Một gia đình hiếu học tiêu biểu

Cập nhật lúc 08:04, Thứ Tư, 14/03/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Về Cự Nẫm (Bố Trạch), chúng tôi được ông Nguyễn Hữu Phi, Hội trưởng Hội Khuyến học xã giới thiệu về tấm gương gia đình người thương binh nặng Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1952) với 6 người con có bằng cử nhân.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, sức khỏe hạn chế nhưng bằng sự nỗ lực của mình, vợ chồng bác Minh đã nuôi dạy các con học hành đỗ đạt. Họ thực sự là tấm gương hiếu học cho nhiều gia đình nơi miền quê còn nghèo khó này...

Là một cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị vào những những năm tháng ác liệt nhất, bác Minh bị thương trong một trận chiến vào tháng 9-1972 và được đưa ra bắc điều trị. Sau khi trải qua nhiều năm phục vụ trong quân ngũ, năm 1979, cựu chiến binh Nguyễn Văn Minh được phục viên và trở về quê hương. Người bạn đời của bác, bà Nguyễn Thị Thanh cũng là một cựu thanh niên xung phong với nhiều năm phục vụ ở chiến trường.

Cuộc sống những năm 80 của thế kỷ trước vô cùng vất vả, đối với hai vợ chồng bác Minh càng vất vả hơn khi bản thân bác mang vết thương nặng ở đầu với tỷ lệ thương tật 61% và thường xuyên bị lên cơn khi trời nắng nóng. Thế rồi lần lượt các con trai, con gái của họ ra đời. Và dù vất vả, nghèo khó, hai vợ chồng họ luôn động viên nhau chăm sóc con khỏe mạnh và chăm chỉ học hành.

Vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Văn Minh. Ảnh: P.V
Vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Văn Minh. Ảnh: P.V

Với 15 sào ruộng cộng với tiền trợ cấp thương tật của bác Minh và tiền công làm thuê của bác Thanh, từ năm 1994 đến nay, hai vợ chồng họ đã nuôi 6 người con học đại học.

Ruộng lúa bấp bênh năm hai vụ, năm một vụ nên để đủ tiền nuôi các con ăn học (có những thời điểm hai con cùng học đại học một lúc), họ phải vay mượn tiền bà con xóm giềng, gõ cửa ngân hàng và xoay chạy nhiều cách. Gánh nặng gia đình gần như dồn hết lên vai bác Thanh bởi người chồng luôn bị vết thương tái phát hành hạ. Lắm khi gia đình lâm vào cảnh chạy ăn từng bữa nhưng may mắn là các con của họ đều động viên nhau chăm chỉ học tập và đạt thành tích cao.

Bác Thanh kể: “Thức ăn phổ biến nhất của gia đình là món canh rau má nấu với đậu lạc, là những sản phẩm trong nhà trồng được. Năm thì mười họa mới có mớ cá, mớ thịt. Và đến giờ, dẫu các con đã có công việc ổn định, nhưng để giải quyết khoản nợ tồn đọng từ trước đó, rau má vẫn là món ăn chủ lực của cả nhà. Ngoài ra hàng tháng các con còn trích tiền lương để cùng ba mẹ trả ngân hàng. Sách vở thì đứa trước học xong lại chuyền tay cho đứa sau, áo quần cũng vậy, đứa lớn mặc xong lại chuyển cho đứa nhỏ...”

Đến thời điểm này, gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Minh có 4 người con đang công tác trong ngành Giáo dục từ bậc mầm non đến trung học phổ thông. Cô con gái thứ năm cũng đã tốt nghiệp đại học sư phạm và cậu con trai út là sinh viên Học viện An ninh. “Tổng số nợ của gia đình tôi ở ngân hàng hiện nay là gần 70 triệu đồng. Cũng may Nhà nước có chính sách hỗ trợ sinh viên vay vốn nên việc học tập của các con tôi không bị gián đoạn. Và dù nợ nần nhưng nhìn các con đã trưởng thành, vợ chồng chúng tôi rất vui!”, bác Minh tâm sự.

Tấm gương hiếu học của gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Minh đã được các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh ghi nhận và biểu dương. Nói về những thành tích của gia đình bác Minh, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Cự Nẫm, ông Nguyễn Hữu Phi, cho biết: Với những gì mà gia đình bác Minh đạt được đã tác động rất lớn đến suy nghĩ của người dân về việc học tập của con em trong bối cảnh địa phương còn nhiều khó khăn. Đấy là sự tuyên truyền hiệu quả và sinh động nhất về công tác khuyến học, khuyến tài, góp phần nâng cao dân trí trên quê hương Cự Nẫm anh hùng...

                                                                                                     P. V

,
.
.
.