.

Những thầy giáo và một thời hoa lửa

Thứ Bảy, 02/01/2016, 14:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong chiến công chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, có một phần đóng góp không nhỏ của lực lượng thanh niên xung phong Quảng Bình. Trong số này có những người mang sứ mệnh đặc biệt, đó là những thầy giáo - chiến sĩ với nhiệm vụ dạy văn hoá cho lực lượng thanh niên xung phong đang bám trụ trên những cung đường, trọng điểm ác liệt của vùng đất được mệnh danh là "tuyến lửa" ngày ấy...

Năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, Ty Giáo dục Quảng Bình đã điều động 55 giáo viên tham gia lực lượng thanh niên xung phong (TNXP). Mùa thu năm 1965, khi năm học mới bắt đầu, họ giã từ gia đình, trường lớp và các em học sinh để lên đường.

Thầy giáo Bùi Ngọc Khiểu (Vạn Ninh, Quảng Ninh) bồi hồi nhớ lại: “Buổi chia tay được tổ chức tại một phòng học ở xã Vạn Ninh (Quảng Ninh), là nơi sơ tán của Ty Giáo dục lúc bấy giờ. Sau những lời chúc sức khoẻ và bình an, đồng chí Trưởng Ty Giáo dục ân cần dặn dò: Cho dù ở môi trường và lĩnh vực nào, mình cũng phải luôn thể hiện phẩm chất nhà giáo! Mang theo lời căn dặn ấy, chúng tôi khoác ba lô lên đường”.

Họ được chia thành ba đoàn. Đoàn thứ nhất về Công trường 16, tập kết tại Làng Ho (Lệ Thuỷ), là điểm đóng quân của đội TNXP 71; đoàn thứ hai ở Khe Gát (Bố Trạch), nơi có công trường 151 với đội TNXP 73, cách Binh trạm 12 khoảng 70km; đoàn thứ ba tập kết tại ngã ba Pheo (Tuyên Hoá), nơi đóng quân của công trường 152 với đội TNXP 75, cách Binh trạm 12 khoảng 30km. Đây là những điểm nút giao thông mà giặc Mỹ điên cuồng đánh phá ác liệt. Sau hai đêm hành quân, họ có mặt tại điểm tập kết và nhanh chóng bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ.

Công việc chủ yếu của họ là điều tra trình độ cơ bản, phân chia lớp học và trực tiếp giảng dạy văn hoá. Với đặc thù của lực lượng TNXP lúc bấy giờ có không ít người chỉ học hết cấp 1, thậm chí có người chưa biết chữ, nên giáo viên phân công nhau đảm nhiệm dạy từ vỡ lòng đến lớp 7. Dạy học ở chiến trường cái gì cũng thiếu, từ lớp học, bàn ghế, sách vở, bút mực, thời gian và cả ánh sáng... Nhưng với nhiệt huyết và lòng tận tâm của những nhà giáo, họ đã tranh thủ mọi khoảnh khắc bình yên, xây dựng nên những lớp học sôi nổi ngay giữa rừng, bên miệng hố bom... Có những khi đang miệt mài với những bài văn hay, phép tính khó... nhưng nhận được tín hiệu tắc đường, trong khoảnh khắc cả thầy giáo và học sinh đều trở thành chiến sĩ. Mọi người nhanh chóng chia nhau ra hiện trường san lấp hố bom để thông đường, thông tuyến; hay sẵn sàng trong đội hình vận tải lương thực và cáng thương binh về tuyến sau an toàn.

Gian nan là thế, nhưng những lớp học nơi đây vẫn được tổ chức thi cử khá quy củ. Hàng năm bên cạnh việc kiểm tra, đánh giá cho lên lớp, các kỳ thi học sinh giỏi lớp 4, lớp 6 và lớp 7 thường xuyên được tổ chức. Từ năm 1965 đến 1967, đã có nhiều học viên tham gia thi tốt nghiệp theo đề chung của Ty Giáo dục và được cấp bằng. Không khí thi đua học tập hăng say và sôi nổi không thua lớp học chính quy nào. Và sau này nhiều người đã trưởng thành, vào các trường đại học hay được cử đi học nước ngoài cũng nhờ vào những lớp học giữa đại ngàn Trường Sơn năm ấy...

