.

Nhìn lại 5 năm thực hiện thu hút cán bộ trí thức trẻ

Thứ Ba, 17/05/2016, 08:21 [GMT+7]

(QB ĐT) - Qua 5 năm thực hiện chính sách ưu đãi, khuyến khích của Chính phủ về việc thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn, kỹ thuật về công tác tại các xã thuộc huyện Minh Hóa cho thấy, đội ngũ cán bộ trí thức trẻ đã giúp các địa phương giải quyết những khó khăn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Tháng 3-2011, Sở Nội vụ đã tuyển chọn 46 cán bộ trí thức trẻ và giao cho huyện Minh Hóa tiếp nhận. Sau đó, huyện đã căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương, năng lực của người được tuyển bố trí về tham gia tổ công tác tại các xã (có 3 người không đến nhận việc). Đến tháng 8 - 2011 huyện tiếp tục tiếp nhận thêm 6 người, nâng tổng số cán bộ trí thức trẻ toàn huyện lên 49 người, nhưng trong quá trình làm việc đã có 4 người bỏ việc.

Nhìn chung, cán bộ trí thức trẻ được tuyển dụng và tăng cường đã chấp hành quyết định của UBND huyện về các xã đúng thời gian quy định. Những nơi có cán bộ trí thức trẻ tăng cường đang công tác đã được các cấp quan tâm, động viên họ thực hiện tốt nhiệm vụ. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ này đã yên tâm công tác, phối hợp chặt chẽ với địa phương, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Nhiều cán bộ trí thức trẻ đã vượt qua mọi khó khăn, tích cực thâm nhập và nắm bắt tình hình để có kế hoạch giúp địa phương khắc phục những hạn chế và định hướng phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Đồng thời, chủ động phối hợp với cán bộ, công chức ở huyện, xã trên từng lĩnh vực phụ trách để tham mưu cho lãnh đạo địa phương trong công tác quản lý nhà nước. Họ đã mạnh dạn đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao năng lực công tác; đưa ra các phương châm, giải pháp để đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.

Cán bộ trí thức trẻ huyện Minh Hóa đang hướng dẫn bà con sản xuất.
Cán bộ trí thức trẻ huyện Minh Hóa đang hướng dẫn bà con sản xuất.

Trên lĩnh vực kinh tế nông, lâm nghiệp, cán bộ trí thức trẻ tăng cường đã giúp địa phương có những sáng kiến tích cực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất gắn với dịch vụ và thị trường. Qua đó, giúp nhân dân phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp như phát triển kinh tế vùng gò đồi, kết hợp trồng trọt, chăn nuôi và phát triển kinh tế vườn rừng; tích cực hướng dẫn nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh, phát triển các cây trồng chủ lực như cây lúa, ngô, lạc,... từng bước xây dựng bộ giống và cải tiến quy trình sản xuất.

Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác cũ, quy hoạch vùng và thực nghiệm các giống cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân trong việc chăm sóc và bảo vệ mùa màng nên năng suất, sản lượng lương thực, thực phẩm trên địa bàn tăng lên qua các năm.

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, cán bộ trí thức trẻ tăng cường đã tích cực phối hợp với Đoàn Thanh niên, công chức văn hóa - xã hội xây dựng và tổ chức nhiều phong trào văn hóa, thể dục, thể thao ở cơ sở; tuyên truyền cho thanh niên nâng cao nhận thức về pháp luật; vận động con em đồng bào dân tộc đến trường; vận động nhân dân làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện kế hoạch hóa gia đình; thực hiện phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được thì quá trình công tác của cán bộ trí thức trẻ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Bởi đa số cán bộ trí thức trẻ tăng cường về các xã đều còn trẻ, kinh nghiệm công tác chưa nhiều nên còn lúng túng, bị động trong việc thực hiện nhiệm vụ. Có những cán bộ không nói, hiểu được ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số, công tác phối hợp với các đồng nghiệp trong việc tham mưu, đề xuất giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã chưa được thường xuyên. Nhiều người dân nơi cán bộ trí thức trẻ công tác còn mang tính trông chờ, ỷ lại nên kết quả sản xuất chưa cao, ảnh hưởng đến công việc của cán bộ tăng cường...

Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trên là do lãnh đạo một số đơn vị chưa thật sự tạo điều kiện để cán bộ trí thức trẻ thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, các địa phương có cán bộ trí thức trẻ về công tác có dân cư sống thưa thớt, trình độ dân trí thấp, địa bàn bị chia cắt, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên rất khó khăn trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách đầu tư của Nhà nước đối với các xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn ít, việc lồng ghép các chương trình 134, 135 và Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ chưa đồng bộ...

Mặc dù còn những hạn chế nói trên, nhưng có thể khẳng định, qua 5 năm công tác trên địa bàn huyện Minh Hóa, các cán bộ trí thức trẻ đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Qua đó đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững cho những năm tiếp theo...

Ông Đinh Thanh Sơn, Trưởng phòng Nội vụ huyện Minh Hóa cho biết: “Nhìn chung, những đóng góp của đội ngũ cán bộ trí thức trẻ cho huyện là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đến đầu tháng 3 năm 2016 có 36 người đã bị cắt hợp đồng vì quá tuổi. Rất mong Nhà nước tiếp tục có những chính sách để sử dụng lại đội ngũ này”...

Xuân Vương

 

D