.

Nghiên cứu 'Binh thư' của Đại tướng (kỳ 4): 3 'nguyên tắc vàng' để đánh bại 9 tướng Pháp

Thứ Tư, 23/10/2013, 17:02 [GMT+7]

Suốt 9 năm kể từ 1945, Chính phủ và quân đội Pháp không chịu hiểu rằng quyền lợi của họ tại Việt Nam đã tới lúc cáo chung. Lần lượt, hàng loạt tướng quân sự cao cấp được phái sang đây để ngăn cản làn sóng cách mạng đang dâng cao dưới sự chỉ huy quân đội của tướng Võ Nguyên Giáp.

Học giả người Mỹ Currey nhắc tới 9 cái tên từng đối đầu với tướng Giáp: Leclerc, Jean Valluy, Blaizot, Carpentier, Alessandri, De Lattre, Salan, Navarre và De Castries. Ngoài De Castries được phong tặng quân hàm thiếu tướng khi giữ Điện Biên Phủ, 8 cái tên còn lại đều là Đại tướng hoặc Trung tướng và nối nhau giữ vai trò chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp trên chiến trường Đông Dương.

Lối đánh phá bỏ chiến tranh quy ước

"Chúng ta vẫn nói tới việc Đại tướng từng đánh bại 9 tướng Pháp. Vậy, khái niệm "thắng" ở đây cần được hiểu và định lượng theo cách nào? " Đó là câu hỏi TT&VH đặt ra với một số nhà nghiên cứu lịch sử quân sự.

Và, câu trả lời chung được đưa ra: không phải viên tướng Pháp nào cũng trực tiếp nhận về một thất bại quân sự quyết định, như trường hợp De Castries và Navarre với Điện Biên Phủ. Nhưng, với việc liên tục bẻ gãy kế hoạch bình định của các tướng Pháp, buộc các mũi quân viễn chinh phải sa lầy trên khắp VN và từng bước phát triển lực lượng còn non trẻ của mình, không ai có thể phủ nhận từ "chiến thắng" được dành cho tướng Giáp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch quân sự tại Sở chỉ huy Chiến dịch biên giới (năm 1950). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch quân sự tại Sở chỉ huy Chiến dịch biên giới (năm 1950). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Với các học giả quốc tế, cách cầm quân của tướng Giáp giai đoạn 1946 - 1950 được phân tích khá kĩ theo sự vận động và tỉ lệ phát triển lực lượng của cả 2 phía. Tránh giáp chiến ở quy mô lớn, buộc nắm đấm chủ lực của người Pháp giáng vào khoảng không, linh hoạt tập trung mọi lực lượng quân sự có thể để đánh tập kích hoặc triệt nguồn tiếp tế tại chỗ  - đó là lựa chọn của Đại tướng và khiến kẻ thù không thể khẩn trương tiêu diệt chủ lực Việt Minh như ý muốn.

Khởi đầu cho chuỗi thời gian chật vật của nước Pháp trên chiến trường Đông Dương là thất bại của chiến dịch Lea (Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947) cuối năm 1947. Cuộc hành quân huy động tới 12.000 quân nhằm tiêu diệt đầu não kháng chiến tại khu vực Thái Nguyên, Bắc Cạn phá sản trong 2 tháng - khi các lực lượng kháng chiến VN vừa phòng ngự linh hoạt, vừa tập trung tổ chức nhiều trận phục kích rất hiệu quả trên các mặt trận đường số 3, đường số 4, sông Lô, đèo Bông Lau… Và, sau chiến dịch Lea, một loạt cuộc hành binh tiếp theo cũng rơi vào kịch bản tương tự. Dù biết trước, các tổng tư lệnh Pháp vẫn không thể khắc chế được lối đánh vượt thoát khỏi mô hình chiến tranh quy ước ấy.

"Thời kì chống Pháp là minh chứng rõ tài năng của Đại tướng ở cương vị một chỉ huy quân sự trực tiếp, trước khi được nâng tầm trở thành một vị tướng chiến lược trong  chiến tranh chống Mỹ sau này" -  TS Vũ Tang Bồng (Viện Lịch sử Quân sự VN) nhận xét - "Thực tế diễn ra hoàn toàn trùng khớp với 3 nguyên tắc cầm quân mà tướng Giáp từng tổng kết: Tôn trọng đối thủ; không đánh bằng quân số giống như đối thủ; không đánh theo cách đánh đã được chuẩn bị của đối thủ".

Năm 1950, những nguyên tắc đòi hỏi sự linh hoạt, nhạy bén và vượt trước đối thủ về tầm nhìn như vậy đã thể hiện trọn vẹn trong chiến dịch Biên giới.

