.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Vĩ nhân trong sự bình dị

Thứ Bảy, 03/01/2015, 06:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là người hoàn hảo. Ông có đủ phẩm cách mà người đời mong ước, kể cả kẻ thù của Ông cũng phải nể trọng, kính phục, hướng tới và ca ngợi, tôn thờ vị tướng huyền thoại của Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên sân ga Đồng Hới trong dịp về thăm quê Quảng Bình tháng 11-2005.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên sân ga Đồng Hới trong dịp về thăm quê Quảng Bình tháng 11-2005.

Tôi được chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một sự may mắn, là niềm tự hào lớn khi được ghi lại những khoảng khắc đời thường của vị tướng huyền thoại. Tôi muốn qua những bức ảnh chân thực sống động, giản dị toát lên được nhân cách của một con người vĩ đại.

Hình ảnh Đại tướng nhập thiền, tập thể dục, bữa ăn đơn sơ, những suy tư bên bức tượng Bác Hồ, cuộc gặp gỡ rơi nước mắt với bạn cũ, những phút giây thảnh thơi bên chiếc đàn dương cầm... Tôi nghĩ đã phần nào nói lên được mong muốn của mình.

Từ những ngày đầu của thập kỷ 70 thế kỷ trước, tôi được hướng ống kính máy ảnh vào vị chỉ huy tối cao để tác nghiệp, với tư cách phóng viên, cho đến những lần ông vào viện. Đại tướng được các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên.. Bệnh viện Quân đội Trung ương 108 chu đáo, ân cần chăm sóc trong 1.559 ngày.

Những ngày ấy tôi được vào đưa Ông xem những bài báo, tấm ảnh và được kịp thời ghi lại những hình ảnh xúc động. Đó là những hình ảnh mãi mãi không phai mờ trong tâm trí đời tôi. Tôi được nghe, đọc tư liệu nhiều chiều, tôi được tiếp xúc với nhiều người trong và ngoài nước; và đặc biệt được chứng kiến, cảm nhận trực tiếp từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong nhiều hoàn cảnh vui, buồn, trong vô vàn cuộc tiếp xúc với các bậc cách mạng lão thành, các cựu chiến binh, các giới trí thức, các tầng lớp nam, phụ, lão, ấu, các vị nguyên thủ quốc gia, các chính khách, các danh tài đến Việt Nam thăm Đại tướng.

Tôi được ghi lại những khoảnh khắc rất bình dị, chân tình và cởi mở. Bức ảnh Đại tướng với cố Tổng thống Hugo Chavez (Venezuela) thân tình như anh em ruột thịt. Một cựu chiến binh hơn 70 tuổi từ Hà Tĩnh mang ra Hà Nội những quả bưởi quê nhà chờ lúc vãn khách để kính biếu và mừng thọ “Anh Cả”. Ông là Nguyễn Văn Thích lái xe cho Đại tướng từ những năm 70 của thế kỷ trước.

Trong gần 2000 bức ảnh chụp Đại tướng mà tôi ưng ý thì phần lớn là những ảnh Đại tướng trò chuyện, tiếp xúc với mọi người. Dù ai khi được nói chuyện với Đại tướng đều thấy dễ dàng, thoải mái vì từ điệu bộ, cử chỉ đến ngôn ngữ Ông thường dùng tiếng nói quen thuộc của người mà Ông trò chuyện.

Lần lên thăm khu rừng Trần Hưng Đạo vào tháng 12 năm 1994 tại Cao Bằng, Đại tướng nói chuyện với đồng bào các dân tộc bằng tiếng của chính họ. Đang vui chuyện, bỗng nhiên Đại tướng quay sang tôi nói:

- Hôm nay tớ bất lịch sự với cậu, vì nói chuyện với đồng bào bằng tiếng Tày. Chắc cậu không hiểu?

Khoảnh khắc ấy, tôi bấm máy và có được tấm ảnh quý. Sau chuyến đi tôi đưa cho Đại tướng xem bức ảnh này, Ông khen:

- Ảnh rất tự nhiên, chân thật.

Lại nói đến chân thật, lần ấy nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, khi đến Mường Phăng, thấy tôi lủng lẳng máy trước máy sau, Đại tướng hỏi: "Cậu mang nhiều máy thế?". Tôi trả lời ông là máy này chụp ảnh màu, máy kia chụp ảnh đen trắng.

