Những vấn đề song ngữ vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình - Kỳ 3: Nhận xét các cứ liệu song ngữ hai khu vực Bru-Vân Kiều và Chứt

Cập nhật lúc 07:17, Thứ Năm, 10/01/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong truyền thống, người Bru-Vân Kiều và người Chứt không có họ. Thể theo tình cảm, nguyện vọng của đồng bào Bru-Vân Kiều và để tiện quản lý hành chính, hàng chục năm trước đồng bào được mang họ Hồ, theo đó, cùng với sự giao lưu văn hoá, sự tiếp xúc ngôn ngữ, cách đặt tên  của đồng bào đã có xu hướng Việt hoá ngày càng tăng cao.

>> Kỳ 2: Cứ liệu song ngữ vùng dân tộc Bru-Vân Kiều và dân tộc Chứt

>> Kỳ 1: Những vấn đề chung

 

Vở học tiếng Việt của một học sinh dân tộc Bru-Vân Kiều.
Vở học tiếng Việt của một học sinh dân tộc Bru-Vân Kiều.

Trình độ văn hoá chung

Trình độ văn hoá chung của nhóm Bru-Vân Kiều và nhóm Chứt trong độ tuổi đi học được điều tra hoàn toàn phù hợp với trình độ văn hoá chung đồng bào dân tộc thiểu số toàn khu vực hiện nay.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc phát triển giáo dục, phát triển văn hoá - xã hội, nhưng tỷ lệ 31,51% số người được điều tra ở khu vực song ngữ Bru -Vân Kiều và 22,67% số người được điều tra ở khu vực song ngữ Chứt còn mù chữ, như vậy là khá cao so với tỉ lệ người mù chữ tỉnh Quảng Bình năm 2010 (0,99%). Tỉ lệ người có trình độ văn hoá giảm dần và đột ngột theo từng cấp học cao hơn ở cả hai khu vực Bru-Vân Kiều (tiểu học: 39,07%, trung học cơ sở: 24,44%, trung học phổ thông: 4,18%, đại học, cao đẳng: 0,80%) và Chứt (Tiểu học: 41,00%, trung học cơ sở: 27,03%, trung học phổ thông: 9,01%, đại học, cao đẳng: 0,29%). Thực tế này cho thấy bên cạnh những khó khăn về kinh tế, văn hoá, điều kiện tộc người, hoàn cảnh địa lý,... thì không thể loại trừ nguyên nhân sự khác biệt giữa ngôn ngữ phổ thông/ bản ngữ và trình độ song ngữ của người bản ngữ đã tham gia kìm hãm sự phát triển giáo dục cũng như phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực.

Trình độ văn hoá của đối tượng là cán bộ thôn, bản và cộng đồng được điều tra ở cả hai khu vực khu vực cao hơn hẳn trình độ văn hoá chung và tăng nhiều ở các cấp học cao hơn (Bru-Vân Kiều: Tiểu học: 44,00%, Trung học cơ sở: 46,00%, Trung học phổ thông: 9,00%, Chứt: Tiểu học: 48,00%, Trung học cơ sở: 50,00%). Đây là lớp người được các cấp lãnh đạo và cộng đồng tín nhiệm bầu cử, tuyển chọn để quản lý thôn, bản và thực thi công tác xã hội trong cộng đồng, có trình độ song ngữ khá hơn nhiều so với những thành viên còn lại. Tuy nhiên, trong số này, không có ai có trình độ học vấn Đại học, cao đẳng và vẫn còn có người mù chữ (Bru-Vân Kiều:1%, Chứt: 2%.).

Như vậy, trong tình hình văn hoá - xã hội hiện nay ở Quảng Bình, đặc biệt trong điều kiện tỉnh đã có hơn 20 năm tái lập, phát triển, và đồng bào Bru-Vân Kiều và Chứt cũng đã có nhiều năm thụ hưởng các chính sách dân tộc thiểu số ưu việt, tổ chức định canh định cư, xây dựng đời sống mới, phát triển văn hoá, thì nhóm Bru-Vân Kiều và nhóm Chứt được điều tra thuộc diện có trình độ văn hoá chung còn thấp. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, đó đồng thời cũng là tình trạng chung của nhiều dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình cũng như cả nước (1).

