.

Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Ninh: Thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Thi đua là yêu nước"

Thứ Năm, 14/05/2015, 11:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân trong toàn huyện, những năm qua, phong trào thi đua yêu nước được Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Ninh đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực. Thông qua các phong trào, các cuộc vận động, cùng với chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm đã phát huy sức mạnh của mỗi cá nhân, gia đình đến cộng đồng góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Ninh phát động giai đoạn 2010-2015.
Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Ninh phát động giai đoạn 2010-2015.

5 năm qua, thông qua việc tổ chức thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư” gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQG XDNTM), cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và công tác cứu trợ, Mặt trận các cấp ở huyện Quảng Ninh đã tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần làm cho diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, khang trang.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư trong giai đoạn mới” được Mặt trận các cấp đặc biệt chú trọng. Việc bình xét, thẩm định để xếp loại, công nhận “Khu dân cư tiên tiến”, “Khu dân cư văn hóa”, “Gia đình văn hóa” hàng năm được tiến hành chặt chẽ, theo quy định, qua đó đã tạo khí thế thi đua sôi nổi giữa các khu dân cư và giữa các hộ gia đình. Năm 2010 toàn huyện có 35 khu dân cư văn hóa (đạt 29,7%), 15.211 gia đình văn hóa (đạt 69%) thì năm 2014 có 65 khu dân cư văn hóa (đạt 56%), 19.491 gia đình văn hóa (đạt 78,7%)...

Nét nổi bật trong phát triển kinh tế là nhân dân đã tự nguyện giúp nhau về vốn, giống, kinh nghiệm sản xuất, đồng thời các tổ chức thành viên đã hình thành nhiều nhóm tiết kiệm hùn vốn, tổ tự quản vay vốn, các tổ khuyến nông, khuyến ngư để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, số hộ khá, hộ giàu ngày càng tăng. Cuối năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 9,2%, giảm 4,7% so với năm 2013. Trong năm 2014 đã giải quyết việc làm cho 3.560 lao động, đào tạo nghề cho 950 lao động (trong đó tạo thêm việc làm cho 1.410 lao động, tạo việc làm mới cho 2.159 lao động).

Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình MTQG XD NTM, nhân dân trong huyện đã tự nguyện hiến ngày công, hiện vật và tiền mặt có tổng trị giá hàng chục tỷ đồng. Đến nay, Quảng Ninh có 1 xã (Lương Ninh) về đích nông thôn mới; 3 xã (Võ Ninh, Hàm Ninh, Xuân Ninh) đạt 16 tiêu chí; 2 xã (Hiền Ninh, Vĩnh Ninh) đạt 14 tiêu chí... Toàn huyện đã đạt 172 tiêu chí, tăng 41 tiêu chí so với đầu năm 2014, mức tăng trung bình 2,9 tiêu chí/xã. Phấn đấu trong năm nay Quảng Ninh sẽ có thêm 2 xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Để giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hóa riêng, mang dấu ấn truyền thống của địa phương, Mặt trận các xã, thị trấn và Ban công tác Mặt trận các khu dân cư đã đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục. Trong đó, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong nhân dân và các già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo trong vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhiều khu dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực vận động nhân dân từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu,  mê tín dị đoan, xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới.

Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dùng cho hoạt động văn hóa, tạo điều kiện cho phong trào văn hóa cơ sở được giữ gìn và phát triển. Hàng năm các địa phương đã đầu tư xây dựng nhà văn hoá ở khu dân cư, bê tông hoá giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và các công trình phúc lợi khác trị giá hàng tỷ đồng. Hiện nay toàn huyện có 75/116 khu dân cư có hệ thống loa truyền thanh; có trên 120 câu lạc bộ với các loại hình sinh hoạt phong phú, thường xuyên hoạt động, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đa dạng, phong phú ở mỗi địa phương.

Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và công tác cứu trợ được sự đồng tình hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Tháng cao điểm “Vì người nghèo” được tổ chức hàng năm trở thành hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Trong 5 năm qua, Quỹ Vì người nghèo trong toàn huyện đã thu được trên 1,7 tỷ đồng. Cùng với các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, huyện Quảng Ninh đã triển khai xây dựng 144 nhà đại đoàn kết và 638 nhà theo chương trình 167 cho người nghèo trị giá trên 19 tỷ đồng. Điển hình tốt trong huy động Quỹ Vì người nghèo và tập trung xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo là các đơn vị Vĩnh Ninh, Vạn Ninh, thị trấn Quán Hàu, Võ Ninh, Xuân Ninh...

Công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, từ thiện, nhân đạo ở các khu dân cư không ngừng được mở rộng và nâng cao chất lượng, đã trở thành hoạt động thường xuyên ở các địa phương. Hiệu quả nổi bật là hoạt động xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, “Áo ấm tặng bà”, “Gánh củi tình thương”,...

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng triển khai đồng bộ, nhân ra diện rộng và dần đi vào chiều sâu. Mặt trận các cấp cùng các tổ chức thành viên đã chú trọng tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung cuộc vận động đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Do vậy các tầng lớp nhân dân trong huyện đã tích cực tham gia hưởng ứng và từng bước hình thành nét đẹp văn hóa trong sản xuất, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt, xóa bỏ tâm lý sính hàng ngoại trong một bộ phận người dân, thúc đẩy phát huy các ngành nghề truyền thống, phát triển thêm ngành nghề mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trên địa bàn. 

Ngoài ra, để góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, giữ vững tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương, Mặt trận cơ sở đã xây dựng và duy trì 108 tổ an ninh xung kích tự quản; vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm”, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi hòa nhập tại cộng đồng dân cư; xây dựng và duy trì 23 mô hình “Khu dân cư phòng chống tội phạm”, “Khu dân cư không có ma tuý”, “Khu dân cư bảo đảm an toàn giao thông”, “Thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn ma tuý, mại dâm”...

Đồng chí Lê Thị Minh Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Ninh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn huyện vẫn một số hạn chế, tồn tại, như: Một số Ban công tác Mặt trận nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và công tác thi đua khen thưởng; công tác tuyên truyền một số khu dân cư, nhóm nòng cốt còn hạn chế, chưa phát huy được sức dân một cách đồng bộ...

Vì vậy để tiếp tục khơi dậy tinh thần đoàn kết, thi đua lao động, sản xuất trong cộng đồng dân cư trên địa bàn, trong thời gian tới, Mặt trận các cấp ở huyện Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân; chú trọng việc phát huy vai trò làm chủ, tự quản của nhân dân; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; đồng thời thường xuyên có kế hoạch bồi dưỡng, phát hiện các điển hình tiên tiến mới để nhân ra diện rộng; làm tốt công tác thi đua khen thưởng và kịp thời biểu dương tôn vinh người tốt, việc tốt... Từ đó đưa các phong trào thi đua  trên địa bàn huyện ngày càng đi vào chiều sâu và đạt kết quả cao.

Hương Trà