.

Thanh Trạch đất anh hùng

Thứ Hai, 27/04/2015, 16:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Là địa phương nằm phía bắc của huyện Bố Trạch, trên tuyến quốc lộ 1- mạch máu giao thông của đất nước và cảng Gianh nên Thanh Trạch trở thành trọng điểm bắn phá ác liệt của giặc Mỹ. Vượt qua mất mát, đau thương Đảng bộ và nhân dân Thanh Trạch đã đoàn kết một lòng, thực hiện tốt nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, vận tải hàng hóa, góp phần cùng quân dân cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng.

Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Trạch ghi lại: năm 1968 là năm địch đánh phá ác liệt nhất vào địa bàn xã Thanh Trạch, bởi nơi đây nằm trong một tam giác lửa: phía bắc là cảng Gianh, quân cảng sông Gianh; phía nam là đèo Lý Hòa, cầu Khe Nước; phía tây là cống 4, cống 10; phía đông với gần 6 cây số đường biển, có cửa sông Gianh là nơi tiếp cận với sự khiêu khích bắn phá của các loại tàu chiến và hạm đội Mỹ. Bởi vậy, Thanh Trạch trở thành “tọa độ lửa”, là “túi bom” bên bờ nam dòng sông Gianh lịch sử.

Vượt qua gian lao thử thách, mất mát đau thương, quân và dân Thanh Trạch đã anh dũng chiến đấu, làm tốt phục vụ chiến đấu, vận tải hàng hóa... Lực lượng dân quân Thanh Trạch càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng lớn và không ngừng trưởng thành. Chỉ tính riêng trong năm 1968, với 2 khẩu 12 ly 7 cùng với các loại súng trường, tiểu liên, trung liên, dân quân Thanh Trạch đã bắn cháy 2 máy bay F4H và 1 máy bay không người lái; đồng thời tham gia cùng bộ đội, TNXP và dân quân các xã bạn làm tốt công tác thông đường, thông mạch máu giao thông cho xe chở hàng ra tiền tuyến.

Xã Thanh Trạch đang khởi sắc từng ngày.
Xã Thanh Trạch đang khởi sắc từng ngày.

Hai ngày trước khi chính phủ Mỹ tuyên bố ngừng bắn, ngày 13-1-1973 được ghi vào lịch sử với vụ thảm sát của bom đạn đế quốc Mỹ vào khu vực xóm Dừa, thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch. Ngay giữa trưa, hai máy bay trinh sát bay qua bắn pháo mù xuống Cống 10 và vùng Quyết Thắng, cùng lúc một tốp máy bay F4H nhào xuống cắt bom. Vụ thảm sát đã làm 156 người chết, hàng trăm người bị thương; đa phần trong số họ là lực lượng TNXP, công nhân cảng Gianh, binh trạm 16 xăng dầu và nhân dân Hợp tác xã Quyết Thắng. 156 người trong vụ thảm sát đã trở thành những liệt sĩ vô danh, mãi mãi vĩnh hằng trong lòng đất mẹ.

Gạt nước mắt và đau thương, quân và dân Thanh Trạch vẫn bền gan vững chí, đứng lên bảo vệ quê hương trong chi chít hố bom, trong khét lẹt của mùi bom đạn. Chỉ trong vòng 1 ngày, cùng với các xã vùng bắc Bố Trạch, bộ đội, dân quân xã Thanh Trạch đã khẩn trương chuyển các phương tiện để bắc cầu phao qua sông Gianh, bảo đảm bình quân một ngày có 684 xe cơ giới ra vào vận chuyển hàng hóa. Các đội thuyền vận tải của các hợp tác xã Thanh Xuân, Thanh Hải, Thanh Khê... tham gia vận tải đường sông từ cảng Gianh lên các bến Khương Hà, Xuân Sơn...

Trong suốt gần 9 năm (từ 5-8-1964 đến 15-1-1973) chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã sử dụng hơn 20.000 lượt máy bay, trong đó có máy bay B52, F111A suốt ngày đêm dội xuống mảnh đất được mệnh danh là “tọa độ lửa”, là “trọng điểm bắn phá số 1” với mức độ hủy diệt. Đế quốc Mỹ đã dội xuống mảnh đất nhỏ hẹp này hơn 2.400.000 quả bom các loại (không tính bom bi, rốc két). Bình quân mỗi đầu người phải chịu đựng hơn 300 quả bom các loại trong suốt 9 năm; nhiều thôn xóm bị san bằng hủy diệt.

Ngày 26-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Trong đoàn quân tiến về Sài Gòn, có hàng trăm người con của quê hương Thanh Trạch, Bố Trạch vinh dự được góp sức mình trong trong giờ phút làm nên chiến thắng thần tốc, vĩ đại của dân tộc.                                         

Đồng chí Nguyễn Văn Lào, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch cho biết: Đảng bộ xã Thanh Trạch hiện có 352 đảng viên, sinh hoạt ở 12 chi bộ và 1 ĐBBP. Phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thanh Trạch luôn nỗ lực vươn lên xây dựng tổ chức đảng ngày càng vững mạnh, đồng thời đề ra các giải pháp phát triển kinh tế hợp lý để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, những năm qua, kinh tế - xã hội xã Thanh Trạch ngày càng có nhiều khởi sắc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với tỷ lệ 60% TTCN - dịch vụ, 40% nông-lâm-ngư nghiệp; tổng sản lượng lương thực hàng năm 1.050 tấn/KH 1.000 tấn; giá trị TTCN-dịch vụ 100 tỷ/KH 70 tỷ; thu nhập bình quân đầu người 27 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2015 là 2,88% (giảm 2,62% so với năm 2010).

Điểm nổi bật trong xây dựng NTM ở Thanh Trạch là địa phương đã huy động mọi nguồn lực từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cũng như sự đóng góp của nhân dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong 4 năm đã vận động nhân dân đóng góp được trên 3 tỷ đồng, 102 hộ tự nguyện hiến 3.046 m2 đất, 126 hộ hiến cổng, hàng rào và các tài sản khác ước tính trên 1,4 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học, hệ thống kênh mương tưới tiêu... Đến nay, xã đã đạt 18/19 tiêu chí và đang phấn đấu cán đích NTM trong năm 2015. Hiện toàn xã có 3/4 trường đạt chuẩn quốc gia, 2.077 hộ đạt gia đình văn hóa, 6/8 làng đạt danh hiệu làng văn hóa, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm.

Thanh Trạch, vùng đất anh hùng đang từng ngày thay da đổi thịt, hòa cùng nhịp sống mới. Tin tưởng rằng, với sự đồng sức đồng lòng của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Thanh Trạch sẽ có những bước tiến dài và vững chắc trên con đường phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng là “lũy thép” bên bờ nam sông Gianh.

Thanh Hải