triển khai.  Các đề tài, dự án đã cung cấp những luận cứ khoa học cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều đề tài mang tính ứng dụng thực tiễn cao như "Nghiên cứu xác định luận cứ khoa học và giải pháp thoát lũ nhanh khu vực xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa"; “Nghiên cứu, điều tra, xác định các loại sâu, bệnh hại chủ yếu trên cây cao su tại Quảng Bình và biện pháp phòng trừ thích hợp”; “Nghiên cứu, phân tích và đánh giá dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”; "Nghiên cứu, thiết kế từ mẫu tàu cá dân gian phục vụ nhân dân vùng biển"...

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu tại huyện Bố Trạch đã và đang mang lại hiệu quả cao.
Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu tại huyện Bố Trạch đã và đang mang lại hiệu quả cao.

Những đề tài thuộc lĩnh vực lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn có kết hợp giữa truyền thống và hiện đại phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá và phát triển bền vững, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức về giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Có thể kể đến những đề tài tiêu biểu như: “Lược sử Quảng Bình 410 năm hình thành và phát triển”; "Nghiên cứu các hình thức nghi lễ và giá trị văn hóa của lễ hội đua thuyền truyền thống ở huyện Lệ Thủy"; "Nghiên cứu xây dựng từ điển điện tử phương ngữ Bru Vân Kiều - Việt...

Trong giai đoạn này, các đề tài thuộc lĩnh vực dịch vụ, du lịch đã đi sâu vào việc điều tra, nghiên cứu phát triển và đa dạng hóa nhiều loại hình du lịch, chú trọng các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, nâng cao văn hóa và chất lượng sản phẩm du lịch... trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa mô hình hiện đại và truyền thống gắn liền với các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa, truyền thống của địa phương. Tiêu biểu như: Nghiên cứu thực trạng và những giải pháp nâng cao hình ảnh điểm đến của tỉnh Quảng Bình; nghiên cứu, đề xuất phát triển nhân lực ngành du lịch tỉnh Quảng Bình; nghiên cứu các điều kiện về khí hậu và môi trường trong hang động Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng phục vụ phát triển du lịch bền vững...

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế cộng đồng cũng để lại nhiều dấu ấn quan trọng qua các đề tài, góp phần vào việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân. Các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trong giai đoạn này đã tập trung vào việc triển khai các dự án sản xuất thử, cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, thiết bị tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh. Nhiều sản phẩm mới đã được sản xuất thử nghiệm, các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp ngày càng đa dạng, mẫu mã được cải tiến, đáp ứng nhu cầu của thị trường....

Cùng với việc triển khai các đề tài, dự án, trong giai đoạn 2011 - 2015 đã có 46 mô hình, nhiệm vụ KH và CN cấp huyện, thị xã, thành phố được triển khai. Các mô hình, nhiệm vụ KH và CN đã tập trung ứng dụng, thử nghiệm các giống cây trồng và vật nuôi mới, các biện pháp kỹ thuật tiên tiến về nuôi trồng, chăm sóc; xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng trang trại, các mô hình liên kết, kết hợp... nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế-xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao có khả năng phát triển và nhân rộng như: phát triển nghề sản xuất mây xiên mỹ nghệ xuất khẩu trên địa bàn huyện Quảng Trạch; trồng dưa hấu vụ đông-xuân tại huyện Quảng Ninh; mô hình sinh sản nhân tạo cá lóc; trồng ngô ngọt Thái Lan vụ hè-thu; trồng thử nghiệm giống ngô nếp lai tố nữ; thâm canh lúa chất lượng cao QR1, TBR45, QX3, QX8, QX4, QX5, QXP1, QXP30; phát triển vườn ươm giống cây cao su RRIM712, RRIM600, RRIC100; nuôi kỳ đà thương phẩm... cùng nhiều mô hình đang được triển khai rộng rãi trong toàn tỉnh.

Sau 5 năm triển khai, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, KH và CN tỉnh ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là đội ngũ cán bộ khoa học còn thiếu và yếu; đầu tư cho KH và CN còn thấp; thiếu sự liên kết giữa nghiên cứu KH và CN, giáo dục - đào tạo và sản xuất - kinh doanh; thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức nghiên cứu - phát triển, các trường đại học và các doanh nghiệp... Tuy nhiên với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của UBND tỉnh và cơ quan chức năng, sự nỗ lực của các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực KH và CN, các đề tài, dự án đã tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, góp phần cải thiện đời sống người dân, đặc biệc là người dân khu vực nông thôn và miền núi, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để trong những năm tới, KH và CN tỉnh ta sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu to lớn hơn, góp phần đưa quê hương phát triển nhanh và bền vững.

Ngọc Mai