.

Cần có chính sách hỗ trợ nguồn lực cho các tỉnh khó khăn xây dựng nông thôn mới (*)

Thứ Tư, 09/11/2016, 09:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Phát biểu của đồng chí Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, trong phiên thảo luận tại hội trường về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vào sáng 4-11, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

>> Đề nghị dành cho Quảng Bình gói cứu trợ khẩn cấp, giúp tỉnh gượng dậy sau lũ lụt (*)

Kính thưa: - Chủ tọa phiên họp
                 - Quốc hội

Qua báo cáo và từ thực tiễn có thể khẳng định chưa có một chương trình nào lại được toàn dân ủng hộ và tích cực tham gia như: “Chương trình xây dựng nông thôn mới”. Hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, xã hội đã vào cuộc tích cực, quyết liệt, người dân đón nhận với sự đồng thuận cao.

Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi nổi, sâu rộng, tạo bước đột phá làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn ở nhiều địa phương. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm; điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa được nâng cao; cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến.

Tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc báo cáo đã có nêu nhưng tôi xin phân tích thêm như sau:

1. Nguồn lực đầu tư cho chương trình còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu thiết yếu, bức xúc của địa phương và chưa tính kỹ đến đặc thù vùng, miền, dẫn đến: Tiến độ thực hiện vẫn còn chậm, kết quả không đồng đều, có sự chênh lệch giữa các vùng miền: Đông Nam Bộ 46,4%; Đồng bằng Sông Hồng 43,8%, nhưng miền núi phía Bắc 8,2%.

2. Một số tiêu chí đưa ra bất hợp lý, gây lãng phí như tiêu chí về chợ, trung tâm bưu điện... Không ít chợ xây xong bỏ phí. Trong lúc đó lại thiếu tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng thiết yếu, như trường học, cơ sở y tế, đặc biệt là nhà văn hóa cơ sở. Hiện nay nhiều thôn, bản số lượng dân cư đông, nhu cầu sinh hoạt cộng đồng lớn, từ hội họp đến tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật, chủ trương đường lối của Đảng; nơi cho Thanh, Thiếu nhi vui chơi, giải trí và tổ chức các hoạt động tập hợp, đoàn kết TTN... Nhưng nhiều khu phố, xã phường không có nơi vui chơi; nhà văn hóa chỉ đủ chứa 20 - 30 người trong lúc nhu cầu mỗi gia đình đại diện một người thôi cũng đã lên đến 200 đến 300 người.

Thảo luận về kinh tế-xã hội hai ngày qua, các đại biểu chỉ tập trung về kinh tế mà không ai nói về văn hóa, như vậy là lệch về mục tiêu; lệch về quan điểm của Đảng là phát triển kinh tế gắn liền với văn hóa. Kinh nghiệm từ một số nước cho rằng chỉ tập trung phát triển kinh tế thì văn hóa sẽ đi theo nhưng thực tế phải trả giá, vì nó không phải như thế.

Nhiều ý kiến băn khoăn về tình hình ma túy, tội phạm, bạo lực học đường, trò chơi game... và đưa ra những kiến nghị kiểm soát, ngăn chặn mà chưa đưa ra được lối thoát khác như tạo điều kiện cho các em sinh hoạt, vui chơi giải trí, để các em không bị vòng cuốn tiêu cực, tệ nạn xã hội kéo vào.

3. Tư duy của người dân về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá chưa mạnh; các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn chậm đổi mới và hoạt động hiệu quả chưa cao. Kinh tế hộ vẫn là chủ yếu, mang nặng tính tự cung, tự cấp, khó tiếp cận với các chính sách sản xuất hàng hóa. Chưa chú trọng nhiều đến các nội dung về phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện môi trường và quan trọng hơn là gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

- Nhiều xã chạy theo thành tích huy động quá sức dân; huy động cả hộ nghèo, người cao tuổi, hộ chính sách. Có xã nợ xây dựng công trình không có khả năng trả. Hiện có 53/63 tỉnh, thành nợ. Đồng bằng Sông Hồng có 41% đạt tiêu chuẩn nông thôn mới nhưng lại nằm vào khu vực nợ công cao nhất.

