.
Hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình (16-6-1957 - 16-6-2017):

Nhớ mãi Ngày Bác Hồ vào thăm Quảng Bình-Vĩnh Linh

Thứ Ba, 06/06/2017, 09:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Thắng lợi vang dội toàn cầu của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh tan tập đoàn cứ điểm siêu mạnh của quân đội thực dân phản động Pháp. Hiệp ước Quốc tế Giơ-ne-vơ đã chấm dứt chiến tranh Việt - Pháp, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời chia cắt thành 2 miền Nam - Bắc. Miền Bắc Việt Nam hoàn toàn được giải phóng, từng bước ra sức xây dựng xã hội chủ nghĩa, căn cứ vững chắc cho sự nghiệp hòa bình thống nhất đất nước.

Đế quốc Mỹ với ưu thế vượt trội đã biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, ra sức phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, tiến hành bầu cử giả hiệu phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống với em ruột Ngô Đình Nhu làm cố vấn. Ngô Đình Diệm trắng trợn tuyên bố, biên giới Hoa Kỳ kéo dài tận vĩ tuyến 17, hô hào Bắc tiến, tung gián điệp biệt kích xâm nhập, phá hoại hòng gây mất ổn định ở miền Bắc.

Ở miền Bắc, Bác Hồ đã về tận các tỉnh thành, thăm hỏi nhân dân, thăm hỏi các lực lượng vũ trang. Bác đã đi một số nước ở Đông Nam Á, ở Trung Quốc, Liên Xô và châu Âu cảm ơn các nước đã tận tình giúp đỡ cuộc kháng chiến chống thực dân phản động Pháp.

Nhân dân và toàn thể lực lượng vũ trang Quảng Bình âm thầm đón chờ ngày Bác vào thăm, được tận mắt thấy Bác, nhìn rõ Bác và được trực tiếp nghe Bác nói chuyện.

Ngày 16-6-1957, đại diện của Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến Hành chính tỉnh đã ra sân bay đón Bác vào thăm Đồng Hới. Đúng 7 giờ 15 phút sáng, máy bay hạ cánh. Ngồi cùng xe với Bác có đồng chí Nguyễn Tư Thoan, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh và đồng chí Phạm Thanh Đàm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ty Công an. Trên đường về Đồng Hới, từng quãng có các thanh niên đứng, nghiêm cẩn. Bác cười, bảo công an bảo vệ bí mật, mà tự làm lộ bí mật có một nhân vật quan trọng vào Đồng Hới.

Làm việc với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bác hỏi tỉ mỉ về công tác xây dựng Đảng, số lượng đảng viên, tình đoàn kết giữa lương và giáo; giữa miền xuôi và miền ngược; giữa vùng mới giải phóng và vùng tự do, giữa nhân dân địa phương và cán bộ, bộ đội, đồng bào miền Nam ra tập kết, về tình hình khôi phục và phát triển kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh; đời sống của nhân dân... Bác dành nhiều tình cảm với chị em phụ nữ, với các cháu thiếu niên, nhi đồng, các cụ phụ lão và đồng bào miền núi. Bác nhấn mạnh đoàn kết nhân dân, đoàn kết càng cao, thành tích càng nhiều, thắng lợi càng lớn.

Buổi chiều, Bác thăm hỏi và nói chuyện với 600 đại biểu cốt cán Quảng Bình, Vĩnh Linh tại hội trường của tỉnh. Bác khen ngợi những thành tích lớn của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trong kháng chiến chống Pháp, trong những năm hòa bình xây dựng địa phương. Bác nhấn mạnh những khuyết điểm của cán bộ và nhắc nhủ: Cán bộ cách mạng phải thực sự vì dân, do dân, không như thời đế quốc phong kiến, coi mình là phụ mẫu chi dân, quan liêu, xa dân. Phải sống theo đời sống mới, không rượu chè, cờ bạc, không tham ô, lãng phí.

Bác Hồ và đồng chí Nguyễn Chí Thanh trên lễ đài ngày về thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh 16-6-1957.
Bác Hồ và đồng chí Nguyễn Chí Thanh trên lễ đài ngày về thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh 16-6-1957.

Bác nhắc nhủ, Quảng Bình - Vĩnh Linh, sát giới tuyến quân sự tạm thời, phải ra sức xây dựng lực lượng quân sự vững mạnh, sẵn sàng đối phó với mọi hoạt động xâm lấn của Mỹ - Diệm.

4 giờ chiều ngày 16-6, Bác dự mít tinh với đông đảo đại biểu các xã, phường, các ngành, các đơn vị công an, quân đội. Trên lễ đài, Đoàn chủ tịch cuộc mít tinh có đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Hoàng Văn Diệm, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Liên khu IV, có đồng chí Cổ Kim Thành, Nguyễn Tư Thoan, có cố Thông - một nhân sĩ thiên chúa giáo đã 80 tuổi.

Tổ giám sát quốc tế thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ gồm sĩ quan 3 nước Ấn Độ, Ba Lan, Canađa cùng dự. Các đại biểu dự mít tinh say sưa lắng nghe từng lời của Bác. Bác nói rõ ràng, thân mật.

