Những làng nghề truyền thống "vang bóng một thời" - Kỳ 2: Vấn vương vải dệt Quảng Xá!

Cập nhật lúc 07:27, Thứ Hai, 07/01/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo sách Địa chí huyện Quảng Ninh (tác giả Đỗ Duy Văn, xuất bản năm 2008), từ xưa, huyện Quảng Ninh cũng có nhiều làng trồng bông dệt vải như Cổ Hiền, Phan Hiền, Trường Dục, Xuân Dục..., nhưng không nơi nào có một "thương hiệu" riêng, nhà nhà dệt vải như ở làng (thôn) Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh). Vải Quảng Xá được bạn bè khắp xa gần biết đến, người Quảng Xá thời đó cũng chính nhờ chăm chỉ dệt vải mà tậu trâu, xây nhà, lát đường làng bằng đá sạch sẽ, khang trang.

>> Kỳ 1: Nhớ lắm giấy bổi làng Tuy!
 

Cụ Dương Viết Thủ (Quảng Xá, Tân Ninh, Quảng Ninh) lần giở lại những ghi chép xưa về nghề trồng bông dệt vải truyền thống.
Cụ Dương Viết Thủ (Quảng Xá, Tân Ninh, Quảng Ninh) lần giở lại những ghi chép xưa về nghề trồng bông dệt vải truyền thống.

Tương truyền, theo những ghi chép về lịch sử của làng Quảng Xá, nghề trồng bông dệt vải "du nhập" vào làng từ những năm cuối thế kỷ 18. Khi Quang Trung - Nguyễn Huệ dùng binh ra Bắc đại phá quân Thanh, nhiều người dân trong làng đã theo quân Tây Sơn và khi trở về mang theo nghề trồng bông dệt vải đặc trưng của miền Bắc.

Kể từ đó, trồng bông dệt vải trở thành một nghề phụ ổn định, vừa mang lại thu nhập cao, vừa tận dụng được nguồn nhân lực từ già trẻ lớn bé trong buổi nông nhàn. Nhưng, không phải vì vậy mà người trồng bông dệt vải Quảng Xá bớt vất vả, nhọc nhằn trong công việc. Mỗi tấc vải thấm đượm bao mồ hôi, nước mắt và niềm say mê, gắn bó với nghề.

Cụ Dương Viết Thủ, năm nay bước sang tuổi 76, là người có nhiều gắn bó với nghề truyền thống này của làng. Cụ không chỉ từng trực tiếp tham gia nhiều công đoạn dệt vải, mà sau này còn tìm hiểu, ghi chép nhiều tài liệu về nghề. Nguyên liệu bông được dân làng trồng trực tiếp trong vườn nhà mình, những ai thiếu có để đặt mua từ các chợ, chủ yếu ở chợ Ba Đồn (Quảng Trạch) hoặc các chợ miền trong.

Theo cụ Dương Viết Thủ, thông thường, bà con thường chọn ngày 5-5 âm lịch hàng năm để bắt đầu một mùa dệt vải mới. Bông sau khi lấy về, được nhặt sạch rác bẩn bám quanh vỏ bông, rồi đem tách múi và phơi nắng. Công đoạn phơi bông cũng lắm công phu, bởi đòi hỏi sự tập trung cao độ, tránh mưa, gió, bụi làm ảnh hưởng chất lượng của bông.

Bông phơi khô được đem vào cán, tách "bông ra đường bông, hạt ra đường hạt" và chuyển sang công đoạn "bắn bông" nhằm giúp cho bông được mịn đều. Người "bắn" ngồi giữa chiếu bông, sử dụng một cần dài đập bông cho đến khi bông thật mịn, dai, chắc. Đây là thời điểm tưng bừng nhất trong suốt giai đoạn làm bông thủ công, bởi khắp mọi nơi trong làng, nhà nhà đều vang tiếng đập bông rộn ràng.