Đại tướng lại hỏi:

- Bây giờ mọi người đều chụp ảnh màu, sao cậu vẫn chụp ảnh đen trắng?

Tôi dập gót giày, ưỡn ngực, mắt nhìn thẳng rất quân lệnh:

-Báo cáo Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, màu hay đen trắng, mỗi loại đều có thế mạnh riêng của nó. Với tôi, tôi vẫn thích và mê chụp ảnh đen trắng vì nó rất chân thật, lại rõ ràng minh bạch. Còn ảnh màu thì đẹp và bắt mắt đấy, nhưng đôi lúc màu sắc lòe loẹt dễ đánh lừa người xem...

- Hay! Hay lắm! Phóng viên báo Quân đội có khác! Đại tướng cười vui, ông nói tiếp:

- Sự thật có sức hấp dẫn lắm, vì nó là bản chất, là gốc gác của chân lý, của quy luật. Cái gì cũng vậy, phải đi đến tận cùng của sự thật. Muốn vậy phải yêu nó, tôn trọng nó.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp không ưa cụm từ “nói chung” mà với ông, cái gì cũng phải cụ thể. Tôi trộm nghĩ: Thỉnh thoảng được Đại tướng khen bức ảnh này tớ thích, bức ảnh kia cậu chụp được, chắc Đại tướng khen vì ảnh của tôi chụp rất chân thật.

Tháng 12 năm 1992, Đại tướng xem ảnh triển lãm của tôi tại 45 Tràng Tiền Hà Nội, ông hỏi:

- Trong 86 tác phẩm ảnh triển lãm lần này, đồng chí Trung tá Trần Hồng thích tác phẩm nào nhất? Tôi trả lời Đại tướng là tôi thích tất cả. Vì tất cả là của tôi và tôi chịu trách nhiệm đến cùng từng tác phẩm.

Tôi được Đại tướng tặng một ánh nhìn trìu mến, một nụ cười hiền cùng với cái bắt tay siết chặt. Trước lúc rời phòng triển lãm, Đại tướng ghi vào sổ cảm tưởng: “Những tấm ảnh (những bức tranh) như thơ, như nhạc. Qua những hình ảnh ghi lại người xem rất xúc động với những tình cảm, những nỗi đau thương và những niềm vui qua những con mắt làm cho người xem nhớ mãi. Chúc Trần Hồng, người nghệ sĩ, chiến sĩ có những tác phẩm lớn”.

Mảng ảnh tôi chụp Đại tướng và gia đình có rất nhiều ấn tượng. Được tiếp cận với Đại tướng và những sinh hoạt đời thường của Ông tôi thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là vị tướng của nhân dân suốt đời vì đất nước, mà Ông còn là người chồng, người cha, người ông, người cụ trong đại gia đình. 5 người con (2 trai, 3 gái) và nhiều cháu chắt của Đại tướng đều phát triển toàn diện - Một đại gia đình hạnh phúc, giàu bản sắc văn hóa truyền thống.

Thay lời kết, tác giả xin được bày tỏ lòng biết ơn, tiếc nhớ vô hạn đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Qua Tạp chí Mỹ thuật và Nhiếp ảnh của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (số 10/2013), ngày ông về với đất mẹ Quảng Bình: “Cảm ơn Đất, Trời và lòng người ứng thuận để Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi. Dẫu còn bao điều trăn trở, Đại tướng thanh thản về với Tổ tiên đất mẹ, sự thanh thản như Ông đã từng thanh thản vượt qua bao thác ghềnh giông tố, trong thời chiến lẫn thời bình để hôm nay Việt Nam ta có một Võ tướng trong triệu triệu trái tim”.

Và có một bức ảnh người viết những dòng này chưa chụp nhưng ai cũng thấy, cũng cảm được: Dòng người vô tận chảy về ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội trong những ngày tháng 10 năm 2013, tỏ lòng biết ơn, kính trọng và thương tiếc. Cuộc hội ngộ lòng tin, trí tuệ và sự gắn kết mọi tấm lòng, tiếp tục làm nên những Điện Biên Phủ trong hội nhập và phát triển.

Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng