.

Quảng Ninh: Nỗ lực ứng dụng KHCN trong sản xuất và đời sống

Thứ Ba, 17/12/2013, 11:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhận thức vai trò quan trọng của ứng dụng khoa học công nghệ trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững của địa phương, trong những năm qua, Huyện ủy và chính quyền các cấp huyện Quảng Ninh đã có sự quan tâm chỉ đạo sát sao và thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến đến với đông đảo tầng lớp nhân dân.

Năm 2013 được xem là một năm mang lại một số kết quả khả quan với các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ trong đời sống và sản xuất với sự đa dạng về lĩnh vực, phong phú về hình thức và hiệu quả về chất lượng.

Trạm Khuyến nông huyện Quảng Ninh chủ trì 4 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong năm 2013. Đáng chú ý là mô hình thâm canh cây rau má-một mô hình khá mới mẻ và hứa hẹn khả năng nhân rộng cao trong tương lai.

Đầu năm nay, UBND huyện và các ngành đã có khảo sát, thăm mô hình trồng rau má tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên-Huế. Mô hình trồng thâm canh rau má tại các xã Võ Ninh, Duy Ninh và Xuân Ninh với diện tích 2ha ra đời. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ gần 29 triệu đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ và sự đồng góp của người dân hơn 62 triệu đồng, đề án còn nhận được sự “trợ sức” từ UBND các xã với kinh phí 300 nghìn-400 nghìn đồng/sào.

Tại trang trại anh Đỗ Văn Tùng (Hải Ninh, Quảng Ninh), với mỗi con kỳ đà nặng khoảng 3,8 kg, anh bán được gần 1,6 triệu đồng/con, thu lãi hơn 500 nghìn đồng/con.
Tại trang trại anh Đỗ Văn Tùng (Hải Ninh, Quảng Ninh), với mỗi con kỳ đà nặng khoảng 3,8 kg, anh bán được gần 1,6 triệu đồng/con, thu lãi hơn 500 nghìn đồng/con.

Trong giai đoạn đầu của mô hình, nhiều hoạt động đã được triển khai đồng bộ, như: khảo sát, chọn địa điểm, chọn hộ gia đình thực hiện; tập huấn chuyển giao kỹ thuật thâm canh rau má; tổ chức các đoàn thăm quan mô hình thực tế... Điểm ghi nhận từ mô hình này chính là sự phối kết hợp hiệu quả, chặt chẽ từ người dân, chính quyền, tổ chức, đoàn thể cấp cơ sở cho đến các phòng, ban cấp huyện, cấp sở. Bên cạnh đó, Trạm Khuyến nông huyện Quảng Ninh còn phối hợp, theo dõi một số mô hình khả quan khác, như: các giống lúa chất lượng cao, cua đồng, nuôi cá sấu, thanh long ruột đỏ, nuôi ong lấy mật...

Đối với các HTX sản xuất truyền thống, việc khai thác một cách hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất sản phẩm truyền thống đang là xu thế chung, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ tích cực trong nhiều khía cạnh, như: giảm công sức lao động, hạn chế ô nhiễm môi trường...

Vì lẽ đó, HTX rượu làng nghề Võ Xá đã mạnh dạn trong việc sử dụng kết hợp công nghệ cổ truyền và kỹ thuật xử lý hiện đại. Nguồn nước tinh lọc từ đồi cát tự nhiên đã tạo cho hương vị rượu làng nghề một vị đặc trưng không có loại rượu nào có được, uống vào êm, dịu, không đau đầu. Không chỉ trong khâu nấu, mà cả trong khâu chưng cất, sau khi được kiểm tra chất lượng, rượu được đưa vào bồn chứa bảo quản để lắng lọc tự nhiên và trong quá trình này, xử lý anđêhít bằng công nghệ khoa học. Sau một thời gian từ 6 tháng đến 1 năm, rượu được cất lại bằng máy, tiếp tục được lọc qua máy, chiết đóng chai, dán nhãn và đưa đi tiêu thụ. Các tạp chất như anđêhít... và một số tạp chất khác được loại bỏ hoàn toàn, được sự tin dùng và ưa chuộng của khách hàng. Hiện nay, HTX tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 25 xã viên và gần 100 hộ gia đình trong địa bàn.

Ngoài các lĩnh vực, ngành nghề đặc trưng của huyện, năm 2013, nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ mới mẻ, sáng tạo và tiềm năng cũng được Quảng Ninh triển khai hiệu quả, gồm: mô hình gieo hạt giống thay đổi ở 3 xã An Ninh, Xuân Ninh, Duy Ninh mở ra một quy trình sản xuất mới, chi phí đầu tư giảm, dễ kiểm soát một số dịch bệnh; mô hình khôi phục giống sắn mỳ truyền thống ở xã Trường Sơn, Trường Xuân...

Đặc biệt, đối với các lĩnh vực như giáo dục-đào tạo, môi trường, y tế, công nghệ thông tin-vốn dĩ khá khó khăn với một huyện còn nghèo như Quảng Ninh, cũng được tích cực thực hiện, cụ thể: 13/15 xã, thị trấn của huyện đã có mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải bằng phương pháp hợp vệ sinh, 100% nhà trường đều có Internet phục vụ cho công tác dạy, học và quản lý, các phần mềm phổ cập giáo dục được triển khai đầy đủ, công tác dạy và học được khuyến khích sử dụng công nghệ thông tin thường xuyên...

Trong năm 2014, bên cạnh tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề, huyện Quảng Ninh chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động cá nhân, tổ chức, tập thể tham gia nghiên cứu, sáng kiến, cải tiến, góp phần nâng cao hiệu quả công việc và mức thu nhập.

M.N