.

Cán bộ, giáo viên là nhân tố quyết định sự thành công của giáo dục và đào tạo

Thứ Sáu, 20/11/2015, 09:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Đồng chí Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quảng Bình.

- P.V: Thưa đồng chí, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Nền giáo dục cách mạng Việt Nam (1945-2015), đồng chí có thể nói đôi điều về ngành Giáo dục-Đào tạo tỉnh nhà?    

- Đồng chí Đoàn Đức Liêm: Tháng 11-1945, UBND cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Bình quyết định thành lập Ty bình dân học vụ - giáo dục Quảng Bình bắt đầu một trang sử mới. Dưới ách áp bức, đô hộ của chế độ phong kiến và thực dân, trên 95% dân số nước ta mù chữ. Hưởng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lớp học bình dân được mở khắp nơi từ miền xuôi, miền ngược, đồng bằng-trung du, đến vùng xa xôi hẻo lánh và hầu hết các tầng lớp nhân dân tích cực đi học. Đến cuối năm 1946 trên 6.000 người dân Quảng Bình đã biết đọc, biết viết.

Sau Cách mạng Tháng 8-1945, Ty cứu tế Quảng Bình mở một lớp dục anh tại Đồng Hới, đây là tiền đề để hình thành các lớp mầm non mẫu giáo sau này. Ngành tiểu học Quảng Bình được cải tổ từ các trường tiểu học trong chế độ thực dân cùng với việc hình thành nên nhiều trường tiểu học theo nguyên tắc đề cao tính dân tộc, dạy và học bằng tiếng Việt, đã tạo cơ hội cho công cuộc xóa mù chữ, nâng cao dân trí, từng bước tạo tiền đề cho việc hình thành cơ sở giáo dục trung học. Bắt đầu là Trường trung học Phan Bội Châu năm 1945, Trường trung học Hoàng Hoa Thám và Trường trung học tư thục Liên Việt năm 1949.

Tháng 7-1959, Ủy ban hành chính tỉnh quyết định thành lập Trường cấp 3 Quảng Bình và thực hiện hệ thống giáo dục thống nhất 3 cấp học 10 năm giáo dục phổ thông.

Tháng 2-1965, đế quốc Mỹ ném bom thị xã Đồng Hới, bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại toàn miền Bắc. Với vị trí là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam, là tuyến đầu của miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giáo dục Quảng Bình trải qua những năm tháng gian khổ, cam go khốc liệt của chiến tranh. Hầm hào vừa là trận địa, vừa là lớp học, thầy giáo vừa là giáo viên, vừa là chiến sĩ, tay bút, tay súng cùng quân và dân thực hiện thắng lợi mục tiêu học hay, đánh thắng, viết nên truyền thống quê hương Quảng Bình "Hai giỏi". Các thế hệ thanh, thiếu niên đã vững vàng trong lửa đạn, tiếp thu hoàn thiện tri thức khoa học, hoàn thành nhiệm vụ xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, giành giải học sinh giỏi quốc gia, đậu đạt vào các trường đại học, cao đẳng trong nước và ngoài nước. Nhưng cũng có nhiều người đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, giáo dục Quảng Bình hòa cùng với giáo dục Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế trong thời điểm thực hiện giáo dục thống nhất toàn quốc.

Năm 1989 khi trở lại địa giới hành chính cũ, tất cả tập trung cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển giáo dục Quảng Bình trong thời kỳ đổi mới. 26 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, giáo dục tỉnh nhà không ngừng được củng cố, phát triển về mọi mặt. Hệ thống giáo dục các cấp học, bậc học, ngành học được mở mang xây dựng lớn dần về số lượng và chuyển biến về chất lượng. Nhiệm vụ xóa mù chữ và phổ cập giáo dục được duy trì, củng cố vững chắc; giáo dục chuyên biệt, giáo dục chất lượng cao được chú trọng; đội ngũ nhà giáo không ngừng lớn mạnh về mọi mặt; cơ sở vật chất từng bước xây dựng theo hướng hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo.

Trong lịch sử phát triển, giáo dục Quảng Bình được Đảng và Nhà nước ghi nhận, khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1969, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1996, Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2015 vì những đóng góp to lớn của giáo dục - đào tạo Quảng Bình cho sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đồng chí Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo trao cờ thi đua xuất sắc năm học 2014-2015 cho 2 tập thể là Trường THCS Đồng Phú (TP.Đồng Hới) và Trường THPT Lương Thế Vinh (TX.Ba Đồn).
Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đồng chí Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo trao cờ thi đua xuất sắc năm học 2014-2015 cho 2 tập thể là Trường THCS Đồng Phú (TP.Đồng Hới) và Trường THPT Lương Thế Vinh (TX.Ba Đồn).

- P.V: Qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, giáo dục - đào tạo Quảng Bình đã đúc kết được những kinh nghiệm và bài học quý báu nào thưa đồng chí?

