.

Phát huy hào khí Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững

Thứ Hai, 27/04/2015, 16:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2015, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng long trọng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là sự kiện chính trị trọng đại, là dịp để ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam; đồng thời, để tăng cường niềm tin của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới-thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc ta. Nhân dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người, kết thúc cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho đất nước; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta, đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình dân chủ và tiến bộ xã hội.

40 năm, kể từ ngày đất nước được giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo nàn lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, lại bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã vươn lên phát triển kinh tế với tốc độ khá nhanh, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập quốc tế. Chính trị xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.

Cùng với những thành tựu chung của đất nước, 40 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, đạt được những thành quả to lớn. Là một trong những địa phương có điểm xuất phát thấp, lại chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh nhưng đến nay, Quảng Bình đã có sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch đúng hướng.

Trong đó, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản chiếm 20,6%, công nghiệp - xây dựng chiếm 36,8%, dịch vụ chiếm 42,6%, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt kế hoạch 7,5% - đây là mức tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thu ngân sách trên địa bàn vượt mức dự toán và tăng gấp 25 lần so với thời điểm tái lập tỉnh. Từ một địa phương thường xuyên phải đối phó với thiếu đói, giáp hạt, đến nay, không những đã cân đối được nhu cầu tiêu dùng mà còn có khả năng sản xuất lương thực hàng hóa. Sản lượng lương thực đạt cao nhất từ trước đến nay (29,9 vạn tấn).

Từ xuất phát điểm gần như trắng về công nghiệp, trải qua 40 năm sau ngày đất nước được giải phóng, công nghiệp tỉnh ta đã có bước phát triển mới. Nhiều ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế như sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, may mặc, khai thác chế biến các mặt hàng nông - lâm - thủy sản... được hình thành, góp phần đắc lực vào việc thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà phát triển.

Từ chỗ kết cấu hạ tầng trở về con số không, hệ thống đường sá, bến phà, cầu cống... bị chiến tranh tàn phá hoàn toàn, đến nay, chính ngay trên các tọa độ lửa đó đã có biết bao tuyến đường, cây cầu vào Nam, ra Bắc, lên ngược, về xuôi, bao công trình được xây dựng, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân.

Thành tựu nổi bật sau 40 năm phấn đấu trưởng thành của tỉnh nhà trên lĩnh vực văn hóa - xã hội đó là hệ thống giáo dục, y tế, công nghệ thông tin, phát thanh - truyền hình phát triển vượt bậc. Hiện nay, 100% xã có trạm y tế và có bác sỹ làm việc; 100% xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập trung học cơ sở, 32% trường mầm non, 72% trường tiểu học, 45% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn tăng ở các cấp học. Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (bình quân từ 4 - 5%/năm), dự kiến giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2015 còn 5,17%.

Một sự kiện quan trọng trong đời sống văn hóa của tỉnh là ngày 1-7-2014 kênh truyền hình Quảng Bình được phát trên Vệ tinh Vinasat I. Từ đây, hình ảnh quê hương, văn hóa và con người Quảng Bình với bao tiềm năng, thế mạnh được giới thiệu với bạn bè trong nước và thế giới.

Thành phố Đồng Hới đang đổi mới từng ngày.
Thành phố Đồng Hới đang đổi mới từng ngày.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được những kết quả quan trọng. Trải qua thực tiễn, Đảng bộ Quảng Bình đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, đủ sức lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong giai đoạn cách mạng mới.

Có thể khẳng định, 40 năm kể từ ngày đất nước hòa bình, thống nhất là một chặng đường dài đầy thử thách, cam go, nhưng Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta đã đạt được những thành quả hết sức to lớn. Tuy vậy, so với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập hiện nay thì Quảng Bình đang đứng trước những thử thách nặng nề, những mâu thuẫn lớn cần được giải quyết.

Đó là, mâu thuẫn giữa nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với mức bình quân chung của cả nước và các tỉnh trong khu vực với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển nhanh, bền vững với điều kiện nguồn lực, khả năng, điều kiện nền kinh tế còn nhỏ bé, chưa có những ngành kinh tế công nghiệp mũi nhọn, những dự án động lực tạo nên “cú hích” đột phá cho sự phát triển. Lợi thế có nhiều nhưng khả năng thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài còn yếu. Mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển, hội nhập, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa với chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn thấp. Đó còn là mâu thuẫn giữa yêu cầu về lãnh đạo, quản lý một nền kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp, hiện đại với năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy Nhà nước còn nhiều bất cập...

