.

Chuyện về nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Thanh

Thứ Sáu, 23/01/2015, 07:46 [GMT+7]
Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Thanh.
Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Thanh.

(QBĐT) - Bà Nguyễn Thị Thanh, một trong những người có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, gìn giữ, phổ biến và truyền dạy vốn ca trù trên quê hương Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa vừa được Hội di sản văn hóa Việt Nam tỉnh công nhận là Nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực ca trù.

Trải hơn ba trăm năm có lẻ, điệu ca trù bén rễ và lưu truyền từ đời này sang đời khác tại vùng đất Uyên Phong, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa. Tuy thịnh yếu nhiều lúc khác nhau, nhưng đối với người dân nơi đây, ca trù đã là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa. Bởi vậy mà dù có chiến tranh loạn lạc, dù chịu sự lấn át của âm nhạc đương đại thì ca trù vẫn “sống” và “chảy” trong sự đùm bọc, nâng niu của con người và vùng đất chân quê hồn hậu.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Thanh sinh năm 1931 tại thôn Uyên Phong, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, là hậu duệ dòng họ Nguyễn của quan Chưởng ấn Nguyễn Đình Hanh (làm quan Triều Nguyễn)- người có công mang ca trù về vùng đất Phong Châu, nay là thôn Uyên Phong, xã Châu Hóa. Năm nay tuổi ngoài 80 nhưng bà Thanh vẫn khỏe mạnh, hoạt bát. Đặc biệt, khi nói chuyện về ca trù thì bà lại càng cởi mở, lanh lợi hẳn ra.

Bà cho biết: "Hiện nay tui vẫn thường xuyên sinh hoạt câu lạc bộ, tham gia biểu diễn tại nhiều chương trình văn nghệ của địa phương; thường xuyên được mời đi giao lưu và truyền dạy cho một số câu lạc bộ ca trù mới thành lập tại huyện Tuyên Hóa và Quảng Trạch. Về ca trù, bản thân có thể hát được tất cả các làn điệu mà các thế hệ đi trước đã lưu truyền tại địa phương như: Hát phú, hát bắc, hát nam, hát lãy, hát luyến, hát kim tiền... Mỗi làn điệu có nhiều bài khác nhau, tùy vào hoàn cảnh tương ứng để biểu diễn cho phù hợp".

Được thừa hưởng truyền thống của gia đình cộng với niềm đam mê và nhiệt huyết, điệu ca trù cứ thế vận vào rồi gắn bó với cuộc đời bà Thanh như mối duyên nợ khó rứt. Lúc còn nhỏ, cô bé Nguyễn Thị Thanh đã vô cùng thích thú mỗi khi được nghe các cô, các chú trong gánh hát ca trù của làng biểu diễn. Dường như những thanh âm của lời ca, nhịp phách, tiếng đàn đáy cứ thế ngấm vào máu thịt của bà.

Để rồi đến năm 15, 16 tuổi, bà Thanh lúc ấy đã sớm bộc lộ năng khiếu hát ca trù với giọng ngâm trong trẻo, kỹ thuật điêu luyện. Bà đã theo gánh hát của các cô, các chú trong làng đi biểu diễn nhiều nơi trên địa bàn huyện, có khi lên tận Minh Hóa rồi xuôi về Quảng Trạch, thậm chí ra đến Hà Tĩnh. Gánh hát lúc đó do ông Đoàn Bổng chủ trì, là người hoạt động cánh mạng, do vậy thời kỳ này chủ yếu hát tuyên truyền, phục vụ cách mạng. Đến giai đoạn chiến tranh chống Mỹ ác liệt thì gánh hát ngưng hoạt động.

Với tài năng và niềm đam mê nghệ thuật ca trù, trong suốt cuộc đời mình bà Nguyễn Thị Thanh đã lặng lẽ truyền dạy cho lớp lớp con cháu trong làng những kiến thức, kỹ năng ca hát, để rồi cho đến hôm nay, dù trải bao thăng trầm của lịch sử thì điệu ca trù vẫn cứ thế ngân lên mềm mại, uyển chuyển, làm say đắm lòng người ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, bên dòng sông Gianh thơ mộng. Những người được bà trực tiếp truyền dạy thì không nhớ hết, nhưng hiện nay trong làng có khoảng 30 đến 40 người biết hát ca trù, trong đó có một số cháu trẻ hát rất tốt như cháu Phan Thị Hoa, là cháu gọi bà Thanh bằng dì, từng tham dự liên hoan ca trù toàn quốc.

Câu lạc bộ ca trù Phong Châu được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2010 cho đến nay, đó cũng là khoảng thời gian bà Thanh được sống lại với niềm đam mê của mình. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng bà đã có những hoạt động không biết mệt mỏi để gìn giữ và truyền đạt nghệ thuật ca trù. Bà luôn trăn trở, tìm cách dạy cho thế hệ trẻ hiểu biết hơn về nghệ thuật ca trù, biết nâng niu, gìn giữ những giá trị riêng của môn nghệ thuật truyền thống này.

Ông Trần Văn Duễ, Chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù Phong Châu nhận xét: Bà Nguyễn Thị Thanh là người có tâm huyết và kiến thức sâu về nghệ thuật ca trù. Dù tuổi cao nhưng bà vẫn tích cực tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, là người tích cực truyền dạy ca trù cho các thế hệ con cháu không chỉ trong làng mà cả ở những địa phương khác như các xã Văn Hóa, Tiến Hóa... Bà xứng đáng với danh hiệu Nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực ca trù do Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh phong tặng.

V.M-Văn Tư