Nhóm Bru-Vân Kiều và nhóm Chứt được điều tra có mối quan hệ xã hội tương đối rộng rãi và nhiều mặt với đồng bào các dân tộc cận cư, đặc biệt là với người Việt  trong khu vực. Mối quan hệ xã hội với người Việt của các nhóm này không phải mới được thiết lập gần đây, mà có nguồn gốc từ quá trình đan xen dân tộc lâu đời trong cộng đồng người Quảng Bình. Nhất là, trong hai cuộc kháng chiến, việc các địa bàn này trở thành căn cứ địa vững chắc và trực tiếp của chiến trường đã tạo điều kiện cho nhóm Bru-Vân Kiều được điều tra có sự gắn bó mật thiết với số đông cán bộ và quần chúng cách mạng người Việt ở đây. Trong nhóm Bru-Vân Kiều được điều tra ở độ tuổi trên 30 hầu hết đều làm rẫy và những công việc lao động đơn giản khác.

Cán bộ cốt cán người dân tộc thiểu số xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) trả lời trắc nghiệm các kỹ năng sử dụng tiếng Việt.
Cán bộ cốt cán người dân tộc thiểu số xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) trả lời trắc nghiệm các kỹ năng sử dụng tiếng Việt.

Khả năng đọc và viết chữ quốc ngữ

Trong hai nhóm được điều tra, số người biết đọc chữ quốc ngữ (Bru-Vân Kiều: 60,77%, Chứt: 66,57%,), cao hơn số người biết viết chữ quốc ngữ (Bru-Vân Kiều: 58,84%, Chứt: 63,66%). Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế sử dụng ngôn ngữ, bởi kỹ năng nói, kỹ năng viết có phần khó hơn kỹ năng đọc. Tuy nhiên, sự cách biệt này là không đáng kể.

Lứa tuổi biết đọc biết viết chữ quốc ngữ có tỉ lệ cao nhất là từ 7 -14 (Bru-Vân Kiều: biết đọc: 87,75%, biết viết: 85,71%, Chứt: biết đọc: 84,41%, biết viết: 81,81%) và sau đó là lứa từ 15-45 tuổi (Bru-Vân Kiều: biết đọc: 55,21%, biết viết: 53,84%, Chứt: 65,36%, biết viết: 63,41%). Đây là lớp tuổi đang đi học, mới rời ghế nhà trường phổ thông, hoặc đang có quan hệ tương đối rộng rãi ngoài khu vực.

Khả năng biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ từ độ tuổi 15 trở lên trong nhóm được điều tra giảm dần theo độ tăng của lứa tuổi (Bru-Vân Kiều: Biết đọc: 15-45 tuổi: 55,21% , 46-60 tuổi: 45,07%, trên 60 tuổi: 40,00%. Biết viết chữ quốc ngữ: 15-45 tuổi: 53,84%, 46-60 tuổi: 42,25%, trên 60 tuổi: 35,00%, Chứt: Biết đọc: 15-45 tuổi: 65,36%, 46-60 tuổi: 53,33%, trên 60 tuổi: 35,29% và biết viết chữ quốc ngữ: 15-45 tuổi: 63,41%, 46-60 tuổi: 46,66%, trên 60 tuổi: 29,41%). Lý do là số đông đồng bào trong các độ tuổi này còn mù chữ, chưa từng được học chữ quốc ngữ. Tuy nhiên, cũng có một số ít còn lại trong các độ tuổi này mặc dù đã từng được học chữ quốc ngữ trong trường học, hoặc các lớp bổ túc văn hoá, nhưng đã "mù chữ trở lại" sau một thời gian dài không còn đến trường.

Ở khu vực Bru-Vân Kiều, khả năng đọc và viết chữ quốc ngữ của nam giới (biết đọc: 73,91%, biết viết: 71,73%) đều cao hơn nữ giới (biết đọc: 46,66%, biết viết: 45,00%). Ở khu vực Chứt, khả năng đọc chữ quốc ngữ của nam giới cao hơn nữ giới (nam giới: 70,41%, nữ giới: 62,85%), trong khi đó, khả năng biết viết chữ quốc ngữ của hai giới là tương đương (nam giới: 63,31%, nữ giới: 64,00%).