Những mâu thuẫn đó có tác động qua lại, đan xen lẫn nhau và nếu chậm hoặc không được giải quyết thì đây chính là lực cản, là trở ngại lớn nhất cho quá trình phát triển của tỉnh nhà trong nhiều năm tới. Chậm phát triển, để nền kinh tế tụt hậu quá xa so với bình quân chung của cả nước là không thể chấp nhận, chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử và chưa làm tròn trách nhiệm, bổn phận của những người đang sống với biết bao người đã khuất, đã hy sinh xương máu vì quê hương, đất nước.

Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, của hào khí Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà tiếp tục phấn đấu xây dựng quê hương phát triển nhanh, bền vững.

Trước hết, không ngừng xây dựng ý chí, quyết tâm, hoài bão, khát vọng thoát nghèo, vươn lên xây dựng quê hương giàu mạnh trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Biến ý chí, quyết tâm thành các phong trào lớn trong thực tiễn. Trong chiến tranh cách mạng nói chung, cuộc kháng chiến chống Mỹ nói riêng, đặc biệt là Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã chứng minh một chân lý ngời sáng: Nếu không có khát vọng độc lập tự do, hòa bình thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước được hun đúc, nhân lên và thức tỉnh ở triệu triệu trái tim, khối óc của những người con đất Việt để có những hành động, việc làm “xả thân” vì nước thì không thể có một nền hòa bình, độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ như ngày nay. Khát vọng hòa bình trước đây và khát vọng xây dựng quê hương giàu mạnh ngày nay phải được thực hiện bằng chung một ý chí.

Ý chí, quyết tâm, hoài bão lớn trong phát triển kinh tế hiện nay phải được đặt trên nền nhận thức và thực hiện đúng những quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế. Thực hiện tốt phương châm: Mỗi gia đình, làng, xã giàu có là huyện, tỉnh giàu có; huyện, tỉnh giàu có thì đất nước sẽ phú cường.

Thứ hai, khai thác và phát huy mạnh mẽ hơn nữa các tiềm năng và lợi thế của tỉnh, như tiềm năng về con người, đất đai, rừng, biển, hệ thống giao thông, bến cảng, Di sản thiên nhiên thế giới... Trong các tiềm năng thế mạnh nêu trên, cần đặc biệt chú ý phát huy cao nhất nhân tố con người. Thực tiễn đã chứng minh, sự thành công hay thất bại trong cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước hay trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, con người luôn luôn là nhân tố quan trọng, quyết định, là kế sách của sự phát triển. Chăm lo phát triển nhân tố con người, đầu tư cho con người chính là đầu tư chiều sâu của sự phát triển.

Phát huy nhân tố con người hiện nay ở Quảng Bình đồng nghĩa với việc khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người, mỗi địa phương, đơn vị, nhất là tư duy và phương pháp làm việc khoa học, độc lập suy nghĩ, năng động, sáng tạo, nắm bắt và nhạy bén với cái mới; trung thực, thẳng thắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; ý thức cộng đồng làm việc tập thể, đoàn kết nhất trí cao,...

Chú trọng phát huy nhân tố con người trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội hiện đang công tác tại địa phương, nhưng đồng thời phải chú trọng thực hiện chủ trương thu hút nhân tài, nguồn nhân lực có chất lượng cao đối với những ngành, lĩnh vực trọng yếu mà tỉnh còn thiếu. Tranh thủ tối đa sự tham gia đóng góp ý kiến, trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân, của các nhà quản lý giỏi, các doanh nghiệp, các chuyên gia đầu ngành, con em quê hương Quảng Bình đang công tác trong và ngoài nước,...

Thứ ba, ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài.

Một trong những điểm yếu căn bản của nền kinh tế tỉnh ta hiện nay đó là sản xuất còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh trên thị trường yếu, hàm lượng trí tuệ kết tinh trong sản phẩm hàng hóa thấp; còn thiếu những ngành kinh tế lớn có tính động lực, mũi nhọn để thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế. Đây chính là điểm khó khăn, là “nút thắt” cần được tháo gỡ để tạo sự phát triển bứt phá đi lên.

