.

"Sách giáo khoa Việt Nam có nhiều biểu hiện bất bình đẳng giới"

Thứ Sáu, 01/04/2016, 11:51 [GMT+7]

“Sách giáo khoa giáo dục phổ thông Việt Nam có rất nhiều biểu hiện về định kiến giới, bất bình đẳng giới. Đa số các nhân vật trong sách là nam giới, nữ giới rất ít. Đặc biệt là sự phân chia nghề nghiệp rất rõ. Nam giới chủ yếu là là nhân vật có vị trí, địa vị xã hội uy tín như giáo sư, bác sỹ, nhà khoa học, anh hùng hay công an, bộ đội, trong khi phụ nữ phần lớn làm việc chăn nuôi, nội trợ, giáo viên mẫu giáo, tiểu học…”

Tranh minh họa trong sách Tự nhiên và xã hội lớp 1 dường như cho thấy nam giới gắn với các nghề có vị trí xã hội cao hơn nữ giới. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Tranh minh họa trong sách Tự nhiên và xã hội lớp 1 dường như cho thấy nam giới gắn với các nghề có vị trí xã hội cao hơn nữ giới. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Đó là nhận định của giáo sư Hoàng Bá Thịnh, đại diện Ban đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ  thông, khi chia sẻ với báo chí tại buổi họp báo tổ chức hôm 31/3 về Dự án Sáng kiến bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái tại Việt Nam: Trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ vì một xã hội công bằng hơn.

Trẻ em nghịch đều gắn với bé trai?

Theo nội dung dự án, việc giáo dục về định kiến giới sẽ được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiên cứu lồng ghép vào các nội dung chương trình giảng dạy và sách giáo khoa mới.

Để phục vụ việc xây dựng nội dung, các chuyên gia đã tiến hành khảo sát sách giáo khoa với ba cuốn là sách Tự nhiên và khoa học lớp 1, Giáo dục công dân lớp 6 và Giáo dục công dân lớp 10.

“Việc rà soát đã khiến chúng tôi rất bất ngờ vì đến 50% nội dung, hình ảnh sách Tự nhiên và Khoa học lớp 1 có biểu hiện định kiến giới, nhất là về vị trí xã hội,” ông Thịnh chia sẻ.

Cụ thể, sách có rất nhiều biểu hiện khuôn mẫu giới về vai trò trong xã hội như những việc nội trợ trong gia đình đi chợ, làm vườn, chăm em đều gắn với hình ảnh nữ là mẹ và bé gái. Ngược lại, các nội dung liên quan đến hoạt động vui chơi, giao lưu bên ngoài xã hội đều gắn với hình ảnh nam giới.

Bên cạnh đó, những tranh minh họa cho hành vi sai lệch xã hội như trẻ em chơi nghịch, vi phạm giao thông đều gắn với bé trai.

“Sách dành cho trẻ lớp một chủ yếu là hình ảnh. Các em chưa biết chữ nên những ấn tượng lớn nhất với trẻ cũng chính là hình ảnh.

Vì thế, việc hình ảnh trong sách mang nặng tính định kiến giới sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ,” ông Thịnh nói.

Cũng theo ông Thịnh, định kiến giới còn thể hiện ở rất nhiều nội dung trong các sách giáo khoa khác. Ví dụ, trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, sách giáo khoa có đến hai đoạn trích nói về Kiều than thân trách phận. Các câu ca dao về thân phận phụ nữ cũng rất nhiều.

 Trong sách giáo khoa, hình ảnh vui chơi bên ngoài thường gắn với các bé trai. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Trong sách giáo khoa, hình ảnh vui chơi bên ngoài thường gắn với các bé trai. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Sẽ thay đổi trong sách giáo khoa mới?

Một trong những nội dung quan trọng của Dự án Sáng kiến bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái tại Việt Nam: Trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ vì một xã hội công bằng hơn do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp thực hiện cùng UNESCO Việt Nam là sẽ xây dựng chương trình để đưa giáo dục bình đẳng giới vào sách giáo khoa mới.

Ông Thịnh cho biết, các đề xuất được đưa ra với chương trình, sách giáo khoa mới nhằm hạn chế những tồn tại về định kiến giới hiện nay.

Cụ thể, các hình ảnh minh họa nên thay đổi. Trong sách giáo khoa lớp 1 không chỉ có hình ảnh cô giáo mà cần cả hình ảnh thầy giáo. Trong các tranh về học sinh cũng cần cân bằng bé trai, bé gái.

Trong cách chương trình lớp lớn, cần bớt những nội dung về thân phận đen tối, thấp kém của người phụ. “Tất nhiên đó là hiện thực trong xã hội cũ, nhưng theo tôi nên giảm bớt những nội dung này.

Có thế thay một đoạn trích than thân bằng đoạn Kiều xử án, thêm những câu ca dao đề cao người phụ nữ,” ông Thịnh kiến nghị.

Theo ông Thịnh, nếu những kiến nghị này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý thì chắc chắn sẽ có thay đổi trong chương trình, sách giáo khoa mới.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho rằng từ việc Bộ đồng ý đến việc những người biên soạn sách nắm được tinh thần này, thể hiện được trong chương trình, sách giáo khoa và người giáo viên truyền tải được những nội dung đó đến học sinh là cả chặng đường dài.

“Sách được thay đổi là tốt nhưng chưa đủ, quan trọng hơn là những người thực hiện nó. Quan trọng nhất là người giáo viên dạy cho học trò cần biết phương pháp lồng ghép vấn đề định kiến giới như gợi vấn đề cho các em thảo luận liện, hệ với bản thân, gia đình, làng xóm,” ông Thịnh nói.

Đây cũng là băn khoăn của bà Trần Thị Phương Nhung, Giám đốc chương trình về giới của UNESCO tại Việt Nam.

“Khi chúng tôi tiếp xúc với các giáo viên, bản thân họ cũng nghĩ phụ nữ chỉ làm việc nhỏ, việc gia đình, đàn ông mới lo việc lớn. Hay người phụ trách mỹ thuật của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng cho biết khi vẽ tranh trẻ vui chơi, anh hay nghĩ đến vẽ bé trai. Với văn hóa nho giáo trọng nam khinh nữ đã ăn sâu từ nghìn năm, nhiều người có định kiến về giới mà không biết,” bà Nhung chia sẻ.

Vì thế, theo bà Nhung, để thay đổi định kiến về giới là vấn đề không đơn giản./.

Theo Phạm Mai (Vietnam+)