Khả năng nói tiếng Việt

Số người biết nói tiếng Việt (Bru-Vân Kiều: 88,28%, Chứt: 84,25%) cao hơn nhiều so với số người biết đọc (Bru-Vân Kiều: 60,77%, Chứt: 66,57%), biết viết (Bru-Vân Kiều: 58,84%, Chứt: 63,66%) chữ quốc ngữ, bởi do kỹ năng nói đơn giản hơn các kỹ năng còn lại trong quá trình tiếp cận tiếng Việt của người bản ngữ. Tuy nhiên, khả năng nói của những người bản ngữ được điều tra theo cảm nhận của chúng tôi là ở nhiều mức độ khác nhau và phần lớn chỉ đủ để giao tiếp thông thường.

Độ tuổi nói được tiếng Việt nhiều nhất là 15-45 tuổi (Bru-Vân Kiều: 100,00%, Chứt: 98,70%), và sau đó là độ tuổi 7-14 (Bru-Vân Kiều: 98,63%, Chứt: 98,04%), do đây là lứa tuổi đang đi học, hoặc vừa mới rời ghế nhà trường chưa lâu, lại có mới quan hệ rộng rãi ngoài làng bản, khu vực. Ở mọi độ tuổi, số người biết nói tiếng Việt ở nam giới (Bru-Vân Kiều: 86,52%, Chứt: 83,58%) tương đương với nữ giới (Bru-Vân Kiều: 90,27%, Chứt: 84,92%) . Độ tuổi 3-6, cả nam giới lẫn nữ giới hầu hết đều không nói được tiếng Việt.

Ở hai khu vực song ngữ này, có hiện tượng cách biệt  giữa trình độ biết đọc (Bru-Vân Kiều: 60,77%, Chứt: 66,57%) và biết viết chữ quốc ngữ (Bru-Vân Kiều: 58,84%, Chứt: 63,66%) với trình độ nói tiếng Việt (Bru-Vân Kiều: 88,28%, Chứt: 84,25%) là do kỹ năng đọc và viết chữ quốc ngữ khó hơn kỹ năng nói.

Cách ứng xử tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt

Cách ứng xử tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của các cá nhân song ngữ trong hai khu vực điều tra là khá thống nhất.

Trong phạm vi giao tiếp gia đình có 78,62% số người ở khu vực song ngữ Bru-Vân Kiều và 70,93% số người ở khu vực song ngữ Chứt được điều tra chỉ sử dụng tiếng mẹ đẻ, 21,38% (Bru-Vân Kiều) và 29,07% (Chứt) số người được điều tra sử dụng hỗn hợp tiếng mẹ đẻ + tiếng Việt và 0% (Bru-Vân Kiều và Chứt) số người được điều tra chỉ sử dụng tiếng Việt. Điều này cho thấy ngoài tập quán, thói quen, tình cảm của đồng bào đối với bản ngữ, thì vẫn có thể xác định rằng các nội dung giao tiếp trong gia đình của các cá nhân song ngữ ở hai khu vực song ngữ Bru-Vân Kiều và Chứt được điều tra chủ yếu vẫn là các chủ đề hạn chế trong phạm vi chức năng xã hội của bản ngữ (Bru-Vân Kiều: 78,62%, Chứt: 70,93%).

Tuy nhiên, mặc dù ít cũng đã thấy xuất hiện trong phạm vi gia đình một số nhu cầu giao tiếp có nội dung vượt ra khỏi chức năng xã hội của bản ngữ, nên một số cá nhân song ngữ đã phải sử dụng thêm tiếng Việt để thoả mãn nhu cầu này (Bru-Vân Kiều: 21,38%, Chứt: 29,07%). Như vậy, trong một số ít gia đình Bru-Vân Kiều và Chứt đã có hơn một thành viên song ngữ có nhu cầu giao tiếp vượt ra ngoài chức năng xã hội của ngôn ngữ mẹ đẻ và có một vốn tiếng Việt nhất định để thực hiện nhu cầu này.