Mở đầu, Bác khen ngợi công lao của nhân dân Quảng Bình-Vĩnh Linh đã chiến thắng trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đã nỗ lực khôi phục kinh tế sau chiến tranh, từng bước cải thiện đời sống vật chất tinh thần. Bác nhắc: Mỹ - Diệm đang ra sức phá hoại phong trào cách mạng ở miền Nam, hò hét tiến ra miền Bắc. Nếu chúng có hành động phá hoại miền Bắc thì trước hết, Quảng Bình - Vĩnh Linh phải chịu đựng trước và Quảng Bình - Vĩnh Linh phải kiên cường đánh trả, đã đánh là phải thắng. Đồng thời, Quảng Bình - Vĩnh Linh còn phải nỗ lực giúp đỡ đồng bào miền Nam, trước hết là giúp đỡ các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

Kết thúc, Bác đọc hai câu tục ngữ: Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng. Bác đọc lại từng âm tiết của câu tục ngữ. Mọi người hưởng ứng đọc theo rập ràng mạnh mẽ. Ai nấy đều khắc sâu lời Bác dạy.

Ra về, đại biểu Ấn Độ trong tổ giám sát quốc tế khen ngợi: Cụ Hồ như một thầy giáo đọc bài ca dao yêu nước, yêu đồng bào cho học sinh đọc theo. Quý hóa thật.

Trưa ngày 16-6, Bác nghỉ, ăn cơm ở cơ quan Tỉnh ủy. Trước bữa ăn, Bác đi vào nhà bếp, bắt tay ông Cả Yêm, trưởng nhà khách Ủy ban, bắt tay đồng chí Luỳnh đứng bếp. Thấy đồng chí Luỳnh đang mặc áo blouse trắng, Bác cười vui: “Mới may hay mượn của y tế”. Mọi người cùng cười.

Tối lại, Bác ra nghỉ ở nhà khách của Sư đoàn 325 ở bãi tắm cửa Nhật Lệ. Bác cùng tắm biển, ngâm mình trong làn nước trong xanh mát rượi. Vào nhà, cùng ngồi trên chiếu ở mái hiên, gió đại dương nhè nhẹ tỏa mát, mọi người cùng trò chuyện râm ran.

Trong lúc chuyện trò tâm tình, Bác nhắc lại những ký ức từ thời niên thiếu, cùng cụ thân sinh đi dọc chiều dài Quảng Bình trên đường thiên lý cũ. Bác nói, khi qua đèo Lý Hòa, đã có người ra câu đối hóc hiểm: Bò đi đá nhảy. Đến nay, đã có ai đối được chưa? Thưa Bác! có được nghe câu đối lại: Hầm hét la hà. Nhưng thấy chỉ đối được bốn từ động tác chân tay khi qua đèo bằng bốn từ tả động tác bằng miệng. Câu đối lại chưa diễn tả được cảnh vật một nơi như đèo Đá Nhảy Lý Hòa.

Bác kể chuyện, đi qua làng Đồng Cao, phía nam đèo Lý Hòa, một làng quá đói nghèo, những túp lều tranh nhỏ nằm ven đường dưới chân các động cát trắng. Nay đã có ngôi nhà ngói nào chưa?

Thưa Bác! mới có vài ngôi nhà ngói nhỏ.

Bác hỏi, khi qua Gia Ninh, Hồng Thủy của Quảng Ninh, Lệ Thủy, thấy một số phụ nữ, do bị một loại muỗi độc đốt, chân to bằng cột nhà. Nay đã chữa lành được chưa? Khi nghe báo cáo là đã chữa được rồi, Bác rất vui.

Theo chương trình, 7 giờ sáng ngày 17-6, Bác dự mít tinh, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325 cũng ở sân vận động trong nội thành Đồng Hới. Nhưng nửa đêm 16-6, có điện của Trung ương Đảng mời Bác về Hà Nội trước 7 giờ sáng ngày 17-6. Nghe đồng chí Nguyễn Chí Thanh báo cáo, Bác ngẫm nghĩ rồi bảo: Mình phải chấp hành ý kiến của Trung ương. Vì kế hoạch đảo lộn nên một số chương trình của Bác vào ngày 17-6 không được thực hiện.

Bốn giờ sáng, Bác gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325. Bác gửi lời thăm của Trung ương Đảng và Chính phủ và căn dặn: Hãy nhận rõ vị trí quan trọng của Quảng Bình mà mài sắc cảnh giác, tăng cường đoàn kết, ra sức học tập quân sự, chính trị, rèn luyện đạo đức, phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, tích cực tham gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, xây dựng quân đội lớn mạnh về mọi mặt để hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao phó trong bất cứ tình huống nào. Sau đó, Bác ủy nhiệm đồng chí Nguyễn Chí Thanh ở lại nói chuyện với Sư đoàn.

4 giờ 30 phút sáng ngày 17-6, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình tiễn Bác ra sân bay trong sự lưu luyến, bùi ngùi. Bác rút dép cao su ngồi xuống thảm cỏ. Mọi người ra tiễn ngồi quanh Bác. Mắt Bác tư lự nhìn về phương Nam. Bác nói “Vì xa chưa đến được mà Bác cũng không có điều kiện vào thăm”. Bác nói với các đồng chí lãnh đạo tỉnh: “Bác rất tiếc là thăm Quảng Bình chưa hết chương trình đã phải về, có dịp Bác sẽ vô thăm. Bác mong Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình - Vĩnh Linh thực hiện tốt các nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ giao phó”.

60 năm trôi qua nhưng Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình cho đến nay không bao giờ quên ngày Bác vào thăm. Nhân dân Quảng Bình sẽ luôn luôn nhớ mãi về Bác, một anh hùng giải phóng dân tộc, một nhà văn hóa lỗi lạc của thế giới.

Nhân dân Quảng Bình muôn đời nhớ Bác.
Bác Hồ muôn năm!

Phan Xuân Thiết