Ban đầu, cơ quan tham mưu chọn thị xã Cao Bằng làm điểm đột phá tấn công để mở đầu chiến dịch. Tuy nhiên, khi thị sát và thấy vị trí này có nhiều bất lợi, tướng Giáp quyết định tạm thời chỉ cô lập thị xã Cao Bằng và chuyển sang tấn công cứ điểm Đông Khê cách đó 45 km, sau đó tiếp tục phục kích các cánh quân cứu viện. Kết quả: sau một loạt trận đánh liên tiếp, người Pháp buộc phải rút bỏ hoàn toàn khỏi vành đai biên giới kéo từ Việt Bắc tới Lạng Sơn. Cách mạng VN đã nối liền được với những đồng minh của mình.

"Kiến trúc sư" của đạo quân hiện đại

"Phát đạn ân huệ" cho tướng Navare

Trong cuộc kháng chiến 9 năm, Người Pháp liên tục bị kéo giãn và sa lầy - trong khi đội quân của tướng Giáp không ngừng lớn mạnh. Sự thay đổi theo chiều tỷ lệ nghịch ấy kéo dài tới năm 1953, khi tướng Navare được cử sang VN. Tác giả Currey nhận xét hóm hỉnh rằng vị tổng chỉ huy này tới gặp tướng Giáp để nhận "phát đạn ân huệ" cho con đường binh nghiệp của mình. Năm 1956, trở về Pháp, Navarre nghỉ hưu và... chuyển sang viết sách, với tác phẩm duy nhất là Đông Dương hấp hối, nói về thất bại của chính ông.

Nhưng, vượt khỏi vai trò của một vị chỉ huy chiến tranh du kích, điều khiến các học giả phương Tây kinh ngạc ở tướng Giáp là khả năng đi lên từ con số 0 để xây dựng một đội quân chuyên nghiệp, có nền tảng quân sự hoàn thiện và đầy tính tổ chức. 8/1949, dù vẫn bị cô lập hoàn toàn với phong trào cách mạng thế giới, Đại đoàn chính quy đầu tiên của VN được Đại tướng cho thành lập với phiên hiệu 308 (quân số gần 12.000 người) và học cách đánh vận động theo quy mô lớn. Tiếp đó, lần lượt các đại đoàn 304, 312, 316, 320... xuất hiện.

Đặc biệt, trong tác phẩm Chiến thắng bằng mọi giá, tác giả Currey cho biết: tướng Giáp cùng lúc áp dụng cả mô hình tổ chức quân đội của Pháp và Liên Xô cho những đạo quân của mình. Năm 1950, Đại tướng đã tiến hành cải tổ Bộ Tổng tham mưu - vốn chỉ gồm những cố vấn quen với các kế hoạch tác chiến theo kiểu du kích. Một mô hình hiện đại và "đặc sệt Pháp" được đặt ra, với “phòng I” lo về nhân sự, “phòng II” về tình báo, “phòng III” về tác chiến và “phòng IV” về hậu cần. Ngược lại, năm 1951, Đại đoàn trọng pháo 351 được thành lập, theo mô hình tổ chức của pháo binh Xô viết.

"Sự linh hoạt uyển chuyển, để phối hợp giữa chiến tranh du kích và chiến tranh hiện đại, giữa lối đánh nhỏ và lối vận động chiến ở quy mô tập trung là một điểm xuyên suốt trong tư duy tướng Giáp" - TS Vũ Tang Bồng nhận xét.

Từ những nguồn lực nào mà tướng Giáp có thể xây dựng những đạo quân như vậy? Câu trả lời rất đơn giản: Sự ủng hộ tuyệt đối trên mọi phương diện của nhân dân VN.

"Các tướng Pháp không bao giờ hiểu được điều này. Họ đến từ một quốc gia mà trong nhiều thế kỷ, quan điểm xuyên suốt vẫn là: Mục tiêu quân sự luôn phải được quan tâm tối ưu trên chiến trường, Bởi thế, với họ, kiểm soát được các vùng đất quan trọng là hoàn thành nhiệm vụ" - Currey viết - "Còn tướng Giáp lại không hề vướng vào định kiến ấy, mà ông hiểu rằng điều cần nhất là sự ủng hộ của nhân dân. Người Pháp không bao giờ biết tận dụng "đồng minh" này và rơi vào cảnh phải chiến đấu một mình, trong khi tướng Giáp luôn yêu cầu chiến sĩ phải vận động quần chúng khi không trực tiếp chiến đấu".

(Còn nữa)

Theo Hoàng Nguyên (Thể thao & Văn hóa)