.

Đoàn kết, đổi mới, đưa Đồng Hới phát triển nhanh, sớm trở thành thành phố du lịch

Thứ Tư, 26/08/2015, 10:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm năm qua, kế thừa và phát huy những thành tựu sau gần 30 năm đổi mới đất nước; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp giúp đỡ của các sở, ban, ngành, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, Đảng bộ và nhân dân thành phố Đồng Hới đã đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX đề ra.

Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố kiểm tra các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố.
Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố kiểm tra các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố.

Đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh đều đạt và vượt; hoàn thành mục tiêu nâng cấp thành phố trở thành đô thị loại II. Kinh tế phát triển toàn diện, huy động tốt hơn các nguồn lực đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại. Văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến, an sinh xã hội bảo đảm, hộ nghèo giảm nhanh, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Về kinh tế, thành phố ưu tiên phát triển dịch vụ thương mại, du lịch. Chương trình phát triển thương mại, du lịch giai đoạn 2011- 2015 thực hiện hiệu quả. Toàn thành phố có 10.248 cơ sở kinh doanh, thương mại, tăng 1.638 cơ sở so với năm 2010. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quân hàng năm 17,5%, gấp 2,2 lần so với năm 2010. Giá trị xuất khẩu đạt 120 triệu USD, tăng 9% so với đầu nhiệm kỳ.

Dịch vụ du lịch từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Cơ sở hạ tầng các bãi tắm biển Nhật Lệ, Bảo Ninh Quang Phú được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Hệ thống nhà hàng, khách sạn phát triển mạnh với 155 cơ sở lưu trú, 3.061 phòng nghỉ, gần 6.000 giường, tăng 21 cơ sở. Tuần Văn hoá- Du lịch Đồng Hới hàng năm được duy trì và từng bước nâng cao về quy mô, chất lượng, nhiều lễ hội truyền thống  khôi phục và phát huy. Lượng khách du lịch đến Đồng Hới năm 2015 gần 1 triệu lượt người, tăng bình quân hàng năm là 19,3%, gấp 2 lần so với 2010.

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 12,8%, chủ yếu ở các ngành có lợi thế như: sản xuất vật liệu xây dựng, sản phẩm gốm sứ, sản phẩm từ kim loại, chế biến thuỷ sản, lâm sản, dịch vụ cơ khí... Các cơ sở sản xuất tăng nhanh với 2.196 cơ sở, tăng 378 cơ sở so với năm 2010, giải quyết việc làm cho 11.525 lao động. Thành phố thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, xây dựng sản phẩm có thương hiệu. Các cụm công nghiệp được đầu tư và đưa vào khai thác như: Tây Bắc Đồng Hới, Thuận Đức, Bắc Nghĩa, Phú Hải, Tân Sơn... đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế thành phố.

Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển, nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình được củng cố, kiện toàn. Thành phố có 17 hợp tác xã, 4 quỹ tín dụng nhân dân và 1.716 doanh nghiệp, tăng 1,5 lần so với năm 2010, thu hút 26.367 lao động. Các thành phần kinh tế góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, khai thác tiềm năng, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng bình quân hàng năm 4,4%. Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch tích cực theo hướng nông nghiệp đô thị, năng suất, chất lượng, hiệu quả. Diện tích đất canh tác có thu nhập trên 50 triệu đồng/ha, tăng từ 30% năm 2010 lên 35,8% năm 2015. Đã hình thành một số vùng sản xuất rau an toàn tại xã Bảo Ninh, Đức Ninh. Chăn nuôi phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị, mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại được chú trọng đầu tư. Tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 49% năm 2010 lên 52% năm 2015. Các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm được kiểm soát chặt chẽ.

Công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ, phòng, chống cháy rừng và trồng rừng được chú trọng; công tác giao đất, giao rừng được thực hiện kịp thời, cơ bản bảo đảm diện tích rừng có chủ quản lý. Giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân hàng năm tăng 9,9%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 43,3%.

Ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố. Kinh tế biển phát triển mạnh, ngư dân chú trọng đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá công suất lớn, nâng cấp ngư cụ, mở rộng ngư trường, nâng cao hiệu quả và chất lượng khai thác hải sản. Các tổ hợp tác, tổ đoàn kết trên biển được thành lập, gắn sản xuất với bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo, hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Dịch vụ hậu cần nghề cá đáp ứng nhu cầu sản xuất của ngư dân. Sản lượng đánh bắt tăng bình quân hàng năm 7,2%. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển, đối tượng nuôi đa dạng, các mô hình nuôi thuỷ sản giá trị kinh tế cao được nhân rộng. Giá trị sản xuất thủy sản bình quân hàng năm tăng 5,1%.

Xác định phát triển đô thị là nhiệm vụ trọng tâm, thành phố tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại và hoàn thành mục tiêu nâng cấp thành phố Đồng Hới lên đô thị loại II sớm trước 1 năm so với Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy.

Công tác quy hoạch được triển khai tích cực, tập trung thực hiện quy hoạch chung điều chỉnh xây dựng thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch các khu đô thị mới, quy hoạch các xã nông thôn mới, nâng tỷ lệ quy hoạch chi tiết lên 75% diện tích đất xây dựng đô thị.

Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư phát triển đồng bộ. Tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn trong 5 năm đạt trên 5.927 tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với giai đoạn 2005- 2010. Nhiều công trình trọng điểm được xây dựng, hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và tạo diện mạo mới cho thành phố. Công tác xã hội hóa xây dựng đường giao thông quy mô nhỏ, vỉa hè, điện chiếu sáng trong khu dân cư, trồng cây xanh đường phố theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” triển khai có hiệu quả, phần lớn các tuyến đường giao thông quy mô nhỏ đã được cứng hóa và có điện chiếu sáng công cộng.

Tổng số đường được rải nhựa hoặc bê tông hóa 457km, chiếm tỷ lệ gần 84% trên tổng số chiều dài đường giao thông đô thị; xây dựng 154.768m2 vỉa hè, nâng tổng số diện tích vỉa hè lát gạch lên 267.968m2. Trồng mới 8.986 cây xanh tại 78 tuyến đường; cải tạo, trồng mới thảm cỏ, cây xanh tại các giải phân cách, đảo giao thông, công viên với diện tích hơn 78.979m2. Đất cây xanh toàn đô thị đạt 12,5m2/người. Hệ thống điện được cải tạo, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân và bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải bình quân 28.921 tấn năm, đạt 95%. 

Thành phố thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí huy động từ các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới đạt trên 207 tỷ đồng, tập trung đầu tư hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, chợ, các thiết chế văn hóa thể thao... diện mạo khu vực nông thôn từng bước thay đổi theo hướng đô thị hoá, hiện đại, văn minh. Đến năm 2014, thành phố có 4/6 xã được công nhận xã đạt các tiêu chí nông thôn mới. Phấn đấu trở thành địa phương đầu tiên trong tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2015.

Về văn hóa- xã hội: chất lượng giáo dục- đào tạo ngày càng nâng cao, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tăng. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên từng bước đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm chất lượng, 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo. Công tác xã hội hoá giáo dục, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được đông đảo các cơ quan, đơn vị và nhân dân tích cực hưởng ứng. Nguồn nhân lực phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” phát triển sâu rộng. Tỷ lệ gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa ngày càng cao. Thành phố có 93,4% gia đình văn hóa; 75,5% thôn, tổ dân phố văn hóa. Các thiết chế văn hoá, thể thao từ thành phố đến cơ sở được đầu tư hoàn thiện và hoạt động có hiệu quả.

Bên cạnh đó, mạng lưới y tế được hoàn thiện, củng cố. Cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng tại các trạm y tế được đầu tư nâng cấp. Đội ngũ cán bộ y tế đáp ứng yêu cầu về số lượng và nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Thành phố có 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% trạm y tế có bác sĩ; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 11% năm 2010 xuống còn 8,48%.

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được chú trọng, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng nhanh, đạt 70%; tăng 25% so với năm 2010, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 56,4%. Bình quân mỗi năm thành phố giải quyết việc làm cho trên 7.000 lao động (KH: 6.500 - 7.000 lao động). Công tác giảm nghèo được lồng ghép với nhiều chương trình phát triển kinh tế- xã hội khác. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,61% năm 2010 xuống còn 1% năm 2015. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao; thu nhập bình quân đầu người đạt 2.000 USD/năm.

Sức vươn thành phố Đồng Hới.
Sức vươn thành phố Đồng Hới.

Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 khẳng định: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy dân chủ, đổi mới, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, xây dựng thành phố Đồng Hới giàu đẹp, văn minh, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của tỉnh, phấn đấu trở thành thành phố du lịch”.

Các chỉ tiêu cơ bản đặt ra là: giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân hàng năm 15%; giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản tăng 4 đến 5%; lượng khách du lịch tăng từ 18 đến 20%; tổng thu ngân sách đạt 550 tỷ đồng (không tính nguồn thu từ quỹ đất). Phấn đấu cuối năm 2015, thành phố trở thành địa phương đầu tiên trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt từ 3.200 đến 3.500 USD.

Về văn hóa - xã hội: giữ vững phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; 95% trường học đạt chuẩn quốc gia; hàng năm phấn đấu 94%- 95% gia đình văn hóa; 75%- 80% thôn, tổ dân phố văn hóa; trên 70% phường đạt chuẩn văn minh đô thị; 80% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; giữ vững 100% phường, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; đến năm 2020 có trên 75% lao động qua đào tạo; giải quyết việc làm từ 5.000 đến 5.500 lao động/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%...

Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2015- 2020, sớm đưa Đồng Hới trở thành thành phố du lịch, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Huy động tốt các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II.

Trong đó, tập trung xây dựng đường giao thông, lát vỉa hè, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trong khu dân cư; xây dựng hệ thống thu gom nước thải trong khu dân cư; xây dựng Trung tâm hành chính tập trung các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể thành phố. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng trên lĩnh vực thương mại, du lịch; triển khai các giải pháp đồng bộ về xây dựng văn minh đô thị...

Đại hội Đảng bộ thành phố Đồng Hới lần thứ XX có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển trong 5 năm tới và những năm tiếp theo. Đảng bộ thành phố quyết tâm khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, tranh thủ thời cơ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX đề ra, xây dựng thành phố ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.                              

Trần Đình Dinh
Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố