.

Ghi nhận từ phong trào thi đua "Giỏi việc trường, đảm việc nhà"

Thứ Ba, 21/07/2015, 09:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã cụ thể hóa thành phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”. Phong trào đã được đội ngũ nữ nhà giáo tỉnh ta hưởng ứng tích cực, ngày càng lan tỏa sâu rộng, khẳng định vai trò to lớn của phụ nữ ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) trong cả hai vai: việc nước và việc nhà...                 

Ngành GD-ĐT hiện có 14.863 nữ, chiếm tỷ lệ 77,58% tổng số lao động của ngành và đảng viên nữ là 7.750/10.565 (73,36%). Trong 5 năm qua, phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” (GVT-ĐVN) đã có tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD-ĐT. Phong trào GVT-ĐVN đã gắn thiên chức của người phụ nữ với đặc trưng cao quý của nghề dạy học. Từ phong trào này nhiều chị em đã tiến bộ vượt bậc trong giảng dạy và quản lý. Hàng năm có trên 90% nữ nhà giáo đạt danh hiệu GVT-ĐVN, trên 95% gia đình nữ nhà giáo đạt Gia đình văn hóa.

Phong trào GVT-ĐVN được lồng ghép với các các phong trào thi đua "Hai tốt", "Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng tiến bộ, hạnh phúc"; "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", các cuộc vận động "Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm", "Hai không", "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo"... đã tạo cơ hội cho nữ nhà giáo có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả trong đổi mới và nâng cao chất lượng GD-ĐT tỉnh nhà. Tiêu biểu các chị ở khối giáo dục mầm non đã tự làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Số lượng sản phẩm do trí tuệ và bàn tay khéo léo cùng với tâm huyết nghề nghiệp của các cô đã góp phần đáng kể làm tăng trưởng trang thiết bị, đồ dùng dạy học trong các trường mầm non, phần nào đáp ứng yêu cầu đổi mới chăm sóc giáo dục trẻ thơ. Trong 5 năm qua, toàn ngành có gần 300 nghìn đồ dùng dạy học được làm mới, trị giá khoảng 10 tỷ đồng.

Chị em khối giáo dục phổ thông cũng đã có hàng nghìn tiết dạy tốt, hàng trăm sáng kiến kinh nghiệm có giá trị về các mặt như: nâng cao chất lượng dạy và học; đổi mới phương pháp giảng dạy; dạy học theo chủ đề tích hợp, vận dụng kiến thức liên môn đánh giá học sinh; bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, kém; giáo dục đạo đức cho học sinh; công tác chủ nhiệm lớp, kinh nghiệm về duy trì sĩ số... Công tác nghiên cứu khoa học, thi đua dạy tốt, hướng dẫn sinh viên thực tập và tạo sân chơi lành mạnh để giáo dục nữ sinh... cũng được chị em các trường trung cấp chuyên nghiệp quan tâm thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt đó là sự đóng góp to lớn của đội ngũ nữ nhà giáo, lao động đang công tác tại địa bàn miền núi, rẻo cao, biên giới và đội ngũ nữ nhân viên, cô nuôi ở các trường mầm non... Dù còn nhiều thiệt thòi về quyền lợi nhưng các chị vẫn bám trường, bám lớp, yêu nghề, mến trẻ và đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp “trồng người”.

Đồng chí Đoàn Đức Liêm, Tỉnh ủy viên , Giám đốc Sở GD-ĐT trao tặng giấy khen cho các nữ nhà giáo có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua

Phong trào GVT-ĐVN đã thực sự là cầu nối để chị em trưởng thành. Trong đó, đội ngũ nữ cán bộ quản lý giáo dục các cấp phát triển cả về số lượng và chất lượng. Toàn ngành hiện có 847/1.489 nữ cán bộ quản lý; 896 chi ủy viên, đảng ủy viên; 283 bí thư chi bộ, đảng bộ là nữ. Các chị đã phát huy được năng lực, nêu cao vai trò trách nhiệm lãnh đạo đơn vị đạt hiệu quả cao. Cũng từ phong trào này tỷ lệ nữ nhà giáo đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp ngày càng tăng. Trong 5 năm qua đã có hàng nghìn nữ cán bộ nhà giáo đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Có 2/4 chị đạt giải nhì và giải ba tại hội thi Giáo viên dạy giỏi trung cấp chuyên nghiệp toàn quốc. Đa số các chị tham gia các cuộc thi cấp quốc gia đều đạt giải cao, như cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp, thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho giáo viên trung học; 12 chị đạt giải trong cuộc thi nữ giáo viên sáng tạo và đoàn Quảng Bình đã giành giải nhất...

Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, nữ nhà giáo luôn đảm đang trong công việc gia đình. Xác định rõ tầm quan trọng của gia đình và đặc biệt là vai trò của người phụ nữ đối với gia đình, các nữ giáo viên đã thực hiện tốt thiên chức của người con, người vợ, người mẹ... Ngoài công việc ở trường các chị luôn dành thời gian quan tâm, chăm lo đời sống về mọi mặt cho từng thành viên, dạy dỗ con biết tránh xa các tệ nạn xã hội... Nhờ vậy phần lớn các con của nữ nhà giáo đều chăm ngoan, học giỏi, đỗ đạt và trưởng thành.

Không chỉ chăm lo cuộc sống gia đình mình, các chị còn tích cực trong các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa. Trong nhiều năm qua, chị em ngành Giáo dục luôn sẻ chia với mọi người khi khó khăn, hoạn nạn hoặc đóng góp ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, “Nạn nhân chất độc da cam”, “Ủng hộ đồng bào bị lũ lụt”, “Ủng hộ giáo dục miền núi”, “Vì Trường Sa thân yêu”, “Vì biên giới, hải đảo”, “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, “Tình thương đồng nghiệp”, “Mái ấm công đoàn” ... và đặc biệt là hưởng ứng tích cực các cuộc vận động ủng hộ giáo dục miền núi, vùng khó khăn như ủng hộ sách vở, áo quần, đồ dùng học tập, tiền... Tổng số tiền phụ nữ toàn ngành đóng góp cho các hoạt động nói trên trong 5 năm qua hơn 2 tỷ đồng.

Qua phong trào thi đua GVT-ĐVN đã xuất hiện nhiều tập thể tiêu biểu như Trường tiểu học Mỹ Thủy (Lệ Thủy); Trường THPT Ninh Châu, Đào Duy Từ; Trường mầm non Hoa Sen (Quảng Ninh); Trường tiểu học Nghĩa Ninh (Đồng Hới); Trường tiểu học Trung Trạch (Bố Trạch); Trường mầm non Ba Đồn, tiểu học Quảng Thuận (TX Ba Đồn); Trường tiểu học Thanh Thủy (Tuyên Hóa); Trường THCS Yên Hóa, tiểu học thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa),... Nhiều nữ nhà giáo, cán bộ quản lý là những tấm gương sáng trong phong trào thi đua như chị Võ Thị Loan, Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Thuỷ (Lệ Thuỷ); chị Nguyễn Thị Hồng Mai, Nhà giáo ưu tú Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Hóa (Tuyên Hóa); chị Cao Thị Hồng Thanh, Hiệu trưởng Trường mầm non số 2 Trọng Hóa (Minh Hóa); chị Nguyễn Thị Tố Lan, Giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Quảng Xuân (Quảng Trạch)...

Thầy giáo Nguyễn Tất Thiện, Chủ tịch Công đoàn ngành cho biết: Ngành vừa tổng kết 5 năm phong trào thi đua GVT-ĐVN giai đoạn 2010-2015. Toàn tỉnh có trên 95% gia đình nữ nhà giáo đạt Gia đình văn hóa; 95,5% nữ nhà giáo đạt danh hiệu GVT-ĐVN; có 1 tập thể và 1 cá nhân được Công đoàn Giáo dục Việt Nam (CĐGDVN) tặng bằng khen; có 35 chị được CĐGDVN cấp giấy chứng nhận GVT-ĐVN; có 105 chị được Giám đốc Sở GD-ĐT tặng giấy khen; 27 tập thể được CĐGD Quảng Bình tặng giấy khen; 548 chị được Sở và Công đoàn ngành cấp giấy chứng nhận GVT-ĐVN. Thời gian tới, Công đoàn ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt phong trào GVT-ĐVN, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục-đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới của sự nghiệp GD-ĐT hiện nay cũng như việc củng cố, xây dựng gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Nội Hà