.

Tìm hiểu nội dung các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng (tiếp theo)

Thứ Ba, 01/11/2016, 08:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Hỏi: Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, tổ chức đảng, sinh hoạt chi bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 được thực hiện như thế nào?

- Trả lời:

Bộ Chính trị ban hành Hướng dẫn và tổ chức thực hiện chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương; đồng thời chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với các ban đảng Trung ương xây dựng Hướng dẫn thực hiện Quy chế chất vấn tại các kỳ họp ban chấp hành đảng bộ các cấp. Việc chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng được triển khai thực hiện và từng bước đi vào nền nếp theo đúng quy định.

Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với các cơ quan chức năng chú trọng công tác kiểm tra, chấn chỉnh tổ chức, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ và thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Hầu hết các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã ban hành nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; tăng cường chất vấn, đối thoại với cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền, khắc phục sự chồng chéo hoặc buông lỏng quản lý. Đẩy mạnh việc chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc nhằm nâng cao chất lượng công tác, đấu tranh chống các biểu hiện địa vị, cục bộ, bè phái, tùy tiện vô tổ chức, mất đoàn kết nội bộ.

- Hỏi: Những hạn chế và nguyên nhân chủ yếu trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI thời gian vừa qua?

- Trả lời:

1. Về hạn chế, khuyết điểm:

Một là, trong tự phê bình và phê bình, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm vẫn còn khá phổ biến, một số cán bộ, đảng viên chưa tự giác nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao phụ trách.

Hai là, trên một số vấn đề, qua kiểm điểm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp từ trung ương đến cơ sở vẫn chưa làm rõ thực chất, mức độ nghiêm trọng của tình hình, xảy ra ở đâu, ai chịu trách nhiệm, như tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tình trạng chạy chức, chạy tội, tham nhũng, lợi ích nhóm...

Ba là, việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định của Đảng và Nhà nước theo hướng đề cao hơn trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu (cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan hành chính nhà nước) trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân chưa thực hiện được.

Bốn là, chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu, tư vấn cấp chiến lược, cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Năm là, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có giải pháp để khắc phục; tình trạng nể nang, né tránh trách nhiệm hoặc ngại va chạm trong đánh giá cán bộ vẫn còn khá phổ biến.

Sáu là, chưa làm rõ, ngăn chặn được tình trạng chạy chức, chạy quyền. Công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng còn hạn chế so với yêu cầu đề ra. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên song chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp; một số rất ít cán bộ, đảng viên bị phần tử xấu lợi dụng lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc đã có tư tưởng, việc làm chống đối Đảng, Nhà nước.

2. Nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm:

- Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, rất phức tạp, khó dự báo, các thế lực thù địch gia tăng hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Trong nước, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát từng bước được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng còn chậm và chưa ổn định; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp trong khi yêu cầu phát triển và bảo vệ đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng cao. Tình trạng suy thoái, tham nhũng, lãng phí luôn là mối quan tâm, lo ngại lớn trong Đảng và xã hội.

Đây là những vấn đề phức tạp, không thể khắc phục được ngay trong một thời gian ngắn. Cấp ủy, người đứng đầu ở một số nơi chưa quyết tâm, gương mẫu thực hiện Nghị quyết, chưa nêu cao trách nhiệm, chưa có biện pháp đủ mạnh để làm chuyển biến tình hình ở địa phương, đơn vị.

- Các vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 là những vấn đề quan trọng, khó và đã kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, song chưa có những giải pháp đủ mạnh để khắc phục, giải quyết. Công tác thông tin, tuyên truyền về thực hiện Nghị quyết có lúc, có nơi chưa đầy đủ, kịp thời, chưa định hướng được dư luận (về phương châm thực hiện Nghị quyết, về triển khai đồng bộ 4 nhóm giải pháp...); một số địa phương, đơn vị còn buông lỏng khâu kiểm tra, giám sát thực hiện và việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm.

- Hỏi: Qua thời gian triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI có thể rút ra kinh nghiệm gì?

- Trả lời:

Một là, lựa chọn đúng các vấn đề để ra Nghị quyết và khi đã có Nghị quyết thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu gương mẫu thực hiện và chịu trách nhiệm trước cấp trên về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Hai là, triển khai thực hiện Nghị quyết bài bản, khoa học và chặt chẽ. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết hằng năm được các cấp ủy chỉ đạo, tổ chức thực hiện rất tập trung, có trọng tâm, trọng điểm.

Ba là, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 được chỉ đạo nghiêm túc, thận trọng, chặt chẽ, với nhiều điểm mới.

Bốn là, xây đi đôi với chống. Tuyên truyền, vận động, đề cao tính tự giác đi đôi với xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm.

Theo Tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương

(Còn nữa)