.

Phát huy vai trò của các di tích lịch sử, cách mạng trong giáo dục

Thứ Bảy, 27/12/2014, 20:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo thống kê của Ban Quản lý di tích danh thắng, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, tỉnh ta hiện có 99 di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng, trong đó 51 di tích cấp quốc gia, 48 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích lịch sử, cách mạng là “bằng chứng sống”, gắn liền với những năm tháng đấu tranh dựng nước, giữ nước oanh liệt, hào hùng của các thế hệ cha ông qua nhiều giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, trong bối cảnh giới trẻ ngày nay đang trở nên thờ ơ với môn học lịch sử và những chương trình học lịch sử ở trường còn khá khô cứng, công thức cho học sinh tiếp nhận, các di tích lịch sử, cách mạng vẫn đang “chờ đợi” để phát huy tối đa vai trò của mình.

Thầy Võ Khắc Biên, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Xuân Ninh (Xuân Ninh, Quảng Ninh) cho biết, mỗi năm một lần, vào các dịp lễ kỷ niệm, như: Ngày thành lập Quân đội nhân dân (22-12), Ngày Thương binh -Liệt sĩ (27-7)..., nhà trường luôn nỗ lực cố gắng đưa các em học sinh đến thăm các di tích lịch sử, cách mạng như: Cây đa Lộc Long, Bến phà Long Đại.

Trong những chuyến đi này, các thầy cô giáo thuyết giảng cho học sinh về truyền thống anh hùng của quê hương, về tình đoàn kết, gắn bó, tinh thần yêu nước và ý chí quyết tâm bảo vệ từng tấc đất, biển trời của Tổ quốc. Nhà trường và chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể (như: Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ...) có sự kết hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng công tác giáo dục lịch sử quê hương cho học sinh.

Ngành giáo dục đã có nhiều đổi mới trong cách dạy và học, nhưng có lẽ, những tiết học chỉ gói gọn trong phòng thôi là chưa đủ.
            Ngành giáo dục đã có nhiều đổi mới trong cách dạy và học, nhưng có lẽ, những tiết học chỉ gói gọn trong phòng thôi là chưa đủ.

Tuy vậy, do điều kiện kinh phí còn eo hẹp, nhà trường cũng chỉ mới đưa học sinh đến thăm viếng một vài di tích lịch sử, cách mạng của xã nhà, còn đối với di tích thuộc các xã lân cận hay xa hơn thì nhà trường chưa dám nghĩ tới. Theo thầy Võ Khắc Biên, nếu có điều kiện để tổ chức cho các em, nhất là những học sinh tiêu biểu, đến với các di tích lịch sử, cách mạng cấp tỉnh, cấp quốc gia, đặc biệt là mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thì chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của các bài học lịch sử trong sách vở. Thầy đề xuất nên có một cơ chế hay sự hướng dẫn của ngành để nhà trường có điều kiện thực hiện được mong muốn này, đặc biệt là trong việc kêu gọi sự hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa. 

Việc lồng ghép giữa việc học ở nhà trường và các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu không chỉ lịch sử địa phương, mà còn các nét văn hóa đặc sắc, làng nghề truyền thống... cũng rất quan trọng, vừa góp phần xây dựng nền tảng văn hóa-tinh thần cho các em, vừa mang lại những bài học lịch sử từ thực tế thiết thực và sâu sắc, hiệu quả nhất.

Chưa cần đi đâu xa, chỉ đơn cử trong địa bàn huyện Quảng Ninh thôi cũng đã có không ít di tích, đại diện tiêu biểu cho các giai đoạn khác nhau của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, như: Nhà nhóm thôn Trung (Võ Ninh), Làng chiến đấu Hiển Lộc (Duy Ninh), Làng chiến đấu Quảng Xá (Tân Ninh), Địa đạo Văn La (Lương Ninh)...

Theo bà Hồ Thị Hồng Hà, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, học sinh cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đều được dạy về các nội dung liên quan đến giáo dục địa phương, như: lịch sử, địa lý, âm nhạc, mỹ thuật...

Bên cạnh các giờ lên lớp, giáo viên và nhà trường được khuyến khích tùy theo khả năng để có các hoạt động ngoài giờ bổ ích, phù hợp, mang đến những trải nghiệm lý thú, khích lệ học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất. Hiện tại, ngành giáo dục vẫn chưa có một cơ chế hay nguồn kinh phí hỗ trợ cụ thể nào cho các hoạt động ngoại khóa lồng ghép này. Mong muốn của những người làm giáo dục là được sự hỗ trợ tích cực từ công tác xã hội hóa, chương trình, dự án, để các nhà trường có điều kiện đưa lịch sử “đến gần hơn” với các em học sinh, nhất là từ lứa tuổi tiểu học.

Các di tích lịch sử cách mạng chính là cách thức tiếp cận lịch sử nhanh chóng, thiết thực nhất đối với học sinh, vừa đưa các bài học sách vở trở nên gần gũi, trực quan hơn, vừa góp phần giáo dục truyền thống yêu nước đến với giới trẻ. Chính vì vậy, bên cạnh việc chờ đợi một cơ chế hỗ trợ thích hợp từ ngành giáo dục, các điểm quản lý di tích cần linh hoạt, tạo điều kiện, có sự kết hợp chặt chẽ hơn với nhà trường để tạo cơ hội tối đa cho thầy và trò trong quá trình học ngoại khóa.

Mai Nhân