- Thực tế cá biệt còn cán bộ xã, phường, thôn, bản lợi dụng chương trình để tham ô, lãng phí, thiếu công khai minh bạch trong huy động vốn và chi phí nguồn ngân sách gây phản ứng và làm suy giảm niềm tin của người dân.

Để tiếp tục triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát và Chính phủ tập trung một số vấn đề sau:

- Làm tốt công tác tuyên truyền, không đánh đồng quy định chung tiêu chí xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền. Vì điều kiện tự nhiên, tiềm lực kinh tế, nhận thức xã hội mỗi nơi một khác. Miền núi, vùng cao không thể giống miền đồng bằng.

- Quốc hội và Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ nguồn lực cho các tỉnh khó khăn, đặc biệt là các xã miền núi, vùng cao, bãi ngang, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ. Thực tế chỉ tiêu Chính phủ đề ra cao, chỉ đạo quyết liệt; yêu cầu không huy động đóng góp quá sức dân... Vậy lấy đâu ra ngân sách xây dựng nông thôn mới.

Nguyên lý để giảm bớt gia tăng dân số, làm tăng gánh nặng cho thành phố cái gốc không phải tập trung xử lý tại thành phố mà phải đầu tư phát triển cho nông thôn để thu hút dân cư thành thị về nông thôn. Nếu nông thôn nghèo đói, bất ổn chính trị thì ai cũng tìm cách lên thành phố để sống, thực tế hiện nay đang là như thế. Bài học rất đau đầu và khó chống đỡ hiện nay của các nước châu âu về nạn di cư là một minh chứng.

- Có chính sách đủ mạnh để liên kết 4 nhà; khuyến khích liên kết giữa nông dân với nông dân (thông qua cánh đồng mẫu lớn), giữa nông dân với doanh nghiệp (thông qua HTX, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn nông thôn).

Bộ NN và PTNT cần sớm hoàn chỉnh bộ tài liệu đào tạo, tập huấn chung về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để địa phương áp dụng thực hiện. Xây dựng hệ thống biểu mẫu báo cáo chung và thống nhất nhằm thu thập và cung cấp thông tin, dữ liệu một cách có hệ thống, theo các thông số, các chỉ số đã xác định giúp cho người quản lý và các bên có liên quan chủ động tổng hợp và thấy được tiến độ, mức độ tiến triển của các mục tiêu theo một chu kỳ thời gian nhất định.

- Cần có sự liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân và chủ yếu tập trung trong lĩnh vực trồng trọt; năng suất lao động. Các loại hình tổ chức sản xuất nông nghiệp hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa đa dạng hàng hoá, dịch vụ; quy mô trang trại còn nhỏ, hiệu quả chưa cao.

- Cần chú trọng xây dựng thương hiệu; các sản phẩm phục vụ du lịch; định hướng phát triển các làng nghề; xây dựng năng lực trình độ tổ chức quản lý của các cơ sở sản xuất kinh doanh; đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao, xây dựng được kế hoạch đào tạo nghề hàng năm; bảo tồn và phát triển làng nghề, thực hiện đầy đủ các biện pháp để phòng chống và xử lý ô nhiễm môi trường.

- Chính phủ cần tạo điều kiện cho tỉnh nghèo tham gia vào các chương trình, dự án giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu; đồng thời có sự ưu tiên, hỗ trợ về nguồn vốn cho các xã khó khăn do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển để khắc phục khó khăn, làm sạch môi trường, tìm sinh kế mới.

Xin hết ý kiến

Xin cảm ơn Quốc hội!

-----------------------------------------------------------

(*) Đầu đề do Tòa soạn rút trong bài phát biểu.