Ở phạm vi giao tiếp ngoài xã hội, ngược lại, hầu hết các cá nhân song ngữ được điều tra ở khu vực song ngữ Bru-Vân Kiều và Chứt đều xác định sử dụng tiếng Việt để giao tiếp với người Việt (Bru-Vân Kiều: 99,36%, Chứt: 98,55%) và trong thực tế, các cá nhân song ngữ này đã sử dụng tiếng Việt để trả lời các câu hỏi của nhóm điều tra. Tuy nhiên cũng có một thực tế khác là trình độ giao tiếp tiếng Việt của những cá nhân song ngữ này tuy có mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung là còn thấp, phù hợp với các kết quả đã điều tra. Còn đối với người các dân tộc khác không phải Việt cận cư trong khu vực  100% các cá nhân song ngữ Bru-Vân Kiều và Chứt được điều tra sử dụng tiếng Việt để giao tiếp với họ.

Cách đặt tên

Cách đặt tên của người Bru-Vân Kiều và người Chứt cũng là một hiện tượng song ngữ đáng lưu ý ở khu vực. Trong nhóm người bản ngữ được điều tra, có 58,71% (Bru-Vân Kiều) và 72,25% (Chứt) đặt tên Việt, có 30,71% (Bru-Vân Kiều) và 25,00% (Chứt) họ Việt tên bản ngữ hoặc ngược lại và có 10,58% (Bru-Vân Kiều) và 2,75% (Chứt) tên thuần bản ngữ. Đây là kết quả của sự tiếp xúc ngôn ngữ Việt/ Bru-Vân Kiều có liên quan đến dân tộc học và lịch sử.

Trong truyền thống, người Bru-Vân Kiều và người Chứt không có họ. Thể theo tình cảm, nguyện vọng của đồng bào Bru-Vân Kiều và để tiện quản lý hành chính, hàng chục năm trước đồng bào được mang họ Hồ, theo đó, cùng với sự giao lưu văn hoá, sự tiếp xúc ngôn ngữ, cách đặt tên  của đồng bào đã có xu hướng Việt hoá ngày càng tăng cao. Thực tế này cho thấy đồng bào đang hướng tới sự tiện dụng, hướng tới sự bình đẳng có thể được theo cách hiểu của mình, nhưng đã vô tình tự đánh mất đi một phần bản sắc văn hoá đáng ra cần phải được định hướng bảo tồn.  

Điều đáng chú ý là số ít những người Bru-Vân Kiều được điều tra có tên gọi thuần bản ngữ (10,58%) đa số đều thuộc tộc người Ma Coong và cùng sinh sống tập trung thành cộng đồng tại các bản thuộc xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch). Cũng vậy, số ít những người Chứt được điều tra có tên gọi thuần bản ngữ (2,75%) đa số đều thuộc tộc người A Rem sinh sống tập trung thành cộng đồng tại xã Tân Trạch, hoặc xen cư với người Ma Coong (dân tộc Bru-Vân Kiều) tại các bản thuộc xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch), đó là những địa bàn xa xôi, hiểm trở khó có sự giao lưu văn hoá, tiếp xúc ngôn ngữ với người Việt, hoặc nếu có thì cũng xảy ra ở vào thời điểm muộn và thưa thớt.

                                                              Trần Hùng

Kỳ sau: So sánh tình hình song ngữ hai khu vực Bru- Vân Kiều và Chứt

---------------------------------------------------------
 
(1). Kết quả dạy học tiếng Việt lớp 1 cho HS dân tộc ở một số địa phương đạt rất thấp:  số HS của tỉnh Hà Giang đạt trung bình là 48% và yếu là 22%; tỉnh Đăk Nông đạt trung bình: 33%, yếu: 16%; tỉnh Gia Lai đạt trung bình: 33%, yếu: 16%... Nhiều HS dân tộc chưa đạt được "yêu cầu cơ bản về kiến thức và kỹ năng môn Tiếng Việt" ở lớp 1. Hiện tượng lên lớp gượng hoặc "ngồi nhầm lớp" còn khá phổ biến ở nhiều nơi. Không ít nơi, HS dân tộc đã học hết lớp 1 nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu "đọc thông, viết thạo" về tiếng Việt, thậm chí có HS lên lớp 4 - 5 đọc rất yếu và viết sai nhiều lỗi chính tả. Do trình độ tiếng Việt còn yếu kém nên HS dân tộc khó tiếp thu các môn học khác và cũng khó tiếp tục học lên các lớp trên - Theo ĐTNVN (25-8-2008)





 

,
.
.
.