.

Gặp người cán bộ tiền khởi 67 tuổi Đảng

Thứ Bảy, 29/08/2015, 08:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ Nguyễn Văn Ưu, 93 tuổi đời, 67 tuổi Đảng, phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn vẫn còn khá minh mẫn khi chuyện trò với chúng tôi về những ngày Tháng Tám lịch sử năm 1945. Câu chuyện của cụ đã tái hiện lại quá khứ sinh động và đưa chúng tôi hoà vào dòng chảy trong âm vang khí thế sục sôi của những ngày khởi nghĩa giành chính quyền 70 năm trước về trước.

Tham gia hoạt động cách mạng năm 1943, cụ Nguyễn Văn Ưu nhận nhiệm vụ liên lạc cho đồng chí Đồng Sỹ Nguyên với đồng chí Nguyễn Văn Huyên (sau này là Bí thư phủ uỷ Quảng Trạch, Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa phủ Quảng Trạch), vừa theo dõi hoạt động của địch để đưa cán bộ cách mạng đi trú ẩn an toàn. Đến năm 1945, cụ tham gia các đội du kích của địa phương và có một số đóng góp vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vào những ngày Tháng Tám lịch sử.

Cụ Nguyễn Văn Ưu nhớ lại: Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, một số đảng viên, cán bộ phá tù, vượt ngục từ các nhà lao thực dân trở về hoạt động, gây dựng phong trào cách mạng tại địa phương. Lợi dụng sự hoang mang của bộ máy quan lại phủ huyện, hào lý trước quan thầy mới là phát xít Nhật, phong trào cách mạng ở phủ Quảng Trạch cũng như Lũ Phong hồi sinh, phát triển hết sức nhanh chóng.

Cụ Nguyễn Văn Ưu, cán bộ tiền khởi nghĩa 93 tuổi đời, 67 tuổi Đảng bên di tích lịch sử đình làng Lũ Phong.
Cụ Nguyễn Văn Ưu, cán bộ tiền khởi nghĩa 93 tuổi đời, 67 tuổi Đảng bên di tích lịch sử đình làng Lũ Phong.

Các hội, đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh như: Thanh niên cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc... được sắp xếp, kiện toàn và củng cố lại. Sau hội nghị cán bộ toàn tỉnh vào ngày 17-8-1945 và quyết định ngày 23-8 làm ngày khởi nghĩa toàn tỉnh, Phủ uỷ Quảng Trạch đã triệu tập hội nghị cán bộ tại đình làng Lũ Phong và quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa phủ Quảng Trạch. Toàn phủ Quảng Trạch sục sôi trong không khí khởi nghĩa. Làng Lũ Phong trở thành một trong những trung tâm của công tác chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn phủ Quảng Trạch.

Lúc bấy giờ, làng Lũ Phong như trong ngày hội với không khí sục sôi từ đầu làng đến cuối thôn, nhân dân khẩn trương chuẩn bị tinh thần, vũ khí, sắp xếp đội ngũ, bố trí đội hình và tập hợp lực lượng. Theo đúng kế hoạch khởi nghĩa, tối 22-8, lực lượng khởi nghĩa bao gồm đảng viên, cán bộ, lực lượng vũ trang tự vệ của Phủ ủy Quảng Trạch và hàng nghìn người dân từ khắp các làng xung quanh như Hậu Lộc, Lộc Điền, Pháp Kệ, Hạ Thôn... kéo về tập trung tại đình Lũ Phong chuẩn bị khởi nghĩa.

Rạng sáng ngày 23-8, lực lượng khởi nghĩa của phủ Quảng Trạch từ Lũ Phong, Tiên Lệ và Thổ Ngọa rầm rập tiến về Ba Đồn giành chính quyền. Trước khí thế sục sôi cách mạng của quần chúng nhân dân và sự thắng lợi của khởi nghĩa giành chính quyền nhanh chóng ở phủ đường Quảng Trạch, tại Lũ Phong và các làng xã thuộc phủ Quảng Trạch, bộ máy hào lý, hương thôn tự động giải tán và giao quyền quản lý cho cách mạng...

Một chút bồi hồi, cụ Nguyễn Văn Ưu kể: Vào thời điểm giành chính quyền ở phủ đường Quảng Trạch, tôi cùng một số anh em tự vệ được đồng chí Nguyễn Văn Huyên, Bí thư Phủ ủy Quảng Trạch điều động chở 5 khẩu súng chèo đò lên Tuyên Hóa để trợ lực cùng nhân dân Tuyên Hóa khởi nghĩa giành chính quyền.

Sau khi cùng với nhân dân Tuyên Hoá hoàn thành nhiệm vụ cướp chính quyền, tôi trở về Ba Đồn với tâm trạng rạo rực khi được chứng kiến hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc phủ đường và khắp nơi trong thị trấn. Ngày 24-8, trước hàng nghìn người từ khắp nơi tập trung tại chợ phiên Ba Đồn, Ủy ban khởi nghĩa đã tổ chức mít tinh, tuyên bố với đồng bào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công, chính quyền cách mạng được thành lập...

Trong quá trình hoạt động cách mạng, dù ở cương vị nào cụ Nguyễn Văn Ưu luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 1970, cụ nghỉ hưu và trở về sinh sống cùng gia đình tại Quảng Phong cho đến ngày nay. Không những luôn tích cực, năng nỗ tham gia sinh hoạt tại các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương, cụ còn có nhiều đóng góp quan trọng cho các hoạt động xã hội ở địa phương trong suốt thời gian qua.

P.V