.
Chào mừng Hội nghị điển hình tiên tiến ngành Giáo dục- Đào tạo Quảng Bình giai đoạn 2010-2015 và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba

Chuyện về một người thầy

Thứ Năm, 14/05/2015, 15:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Mấy chục năm đứng trên bục giảng, sau này là cán bộ quản lý, ở đâu, ông cũng là người khởi xướng những phong trào, mô hình độc đáo. Nhiệt thành và tâm huyết với nghề, yêu thương học sinh cùng chuyên môn vững, ông đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ở những mái trường ông gắn bó. Đó là thầy giáo Trần Ngọc An, Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Bố Trạch.

Dẫn chúng tôi đi dạo một vòng quanh ngôi trường với những dãy nhà mới khang trang, sân vườn xanh màu hoa lá, thầy giáo Trần Ngọc An tâm sự: Sinh ra và lớn lên trên quê hương Bố Trạch, sau khi ra trường, thầy lần lượt tham gia giảng dạy và làm công tác quản lý tại Trường cấp 2 -3 Cự Nẫm (sau này là THPT số 2 Bố Trạch). Năm học 2012 – 2013, thầy được phân công về làm Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Bố Trạch.

Thời điểm ấy, ngôi trường này còn rất nhiều khó khăn. Phòng học thiếu, nhà công vụ không có, giáo viên phải ở nhờ nhà dân, chất lượng giáo dục thấp, đặc biệt là tình trạng học sinh đánh nhau đã khiến cho nhiều thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh cảm thấy lo lắng. Trước ngổn ngang khó khăn ấy, ông lên kế hoạch và cùng tập thể cán bộ giáo viên giải quyết từng việc một.

Với suy nghĩ “an cư mới lạc nghiệp”, việc đầu tiên thầy giáo An làm là gặp chính quyền địa phương và Sở Giáo dục – Đào tạo xin đất, xin kinh phí để xây dựng nhà nội trú giáo viên. Nhà nội trú hoàn thành, gần 20 cán bộ giáo viên có nơi ăn chốn ở ổn định, yên tâm tập trung cho chuyên môn. Tiếp đó, trong những buổi chào cờ, ông tâm sự với các em học sinh về truyền thống “đất học” của quê hương, đặc biệt là những danh nhân, những con người xuất sắc đã sinh ra và lớn lên, đã thành đạt trong cuộc sống. Rồi ông động viên và tạo điều kiện cho giáo viên trong trường tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Ông cũng đích thân gặp gỡ các vị phụ huynh có con em học kém, đạo đức chưa tốt, những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn để trao đổi và giúp đỡ.

Thầy giáo Trần Ngọc An (áo trắng) đang trao đổi với thầy giáo cũ của mình về những bài văn hay của học sinh.
Thầy giáo Trần Ngọc An (áo trắng) đang trao đổi với thầy giáo cũ của mình về những bài văn hay của học sinh.

Với quyết tâm và những giải pháp đồng bộ đó, nếu năm học 2011 – 2012, toàn trường chỉ có 6 học sinh giỏi, chiếm tỷ lệ gần 0,6% thì năm học 2012 – 2013, con số này là 16 em. Năm học tiếp theo là sự bứt phá ngoạn mục khi toàn trường có 55 học sinh giỏi, đạt tỷ lệ 5,34%. Cũng trong năm học này, trường đã có 18 em đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Cùng với những tiến bộ về chất lượng học tập, đạo đức học sinh cũng có nhiều chuyển biến quan trọng khi tình trạng gây gổ đánh nhau đã hoàn toàn chấm dứt. Tỷ lệ học sinh đạt hạnh kiểm tốt và khá gần 90%, học sinh hạnh kiểm yếu chỉ còn 0,97%. Tham gia các cuộc thi thể thao, Giai điệu tuổi hồng, trường đều đạt thành tích cao.

“Khi học sinh học yếu và đạo đức chưa tốt, người thầy phải nhìn lại chính mình. Với suy nghĩ ấy, tôi luôn tạo điều kiện và động viên cán bộ, giáo viên của trường phát huy hết năng lực và tinh thần trách nhiệm đối với công việc. Và rất may là Trường THPT số 3 có một đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, tâm huyết với nghề nghiệp nên đã có được những kết quả đáng mừng như ngày hôm nay!”, thầy An tâm sự.

Không chỉ chú trọng đến chất lượng giáo dục, thầy An còn là người khởi xướng nhiều mô hình hiệu quả. Trong thời gian công tác tại Trường THPT số 2 Bố Trạch, trước tình trạng học sinh bị tai nạn giao thông gây thương tích và tử vong, thầy đã suy nghĩ và sáng tạo mô hình “Cờ an toàn giao thông”, góp phần quan trọng nâng cao ý thức của các em khi tham gia giao thông, giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc. Đến thời điểm này, sau 7 năm học, mô hình vẫn duy trì và phát huy hiệu quả, được Tỉnh đoàn, Trung ương Đoàn tặng bằng khen.

Về trường mới, khi chứng kiến nhiều hoàn cảnh gia đình học sinh quá khó khăn, thầy đã khởi xướng phong trào mang tên “Một xóa hai xây”. “Một xóa” là xóa nhà tranh cho hộ nghèo, thầy đã phát động cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường quyên góp được 25 triệu đồng để xóa mái tranh nghèo cho cựu chiến binh Lê Minh Châu, cũng là phụ huynh của trường tại thôn Phú Hữu, xã Liên Trạch (Bố Trạch). Theo thầy An, xóa mái tranh nghèo là góp phần xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho học sinh nghèo yên tâm học tập, làm tiền đề cho việc xây dựng trường chuẩn quốc gia vào năm 2017 như kỳ vọng và quyết tâm của nhà trường.

Gần 40 năm làm thầy giáo, dù ở nhiều cương vị khác nhau, thầy giáo Trần Ngọc An luôn trăn trở với nghề nghiệp và học sinh. Những đóng góp của thầy đã được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu, bằng khen, giấy khen các cấp. Và niềm vui, niềm hạnh phúc ấy còn được nhân lên khi trong những bài văn của học trò, các em nhắc đến thầy hiệu trưởng của mình với tình cảm trìu mến và kính trọng. Còn đồng nghiệp thì gọi vui  là “người thầy của những mô hình sáng tạo”.

Ngọc Mai