.

Thị xã Ba Đồn: Tăng cường công tác tôn giáo

Thứ Ba, 21/03/2017, 09:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Thị xã Ba Đồn có đồng bào theo đạo chiếm trên 35% dân số, trong đó chủ yếu là công giáo. Thời gian qua,  tình hình an ninh trật tự tại các địa bàn vùng giáo cơ bản được giữ vững, phần lớn chức sắc, giáo dân tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của chính quyền để ra sức phấn đấu, đóng góp tích cực vào quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Xác định nhiệm vụ ổn định tình hình trong tôn giáo là vấn đề cốt lõi để giữ vững sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, Ban Thường vụ Thị uỷ Ba Đồn đã tăng cường chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội triển khai thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX) về công tác tôn giáo gắn với học tập, tuyên truyền Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đến cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và chức sắc, tín đồ tôn giáo trên địa bàn.

Ban chỉ đạo công tác tôn giáo thị xã sau khi được kiện toàn đã tập trung tham mưu cho Ban Thường vụ Thị uỷ về lãnh đạo, chỉ đạo công tác tôn giáo, giải quyết và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng và tổ chức các lễ nghi tôn giáo ở các giáo xứ, giáo họ.

Trên cơ sở các chương trình kinh tế trong điểm của thị xã, Thị uỷ, UBND thị xã tiếp tục dành ưu tiên trong việc đầu tư các dự án phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương vùng giáo; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, phường khai thác tiềm năng, thế mạnh hiện có của địa phương, huy động tối đa nguồn lực trong nhân dân để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, ngành nghề nông thôn.

Đến nay, nghề đánh bắt, chế biến thuỷ hải sản trên địa bàn vùng giáo phát triển khá mạnh, góp phần ngày càng nâng cao đời sống cho bà con ngư dân vùng giáo. Các địa phương vùng giáo có nghề đánh bắt, chế biến thuỷ hải sản phát triển mạnh như: Quảng Phúc có 212 tàu đánh bắt hải sản xa bờ, Quảng Lộc 54 tàu, Quảng Văn 39 tàu, Quảng Phong 43 tàu và Quảng Minh 13 tàu. Đối với các địa bàn vùng giáo khó khăn, thị xã Ba Đồn đã chủ trương ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng như: nhà văn hoá, trường học, trạm y tế, hệ thống giao thông, thuỷ lợi, chợ nông thôn...

Người dân vùng giáo phường Quảng Phúc đầu tư đóng mới tàu thuyền đánh bắt hải sản xa bờ.
Người dân vùng giáo phường Quảng Phúc đầu tư đóng mới tàu thuyền đánh bắt hải sản xa bờ.

Nhờ vậy, trên địa bàn thị xã hiện có 100% xã, phường cơ sở hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu về đời sống, dân sinh của nhân dân. Cùng với việc quan tâm đầu tư phát triển kinh tế-xã hội ở vùng giáo, các cấp chính quyền trên địa bàn thị xã đã tạo điều kiện cho các chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo được sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo bình thường theo quy định của pháp luật. Công tác quản lý nhà nước trên một số hoạt động của tổ chức tôn giáo được chú trọng hơn, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, xây dựng, tổ chức lễ lượt, hoạt động của các hội, đoàn trong tôn giáo.

Trên địa bàn thị xã hiện có 12 nhà thờ xứ và 22 nhà thờ họ, hệ thống cơ sở phụ trợ như: nhà phòng, nhà dạy giáo lý, khuôn viên... đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện trong việc tu sửa, xây dựng mới, đáp ứng việc sinh hoạt tín ngưỡng cho bà con giáo dân. Hầu hết các cơ sở thờ tự đã được cấp quyền sử dụng đất, trừ 2 cơ sở chưa lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền.

Những năm qua, trên địa bàn thị xã đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tôn giáo. Với phương châm phòng ngừa là chủ yếu, các cấp uỷ Đảng trên địa bàn thị xã đã chỉ đạo chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động những người có đạo nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, tuân thủ sự hướng dẫn, quản lý của các cấp chính quyền. UBND thị xã và các xã, phường vùng giáo cũng đã cương quyết áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tôn giáo nhằm giữ vững tình hình an ninh trật tự, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Thị xã Ba Đồn hiện có 10 chi bộ khó khăn và đặc thù. Cùng với việc phân công các ban, ngành liên quan phụ trách, giúp đỡ từng chi bộ, Ban Thường vụ Thị uỷ đã trực tiếp chỉ đạo các cấp uỷ có chính sách ưu tiên trong quy hoạch dự nguồn, đào tạo, bồi dưỡng chuẩn bị nguồn cán bộ cho từng nhiệm kỳ và có chế độ đãi ngộ phù hợp.

Từ năm 2014 đến 2016, Đảng bộ thị xã đã kết nạp được 19 đảng viên mới gốc giáo. Nhiệm kỳ 2016-2021, toàn thị xã có 399 đại biểu HĐND cấp xã, phường thì trong đó có 58 đại biểu là giáo dân; 33 đại biểu HĐND thị xã thì có 2 vị là chức sắc, chức việc tôn giáo. Những cán bộ trong vùng giáo khi được giao công việc luôn phát huy vai trò, trách nhiệm và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Trước đây, một số thôn vùng giáo có nguy cơ "trắng" chi bộ, chi hội, chi đoàn, trong khi các tổ chức tôn giáo ra sức lôi kéo, tập hợp quần chúng vào tham gia hoạt động trong các hội, đoàn tôn giáo nên công tác tập hợp và tổ chức hoạt động của các đoàn thể rất khó khăn.

Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Thị uỷ, cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động, kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và nội dung hoạt động nên hiện tại ở các xã, phường vùng giáo không có thôn, tổ dân phố nào khuyết chi bộ, chi hội, chi đoàn. Tỷ lệ tập hợp hội viên, đoàn viên của các đoàn thể chính trị-xã hội đạt khá cao như: Hội Nông dân đạt 95%, Hội Cựu chiến binh 97%, Hội LHPN đạt 75%.

Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, cấp uỷ, chính quyền thị xã đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào vùng giáo như: thăm đảng viên gốc giáo có hoàn cảnh khó khăn, thăm cốt cát vùng giáo, hỗ trợ cho chi bộ vùng giáo khó khăn... với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.

Bên cạnh đó, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội trên địa bàn thị xã cũng đã phát động nhiều phong trào, hoạt động xã hội của cộng đồng để quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ nhân dân và học sinh vùng giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: xây dựng nhà tình nghĩa, tặng quà cho các hộ giáo dân nghèo, huy động lực lượng giúp các gia đình vùng giáo khắc phục hậu quả thiên tai... Những hành động, việc làm cụ thể và có ý nghĩa thiết thực đã góp phần củng cố thêm lòng tin của đoàn viên, hội viên và nhân dân vùng giáo đối với Đảng, Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền ở cơ sở.

Trước tình hình tôn giáo vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là một số đối tượng cực đoan trong tôn giáo kết hợp với các phần tử xấu, chống đối chính trị, thực hiện âm mưu lợi dụng tôn giáo, lợi dụng sự cố môi trường biển để kích động, xuyên tạc, tạo cớ để gây rối an ninh trật tự, chia rẽ giáo dân với chính quyền, thị xã Ba Đồn đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện nhất quán các chủ trương, quan điểm chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới và tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới.

Cùng với việc chủ động nắm chắc tình hình tôn giáo trên địa bàn, phát huy tốt vai trò người công giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội trên địa bàn tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác vận động quần chúng trong đồng bào có đạo nhằm củng cố vững chắc hệ thống chính trị và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Các hành động tôn giáo trái pháp luật và hành vi lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước sẽ bị đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hiền Chi