Đồng chí Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở GD-ĐT tặng hoa chúc mừng thầy giáo Dương Văn Thiện, đại diện thế hệ nhà giáo-TNXP những năm đánh Mỹ tại buổi gặp mặt sau nửa thế kỷ.
Đồng chí Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở GD-ĐT tặng hoa chúc mừng thầy giáo Dương Văn Thiện, đại diện thế hệ nhà giáo-TNXP những năm đánh Mỹ tại buổi gặp mặt sau nửa thế kỷ.

Trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, 55 giáo viên đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Không chỉ là người thầy, họ đã cùng đồng đội tiếp lương tải đạn, thông đường cho xe qua. Nguy hiểm luôn cận kề nhưng những lớp học vẫn duy trì và phát triển.

Thầy giáo Dương Văn Thiện (sinh năm 1943), nguyên là Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục, hiện sống tại phường Hải Đình (thành phố Đồng Hới) tâm sự: Ngày ấy, mặc cho bom đạn và kẻ thù rình rập, cả thầy và trò đều bảo ban nhau nỗ lực để dạy tốt, học tốt. Có những học viên làm bài kiểm tra, chưa kịp trả bài đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Và trong số hơn 50 giáo viên ngày ấy, có hai thầy giáo đã anh dũng hy sinh trên cung đường 12A ác liệt. Đó là thầy Hồ Văn Huệ (quê Bắc Trạch, Bố Trạch) và Hoàng Đình Lộc (quê Quảng Trung, thị xã Ba Đồn). Nhiều thầy giáo bị thương, trong đó bản thân thầy Thiện cũng bị thương vào tay khi đang lên lớp... "Ngày đó biết mình là thầy giáo nên các y bác sỹ đã cố gắng hết sức để cứu bằng được ngón tay trỏ của mình không bị tháo khớp. Phải vật lộn gần 3 tháng trời trong điều kiện y tế hết sức khó khăn của cuộc chiến và cuối cùng các y bác sỹ đã bảo toàn được ngón tay nguyên vẹn cho thầy giáo trẻ..." - thầy Thiện xúc động kể.

Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, bây giờ, những thầy giáo - chiến sĩ năm xưa đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”. Cùng với hai thầy giáo đã hy sinh, có 17 người đã mất vì tuổi già sức yếu và ảnh hưởng của vết thương chiến tranh. 36 thành viên còn lại thỉnh thoảng gặp gỡ và ôn lại kỷ niệm những năm tháng thanh xuân nơi chiến trường lửa đạn. Họ làm thơ về những đồng đội đã ngã xuống, thăm hỏi những người gặp khó khăn trong cuộc sống hiện tại. Những bài thơ giản dị được chuyền tay nhau cùng đọc giữa rưng rưng nỗi niềm hoài niệm: “Thanh niên xung phong lên đường theo Đảng gọi/Trong gian nan chiến trường lửa khói/Vẫn tiếp tục hành trang của sự nghiệp trồng người/Lớp học đơn sơ rộn rã tiếng cười/Tín hiệu tắc đường, tất cả thành chiến sĩ...” (Ký ức thời gian của thầy giáo Bùi Ngọc Khiểu).

55 giáo viên tham gia lực lượng TNXP ngày ấy, người phục vụ lâu nhất là 6 năm, người nhanh nhất là 3 năm. Họ đã có mặt ở những trọng điểm ác liệt nhất của đường 12A, đường 20 Quyết Thắng. Họ để lại những năm tháng thanh xuân tươi đẹp nhất ở chiến trường với lý tưởng, hoài bão và tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. “Đó là những năm tháng không thể nào quên của chúng tôi, dù nửa thế kỷ đã trôi qua!”, thầy giáo Bùi Ngọc Khiểu xúc động tâm sự trong buổi gặp gỡ giáo viên tham gia lực lượng TNXP do Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức vào trung tuần tháng 11 vừa qua. Và trong ngày hội ngộ, dù tuổi cao sức yếu, nhưng trong lòng họ vẫn vẹn nguyên nhiệt huyết của những tháng năm tuổi trẻ và một thời hoa lửa.

Nội Hà