.

Gặp những nhà giáo đạt giải cao tại hội thi giáo viên dạy nghề toàn quốc 2015

Thứ Năm, 12/11/2015, 09:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Vừa qua, ở tỉnh ta có hai nhà giáo đạt giải cao tại hội thi giáo viên dạy nghề toàn quốc năm 2015. Đó là nhà giáo Trương Vĩnh Tuấn, Trưởng khoa Điện, Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình đạt giải nhì; nhà giáo Trần Thị Phương Thảo, giáo viên Trường trung cấp kỹ thuật Công Nông nghiệp Quảng Bình giành giải ba. Lần đầu tiên, lĩnh vực dạy nghề tỉnh ta có giáo viên đạt giải cao tại hội thi dạy nghề toàn quốc được tổ chức 3 năm một lần.
 

Thầy giáo Trương Vĩnh Tuấn.
Thầy giáo Trương Vĩnh Tuấn.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là thầy giáo Trương Vĩnh Tuấn. Lớn lên trên quê hương Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, năm 2001, thầy giáo Trương Vĩnh Tuấn tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Tại mái trường danh tiếng này, người sinh viên hiếu học Trương Vĩnh Tuấn đã có những năm tháng đầy ắp kỷ niệm khi được cùng các thầy giáo của trường trau dồi tay nghề tại các nhà máy, xí nghiệp hiện đại của thủ đô Hà Nội. Quá trình đó đã là môi trường cho Trương Vĩnh Tuấn có điều kiện để trở thành một kỹ sư giỏi.

Năm 2007, Trương Vĩnh Tuấn trở về quê hương làm công tác giảng dạy tại Trường trung cấp Nghề Quảng Bình. Trăn trở của anh là làm sao để phấn đấu trở thành giáo viên dạy nghề giàu kinh nghiệm. Bởi giáo viên dạy nghề vừa có kỹ năng sư phạm vừa kỹ năng nghề cao. Đây là sự gắn kết hài hòa giữa thầy và thợ, giữa lý thuyết và thực hành. Và với quá trình phấn đấu không biết mệt mỏi của mình, anh Trương Vĩnh Tuấn đã thực hiện được ước mơ ngày nào là trở thành một giảng viên dạy nghề giỏi. Hiện anh là Trưởng khoa Điện, Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình.

Trao đổi với chúng tôi về cảm xúc khi tham dự hội thi giáo viên dạy nghề toàn quốc năm 2015, Trương Vĩnh Tuấn cho hay: "Tôi rất vinh dự và hạnh phúc khi được đại diện cho Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình tham gia cuộc thi gồm trên 236 giáo viên dạy nghề tiêu biểu toàn quốc. Ban giám khảo gồm những chuyên gia, nhà giáo hàng đầu đang công tác tại các trường đại học sư phạm kỹ thuật, hoặc các trường dạy nghề danh tiếng trong toàn quốc. Cảm giác đầu tiên khi bước vào hội thi là hồi hộp. Tuy nhiên sau khi thực hiện xong bài giảng, tôi rất tự tin. Tôi đã thực hiện bài giảng với tất cả tâm huyết và những kinh nghiệm có được trong quá trình giảng dạy, kết quả đạt 18,5 điểm.

Nhà giáo Trương Vĩnh Tuấn tâm sự: Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình luôn quan tâm đến việc làm sau khi sinh viên ra trường. Vấn đề dạy theo yêu cầu xã hội đã đặt ra từ nhiều năm nay của trường. Vì vậy sau khi tốt nghiệp, học sinh, sinh viên của trường phần lớn tìm được việc làm với mức thu nhập ổn định.

Người giáo viên thứ hai mà chúng tôi có cuộc trò chuyện sau hội thi giáo viên dạy nghề toàn quốc là cô giáo Trần Thị Phương Thảo, giáo viên nghề Lâm sinh, Trường trung cấp kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình. Năm 2015, được xem là năm cô giáo Thảo gặt hái được rất nhiều giải thưởng: Giải nhất hội thi giáo viên dạy nghề giỏi toàn tỉnh; giải nhì giáo viên trung cấp chuyên nghiệp toàn quốc; giải ba hội thi giáo viên dạy nghề toàn quốc.

 Cô giáo Trần Thị Phương Thảo.
Cô giáo Trần Thị Phương Thảo.

Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Nông nghiệp Huế, trước khi bước vào nghề nhà giáo, cô giáo Thảo đã có 3 năm công tác ở Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình. Đây là năm tháng cô kỹ sư Trần Thị Phương Thảo có điều kiện tiếp cận với thực tiễn sôi động của cuộc sống. Được làm việc ở phòng khoa học kỹ thuật công ty, cô Thảo thường xuyên đến với những khu rừng nguyên sinh, những thắng cảnh của quê hương, đặc biệt là Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng. Chính thực tiễn phong phú đó cùng khả năng sư phạm bẩm sinh đã giúp cô giáo Thảo nhiều thành công khi giảng bài cho học sinh.

Tại hội thi giáo viên dạy nghề toàn quốc 2015 tổ chức ở Đà Nẵng, cô giáo Thảo được giảng đề tài: “Nhân giống thông nhựa KGB bằng phương pháp ghép”. Bài giảng của cô Thảo được Ban giám khảo đánh giá cao.  Trong suốt quá trình giảng dạy, thông qua các bài giảng cô giáo Thảo đã truyền ngọn lửa yêu thiên nhiên cho bao thế hệ học sinh, sinh viên. Riêng với cây thông- một đề tài luôn tạo cảm hứng ở những bài giảng của cô.

“Cây thông có một ý nghĩa đặc biệt ở các di tích danh thắng cả nước nói chung, Quảng Bình nói riêng. Ngoài giá trị cao về kinh tế, cây thông mang nhiều lợi ích tạo cảnh quan tươi đẹp, không khí trong lành. Cây thông còn có ý nghĩa tâm linh ở những khu di tích danh thắng, đền, đài, miếu, khu đền thờ. Thông có sức sống mãnh liệt, có thể phát triển tốt ở những khu đất đồi núi đã bạc màu trong những điều kiện khí hậu khắc nghiệt...”, cô giáo Thảo chia sẻ.

Điều đang được cô giáo Thảo quan tâm là làm sao để ngày càng có nhiều hơn học sinh tham gia học nghề. Trong rất nhiều ngành nghề thì những nghề liên quan đến phát triển lâm, nông, ngư nghiệp, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng là rất cần thiết với tình hình thực tiễn tỉnh ta. Vì thế, ngay tại các trường trung học phổ thông, cần làm tốt công tác phân luồng sớm. Có như vậy đỡ lãng phí cho gia đình và xã hội. Bởi thực tế đã và đang diễn ra là nhiều sinh viên sau khi đã tốt nghiệp đại học lại quay trở lại học trường nghề.

Gặp những giáo viên dạy nghề đạt giải cao tại hội thi giáo viên dạy nghề toàn quốc năm 2015, chúng tôi càng hy vọng hơn tới tiến bộ mới trong phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Học đi đôi với giải quyết việc làm” của đội ngũ giáo viên dạy nghề tỉnh ta .

Phan Hòa