- Đồng chí Đoàn Đức Liêm: Đó là bài học về việc nắm vững đường lối giáo dục của Đảng, nắm vững chủ trương nhiệm vụ của ngành, vận dụng sáng tạo vào thực tế địa phương, xác định bước đi và giải pháp cụ thể trong thực hiện với một tinh thần phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn làm tốt nhiệm vụ. Những thực tế sáng tạo: đèn phòng không, lớp học nhà hầm, giảng dạy theo hướng tinh giản vững chắc... là những biểu hiện sinh động của sự sáng tạo và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của thời kỳ chống Mỹ. Chủ động nắm thời cơ, sáng tạo, mạnh dạn, say mê trong nghiên cứu khoa học, vận dụng phương pháp dạy học mới là biểu hiện của tinh thần, ý chí của giáo viên, học sinh, sinh viên trong thời kỳ đổi mới. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào giáo dục Quảng Bình vẫn thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”.

Đó là bài học về tính xã hội và tính nhân dân của giáo dục. Việc quán triệt và cụ thể hóa chủ trương đường lối, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện mục tiêu giáo dục ở từng giai đoạn phải được thực hiện đồng bộ và hài hòa trong cả hệ thống, đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo toàn diện của Đảng và quản lý điều hành của Nhà nước, sự chăm lo của toàn xã hội.

Thực tiễn 70 năm cho chúng ta nhận thức đúng đắn rằng toàn bộ sự nghiệp giáo dục đều phải được cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo mới tạo được sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động. Nếu không có sự lãnh đạo thống nhất của cấp ủy Đảng, cụ thể hóa và chỉ đạo sâu sát của chính quyền các cấp, sự chăm lo của xã hội thì trường học ở Quảng Bình không thể tiến hành dạy và học trong chiến tranh ác liệt, khó có thể chuyển hàng ngàn học sinh cấp III, sinh viên sư phạm đến các địa phương ít ác liệt hơn, khó có thể huy động  sức mạnh của nhân dân chung tay xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục. Và hiện nay chúng ta đang quán triệt phương châm mở rộng xã hội hóa để phát triển giáo dục và đào tạo - là hướng đi tất yếu của giáo dục của nhân dân, do nhân dân. Thành quả của giáo dục Quảng Bình 70 năm qua, càng khẳng định bài học thực tế sinh động “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Bên cạnh những yếu tố nói trên là sự phát huy yếu tố nội lực, yếu tố từ chính bản thân chủ thể trực tiếp của giáo dục - đào tạo, là các hội đồng sư phạm, hội cha mẹ học sinh, hội đồng trường, các tổ chức và cá nhân thầy cô giáo và học sinh. Sự đoàn kết nhất trí, tinh thần vươn lên trong việc dạy và học, tinh thần vượt khó và ý thức chấp hành tổ chức, ý thức kỷ luật cùng với các yếu tố từ sự lãnh đạo, chỉ đạo đã xây dựng hệ thống giáo dục Quảng Bình vững chắc, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi điều kiện và hoàn cảnh.        

- P.V: Con người là nhân tố quyết định thành bại trong mọi công việc, ngành Giáo dục-Đào tạo cũng không ngoại lệ. Theo đồng chí, điều cần quan tâm nhất đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên của ngành Giáo dục- Đào tạo Quảng Bình là gì ?

- Đồng chí Đoàn Đức Liêm: Chăm lo đội ngũ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên là nhiệm vụ xuyên suốt và quan trọng. Cán bộ, giáo viên là nhân tố quyết định sự thành công của giáo dục và đào tạo.

Đội ngũ nhà giáo phải được xây dựng đủ về số lượng, cơ cấu đồng bộ về ngành nghề và môn học, trình độ năng lực và phẩm chất đạo đức, được bồi dưỡng thường xuyên, điều kiện làm việc và sinh sống được chăm lo cải thiện. Chúng ta đã chỉ đạo xây dựng đội ngũ theo hướng đó và cố gắng để công tác xây dựng đội ngũ luôn đi trước một bước trong kế hoạch phát triển, là tiền đề cho phát triển. Bên cạnh năng lực chuyên môn giảng dạy, cán bộ, giáo viên cần phải có năng lực vận động quần chúng, có quan hệ mật thiết với nhân dân, phải thể hiện “kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, phải xây dựng các tập thể sư phạm ở các trường học đoàn kết nhất trí, hăng hái thi đua dạy tốt, trong đó hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chính.

Phải chú ý sắp xếp hợp lý công việc cho từng giáo viên, động viên giáo viên phấn đấu vươn lên về mọi mặt, bố trí công việc và thực hiện chính sách hợp lý đối với giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đặc biệt; quan tâm đến từng trường hợp cụ thể, tạo lập môi trường thi đua sôi nổi, liên tục. Cũng như hiện nay trước yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ nhà giáo; yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, đổi mới phương pháp giáo dục để nâng cao chất lượng dạy và học, tạo ra sự hấp dẫn của giáo dục, tạo ra động lực để giáo dục phát huy tiềm năng, càng khẳng định vị trí quan trọng của công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.

- P.V: Xin cảm ơn đồng chí !

Nội Hà (thực hiện)