.

Quảng Ninh: 25 năm đổi mới và phát triển

Thứ Năm, 25/06/2015, 13:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 1-6-1990, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) có Quyết định số 190/QĐ-HĐBT chia tách huyện Lệ Ninh thành hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy; ngày 1-7-1990, huyện Quảng Ninh được tái lập. Phóng viên Báo Quảng Bình đã có buổi trò chuyện với đồng chí Nguyễn Viết Ánh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện về chặng đường 25 năm xây dựng và trưởng thành của huyện Quảng Ninh.

>> Đảng bộ huyện Quảng Ninh: Chú trọng đổi mới công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

- Phóng viên (PV): Thưa đồng chí! Trong bộn bề khó khăn những ngày đầu mới thành lập, huyện Quảng Ninh đã có những giải pháp gì để ổn định và định hướng về sự phát triển lâu dài của huyện nhà?

- Đồng chí Nguyễn Viết Ánh: Nhớ lại 25 năm trước, ngày trở về phải đối mặt với bộn bề khó khăn, thử thách. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp; cơ sở hạ tầng lạc hậu, thiếu thốn; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.

Xác định nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ từ huyện đến tận thôn, bản phục vụ đời sống nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quảng Ninh đề ra khẩu hiệu ngay từ đầu: “Đoàn kết-Đổi mới- Tiến lên”, xây dựng 8 cốt vật chất “Đồng- Đồi- Điện- Đường- Xưởng- Trường- Trạm- Chợ” gắn với xây dựng củng cố hệ thống chính trị vững mạnh với 8 cốt chính trị “Huyện- Xã- Thôn- Chi bộ- Hộ- Hợp- Hội- Đoàn” tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng huyện ổn định và phát triển.

- PV: Và những thành tựu đạt được trong 25 năm qua?

- Đồng chí Nguyễn Viết Ánh: Sau 25 năm tái lập, Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội... Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 13%. Kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng từ xuất phát điểm thấp, đến năm 2015 tăng 22%; giá trị dịch vụ tăng 12%; sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp tăng 4,2%.

Cơ cấu kinh tế đến năm 2015: công nghiệp, xây dựng chiếm 39%; nông- lâm- ngư nghiệp chiếm 35%; thương mại, dịch vụ chiếm 26%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 62,59 tỷ đồng, tăng bình quân 10,4%; thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/năm. Đến năm 2014, diện tích trồng cây lương thực đạt 9.400 ha, tăng hơn 1.000 ha; sản lượng lương thực từ 19.200 tấn năm 1991 tăng  lên 50.680 tấn. Toàn huyện có 3.565 ha thu nhập từ 70 triệu đồng/năm trở lên, trong đó có 380 ha cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Quảng Ninh huy động được hơn 2.100 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, ngân sách nhà nước trên 1.500 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 500 tỷ đồng.

Thị trấn Quán Hàu bên dòng Nhật Lệ.
Thị trấn Quán Hàu bên dòng Nhật Lệ.

Nét nổi bật về bức tranh kinh tế huyện nhà trong 25 năm qua là cùng với việc duy trì phát triển ổn định giá trị sản xuất nông-lâm-ngư-nghiệp, huyện đã xây dựng được các cụm công nghiệp, cụm làng nghề như: cụm công nghiệp Áng Sơn (Vạn Ninh); cụm công nghiệp, làng nghề tây bắc thị trấn Quán Hàu; Nhà máy xi măng Vạn Ninh thuộc Tổng công ty Vicem Hải Vân công suất 50 vạn tấn/năm; Nhà máy may S&D thuộc Tổng Công ty May 10; Nhà máy chế biến tinh bột sắn Long Giang và Công ty cổ phần gạch Tuynen Vĩnh Ninh hoạt động hiệu quả góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 2.000 lao động với mức thu nhập ổn định. Tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn từng bước phát triển. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt trên 893 tỷ đồng, tăng 228,5% so với năm 2010.

Cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa-xã hội luôn được quan tâm. Giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện cả về mạng lưới trường lớp, số lượng và chất lượng. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm và có nhiều tiến bộ; mạng lưới y tế từ huyện đến tận thôn, bản, tiểu khu được đầu tư xây dựng cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ.

Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển rộng khắp và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư tiếp tục được duy trì, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 79%; thôn, bản, tiểu khu được công nhận danh hiệu văn hóa đạt 56%.

Hàng năm giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động, (tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 36%), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 11% năm 2010 xuống còn 7,5% năm 2014, phấn đấu đến 2015 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%. Quốc phòng an ninh tiếp tục được củng cố vững chắc, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có sự chuyển biến tích cực, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Các tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội được củng cố, kiện toàn, từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động góp phần thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên địa bàn.

- PV: Hai mươi lăm năm đổi mới và phát triển, thành tựu trên các lĩnh vực đạt được hết sức to lớn. Nhưng để đưa huyện Quảng Ninh tiến vững chắc thì cần có những định hướng dài hơi, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Viết Ánh: Hai mươi lăm năm đổi mới và phát triển, Quảng Ninh tự hào trước những thành tựu to lớn cùng với sự đổi thay toàn diện, sâu sắc trên mọi lĩnh vực. Để  tiếp tục xây dựng một Quảng Ninh phát triển toàn diện và vững chắc cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp như sau:

Trước hết, huyện ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thu hút các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; khai thác tốt các thế mạnh, tiềm năng, lợi thế hiện có của huyện, như: dệt may du lịch, công nghiệp sạch... ít tác động đến môi trường sinh thái.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2019, huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo động lực phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế và có tỷ trọng lớn như sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, chế biến nông-lâm-thủy sản; phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân 18%/năm và đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp chiếm 45% trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Phát triển mạnh các ngành nghề dịch vụ, từng bước đưa du lịch phát triển gắn với ngành mũi nhọn của tỉnh, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương.

Hai là, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, văn hóa thể thao, y tế, giảm nghèo bền vững, giải quyết tốt các chính sách xã hội.

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng quốc phòng-an ninh.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội. Thực hiện tốt công tác dân vận. Đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở, nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Năm là, nâng cao hiệu quả hoạt động điều hành của chính quyền các cấp, tiếp tục thực hiện tốt chương trình tổng thể cải cách hành chính đến năm 2020; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Thực hiện nghiêm chế độ công vụ của cán bộ công chức, viên chức nhà nước để nhà nước thực sự là của dân, do dân, vì dân.

Sáu là, chú trọng công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp tục thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng, nhận thức và hành động đối với cán bộ, đảng viên.

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng và những thành tựu đạt được trong 25 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quảng Ninh nêu cao ý chí tự lực, tự cường, không ngừng đổi mới, đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng Quảng Ninh vững mạnh, hòa nhịp cùng tỉnh Quảng Bình và cả nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

- PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thanh Long (thực hiện)