.

Hoạt động của Đoàn ĐBQH Quảng Bình tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Tham gia đầy đủ, tích cực vào các nội dung kỳ họp

Thứ Ba, 01/11/2016, 07:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc vào ngày 20-10-2016 và dự kiến bế mạc vào ngày 23-11-2016.

Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 4 dự án luật, gồm Luật về Hội; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH131 và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Quốc hội cũng sẽ dành thời gian cho ý kiến về 14 dự án luật khác; xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công và kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016; đánh giá về tình hình biển Đông sau khi có phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc với những đối sách của Việt Nam trong thời gian tới...

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã tham gia đầy đủ, tích cực ngay từ đầu kỳ họp và đã đóng góp nhiều ý kiến trong các phiên thảo luận tại Tổ và tại Hội trường. Trong phiên thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật đấu giá tài sản vào sáng 24 tháng 10, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã phát biểu tán thành và đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự thảo dự án luật này. Đại biểu đã góp ý điều chỉnh, bổ sung một số nội dung quy định nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của luật này với hệ thống các văn bản pháp luật liên quan khác.

Cụ thể, đại biểu cho rằng quy định tại Điều 9 không thống nhất với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về nguyên tắc áp dụng pháp luật. Tại điều này quy định trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về trình tự thủ tục đấu giá của luật này và quy định của luật khác thì áp dụng quy định của luật này trừ trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 1 của luật này.

Như vậy, ngoài các trường hợp quy định tại  Khoản 2, Điều 1 của luật này, tức là các quy định liên quan tới chứng khoán, tới đấu giá tài sản ở nước ngoài thì tất cả trình tự, thủ tục đấu giá tài sản dù được quy định trước khi luật này có hiệu lực hay sau này Quốc hội có ban hành cũng đều phải tuân thủ trình tự, tự thủ tục do luật này quy định.

Trong lúc đó, Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.

Liên quan đến một số quy định khác, đại biểu cũng đề nghị cần phải rà soát đối với một số quy định cụ thể tại các Điều 15, 16 và 17 để bảo đảm chặt chẽ, hợp lý hơn.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu trong phiên thảo luận về dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu trong phiên thảo luận về dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã có 02 ý kiến phát biểu của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương và đại biểu Nguyễn Mạnh Cường. Cả 02 đại biểu đều đánh giá cao và nhất trí với các nội dung của dự thảo và báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Cho rằng, về cơ bản dự thảo Luật đã được soạn thảo chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi, vừa bảo đảm được quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của con người, đồng thời vẫn bảo đảm được sự quản lý của Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường tập trung đề nghị xem xét lại quy định tại một số điều, khoản nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Cụ thể, quy định về điều kiện công nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo trực thuộc tại Khoản 3, Điều 30 chưa đầy đủ, đối chiếu với các quy định về điều kiện công nhận pháp nhân do Bộ luật dân sự quy định thì còn thiếu một điều kiện quan trọng về cơ cấu tổ chức.

Đại biểu đề nghị bổ sung vào Khoản 3, Điều 30 điều kiện về cơ cấu tổ chức để phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự. Về việc bổ sung đối tượng có quyền sử dụng kinh sách, bảy tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo tại Khoản 5 Điều 6, đại biểu cho rằng, bên cạnh các đối tượng là “người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù” dự thảo bổ sung đối tượng “người đang chờ thi hành án tử hình” là không hợp lý và đề nghị giữ nguyên, không nên bổ sung vì theo quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam thì người bị tạm giam đã bao gồm: bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án.

Đối với quy định về tên gọi của tổ chức tôn giáo, tổ chức đăng ký hoạt động tôn giáo tại các điều 18, 25, dự thảo Luật quy định: “Tên gọi của tổ chức không trùng với tên các tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo hoặc công nhận tổ chức tôn giáo, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc tên các danh nhân, anh hùng dân tộc”.

Theo đại biểu, hiện nay, vẫn chưa có định nghĩa chính xác về danh nhân; vẫn còn tranh cãi là ngoài những người nổi danh trong lịch sử thì những nhân vật nổi tiếng đương đại có được coi là danh nhân không? Chưa có quy định về danh sách chính thức danh nhân. Do đó việc quy định của dự thảo có thể gây khó khăn cho việc áp dụng. Ngoài những vấn đề trên, đại biểu còn cho ý kiến điều chỉnh, bổ sung một số quy định về điều kiện đối với người đại diện, người lãnh đạo tổ chức tại Điều 18 và Điều 21; về vấn đề đăng ký, đề nghị, thông báo về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại các điều luật liên quan.

Tán đồng với ý kiến của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc nâng Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo thành luật là hết sức cấp thiết; đồng thời, nhất trí việc giao cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Để góp phần hoàn thiện và thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo, đại biểu đã có góp ý quan trọng vào một số nội dung quy định cụ thể. Theo đại biểu, hạn chế cơ bản hiện nay, cũng là nguyên nhân xuất phát nhiều nảy sinh mâu thuẫn giữa chính quyền với tổ chức tôn giáo là năng lực quản lý nhà nước về tôn giáo ở một số địa phương còn hạn chế. Có địa phương quá chặt chẽ, có địa phương lại buông lỏng, người phụ trách tôn giáo mà lại không hiểu gì về tôn giáo và thậm chí không hiểu về pháp lệnh tôn giáo, không có hoặc hạn chế năng lực, chuyên môn trong quản lý nhà nước về tôn giáo.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, đại biểu cho rằng, hiện nay nước ta có 6 tôn giáo được công nhận, trong lúc đó, tại dự thảo Luật quy định về việc công nhận tổ chức tôn giáo có quy định tổ chức tôn giáo có 5 năm tổ chức và sinh hoạt thì được công nhận; như vậy, có thể về sau này chúng ta sẽ còn công nhận một số tôn giáo khác ngoài 6 tôn giáo đang hoạt động được công nhận hiện nay; vì vậy, cần phải cân nhắc kỹ quy định này. Đại biểu cũng đề nghị cần phải giải thích rõ một số từ ngữ, đặc biệt phải xem lại cách định nghĩa về khái niệm tôn giáo cho sát hơn, theo quan điểm triết học để xác định đúng bản chất.

Ngoài những vấn đề trên, đại biểu đề nghị cần phải xem xét lại để giảm gọn một số điểm trong luật và hạn chế cảm giác quy định quá khắt khe. Tại dự thảo luật có đến 15 điều quy định về hồ sơ đăng ký, hồ sơ đề nghị, văn bản đăng ký; vì vậy, cần nghiên cứu để có một điều chung quy định về những thủ tục hành chính trong đăng ký để giảm bớt độ dài của luật. Có những nội dung chỉ cần thông báo chứ không cần phải xin phép, như Điều 27 về chia cắt, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo cần phải xem xét ở phạm vi nào thì xin phép, phạm vi nào thì thông báo, cái gì cũng xin phép cả thì rất nặng nề.

Đại biểu còn góp ý điều chỉnh, bổ sung một số quy định tại Điều 11, Điều 49 và yêu cầu rút ngắn thời gian giải quyết các kiến nghị của các tổ chức tôn giáo theo tinh thần thủ tục hành chính; sửa đổi lại cách diễn đạt ở một số quy định, nhất là quy định về thời hạn cấp giấy phép, cần ghi rõ là chậm nhất bao nhiêu ngày, chứ không quy định trong khoảng bao biêu ngày để hiệu lực của luật được bảo đảm hơn.

Về quy định tên gọi của tổ chức tôn giáo, tổ chức đăng ký hoạt động tôn giáo, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương và đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đều thống nhất đề nghị cấm việc đặt tên tổ chức trùng với tên nhân vật phản diện, phản chính nghĩa, có tội với nước, với dân; vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Phong Hồng-Ất Mão