Tiếp theo, bông được cuộn lại thành "con cúi", dài bằng đũa ăn cơm và để vào xa quay kéo thành sợi. Công đoạn này thường dành cho chị em phụ nữ khéo léo, kiên trì, đặc biệt người mẹ sẽ truyền cho con gái những kỹ năng thành thục khi ngồi vào bàn xa quay. Khi đã kéo đủ sợi thành những lọn cần dùng, người làm lại nhúng nước, đập ngâm trong từ 1 đến 2 ngày. Sau đó, sợi được đem vào hồ (dùng cơm nhão đổ lên và đạp kỹ), công việc chủ yếu dành cho đàn ông có sức khỏe và kỹ thuật cao. Sợi hồ xong được mang phơi trong nắng nhẹ, dâm mát. Những công đoạn cuối cùng là lọc sợi, trao co, xỏ khổ, đánh suốt... và ngồi dệt vải - công việc của các bà, các mẹ, các chị.

Sẽ hiếm có đứa trẻ nào đang vui chơi ở sân Đình làng Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh) biết được thôn mình từng có nghề dệt vải nức tiếng gần xa.
Sẽ hiếm có đứa trẻ nào đang vui chơi ở sân Đình làng Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh) biết được thôn mình từng có nghề dệt vải nức tiếng gần xa.

Hầu hết phụ nữ làng Quảng Xá thời đó đều biết dệt vải và dệt rất giỏi, cá biệt có trường hợp nhà nào không có nữ giới, thì đàn ông, thậm chí, cũng có thể ngồi ung dung dệt vải. Cụ Nguyễn Thị Mẫn (76 tuổi), cũng là một thợ dệt vải lành nghề từ năm 12 tuổi cho biết, cụ được truyền nghề từ chính cha mẹ, và đến lượt mình cụ lại trao cho con gái những "bí kíp" gia truyền của nghề.

Đến mùa dệt vải, các nữ tú thường tập trung lại tại một nhà lớn, thoáng mát để làm chung và cùng hát những bài ca Huế, dân ca Bình Trị Thiên. Vậy là, vừa dệt vải, vừa làm phong phú đời sống tinh thần của bà con, lại vừa tăng tình đoàn kết, gắn bó xóm giềng. Đây cũng chính là cái nôi sản sinh nhiều nghệ nhân văn hóa, văn nghệ nổi tiếng.

"Bàn tay kéo sợi dẻo dai
Đêm ngày, đêm ngày, ngày tháng...
Tiếng, tiếng, tiếng... thoi đưa
Đưa qua lại thoăn thoắt nhịp nhàng
Vải này nghĩa nặng tình sâu
May tấm áo em trao tặng chàng..."

(Lời ca Huế lưu truyền ở làng Quảng Xá)

Vải Quảng Xá có đặc điểm là chỉ giữ màu trắng, không sử dụng bất cứ phương pháp nhuộm nào và có kích thước nhỏ (chỉ khoảng 4 tấc tây). Nghề dệt vải mang lại nguồn lợi lớn cho bà con nơi đây. Theo cách tính của cụ Dương Viết Thủ, một lô bông được mua ở chợ với giá 5 chục đồng, có thể làm được 2 cây rưỡi vải. Mỗi cây vải có thể bán với giá 7 chục đồng. Vải Quảng Xá được tiêu thụ mạnh ở chợ Hôm, chợ Tréo, chợ Chè (Lệ Thủy), chợ Võ Xá (Quảng Ninh)...

Đến những năm sau chiến tranh, nghề dệt vải truyền thống chuyển mình theo xu thế thời đại: khung dệt nhỏ nhường bước cho khung dệt to, rồi khung dệt to đi vào dĩ vãng khi không "đọ" nổi sức mạnh của máy móc công nghệ hiện đại. Những người trồng bông dệt vải năm xưa cũng đã lên chức "lão làng", nhiều cụ đã về với ông bà tổ tiên, nghề truyền thống nay chỉ còn trong ký ức. Không còn gia đình nào giữ lại khung dệt thuở trước và thời gian lại thêm lần nữa lặng lẽ xóa đi "thương hiệu" nức danh: vải dệt Quảng Xá.

                                                                    Mai Nhân


                                             Kỳ 3: Ngát hương tinh dầu thơm Thái Thủy!
 




 

,
.
.
.