Để phát triển, ứng dựng các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, trước hết chúng ta phải chú trọng tái cơ cấu lại nền kinh tế theo chủ trương chung của Trung ương và Chính phủ.

Xác định lại cơ cấu, mô hình tăng trưởng của nền kinh tế. Kết hợp phát triển giữa bề rộng và chiều sâu; thực hiện nghiêm ngặt việc quy hoạch và phân vùng kinh tế, làm tốt hơn nữa công tác dồn điền, đổi thửa, hình thành những cánh đồng lớn, tạo thuận lợi cho việc sử dụng các phương tiện máy móc phục vụ nông dân trong quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa. Hình thành các khu sản xuất, chăn nuôi lớn, tập trung, tránh nhỏ lẻ, phân tán.

Để sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, có sức cạnh tranh trên thị trường, đòi hỏi phải đưa khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào tất cả các khâu của quá trình sản xuất, nhất là khâu chọn giống, chăm sóc cây trồng, xây dựng thương hiệu sản phẩm...  Có chính sách thu hút, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, giải quyết sản phẩm đầu ra cho nông dân. Thực hiện liên kết vùng, hình thành thị trường nội địa và vươn ra thị trường khu vực, thế giới.

Để thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là thu hút các dự án lớn, có tính động lực cho sự phát triển của nền kinh tế, trước hết phải khảo sát, đánh giá đúng thực trạng tiềm năng, lợi thế của tỉnh; hình thành các danh mục cần kêu gọi thu hút đầu tư; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư lớn; xây dựng môi trường thu hút đầu tư lành mạnh, thông thoáng, phá bỏ những ách tắc, rào cản về thủ tục hành chính. Tăng cường quảng bá, giới thiệu các lĩnh vực mà nước ngoài có thể đầu tư vào Quảng Bình. Tranh thủ tối đa sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong việc sắp xếp, bố trí các nguồn lực đầu tư, các dự án lớn mang tính động lực tại Quảng Bình.

Thứ tư, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, bố trí đúng cán bộ, nhất là cán bộ trên các lĩnh vực trọng yếu, then chốt.

Chúng ta biết rằng, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta và Bác Hồ muôn vàn kính yêu luôn chăm lo đến công tác xây dựng Đảng, trong đó có công tác đào tạo, rèn luyện cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Người còn nói, cán bộ là tiền vốn của Đảng, có vốn mới làm ra lãi. Nếu Đảng biết phân phối, điều hòa “vốn” - tức cán bộ mà đúng sẽ có lãi to, bố trí, điều hòa cán bộ mà không đúng, không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn, cách mạng sẽ không thành công.

Trong cuộc đấu tranh chống lại nghèo nàn, lạc hậu, tìm hướng đi có tính bứt phá để đưa đất nước, quê hương phát triển đi lên đã và đang đặt ra những yêu cầu đòi hỏi rất cao về công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác cán bộ nói riêng, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, các lĩnh vực trọng yếu, then chốt có tính quyết định. Trọng tâm trước mắt là quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 92-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng. Và, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Làm thế nào để Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững, đó là đòi hỏi lớn của sự đền đáp công ơn các thế hệ đồng bào, chiến sỹ đã ngã xuống cho đất nước, quê hương hoà bình, thống nhất. Mỗi người, trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta phải quyết vượt khó, quyết vượt lên chính mình. ừ suy nghĩ tới hành động, từ việc nhỏ đến việc lớn, phải luôn tâm niệm làm sao cho xứng với sự hy sinh của lớp lớp cha anh. Để trong tim mỗi một chúng ta đều cháy bỏng ước mơ chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu như đã từng chiến thắng ngoại xâm.

Để tài năng, sự sáng tạo và những giá trị tốt đẹp trong mỗi con người bừng nở, cùng nhau góp sức đưa Quảng Bình vươn lên. Tất cả chúng ta đều chung sức, chung lòng thì sẽ thực hiện được những điều tưởng chừng không thể như dân tộc ta đã từng thực hiện. Hãy làm bừng lên hào khí Đại thắng mùa Xuân năm 1975 trong công cuộc xây dựng đất nước, quê hương hôm nay.     

Hoàng Đăng Quang
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình