.
Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21-4-1950 - 21-4-2015):

Hội Nhà báo Việt Nam - vinh quang một chặng đường

Thứ Hai, 20/04/2015, 08:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Thành lập tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên ngày 21-4-1950, tên gọi ban đầu là Hội những người viết báo Việt Nam. Đến năm 1959, Hội đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam. Ngày 7-7-1976, Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam hợp nhất với Hội Nhà báo Việt Nam, lấy tên chung Hội Nhà báo Việt Nam.

Trở thành một tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp không ngừng lớn mạnh theo sự phát triển của đất nước, đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam trở thành đại diện duy nhất của những người làm công tác thông tin, tuyên truyền, đội ngũ chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng trong cả nước.

Hội Nhà báo thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà báo, hội viên trong tác nghiệp; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; giám sát việc tuân thủ luật pháp, quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về thông tin, báo chí; thực hiện các hoạt động đối ngoại theo quy định của pháp luật.

Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Hội Nhà báo Việt Nam lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tập hợp các nhà báo hoạt động trên khắp mọi miền đất nước, thông qua những sản phẩm báo chí đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Các nhà báo xông pha trên nhiều mặt trận trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong thời bình họ lao động không ngừng nghỉ, cung cấp cho bạn đọc tin tức, hình ảnh, thước phim thời sự nóng hổi, phục vụ nhu cầu thông tin của xã hội.

Đội ngũ báo chí Quảng Bình ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.
Đội ngũ báo chí Quảng Bình ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.

Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay có trên 22.000 hội viên, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương; 19 liên chi hội và 188 chi hội trực thuộc Trung ương Hội.

Nhà báo Xuân Thủy, Bộ trưởng Bộ ngoại giao là Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam qua hai nhiệm kỳ từ năm 1950 đến năm 1962. Các Chủ tịch Hội tiếp theo gồm những nhà báo kỳ cựu: Hoàng Tùng (1962-1987), Hồng Chương (1987-1989), Phan Quang (1989-2000), Hồng Vinh (2000-2005), Đinh Thế Huynh (2005-2012) và hiện tại là Thuận Hữu.

Theo thống kê chưa đầy đủ, qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc cả nước có hơn 400 nhà báo hy sinh. Đây là một tổn thất lớn của dân tộc nhưng lại trở thành một minh chứng thể hiện sự đóng góp to lớn từ đội ngũ làm báo, tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Những tấm gương hy sinh liệt oanh đã được đất nước, nhân dân và đồng nghiệp nhiều thế hệ tri ân và noi gương.

Trước Cách mạng Tháng Tám, nhà báo Trần Đình Long, người bị bọn Quốc dân đảng phản động núp bóng Tàu Tưởng bắt cóc, thủ tiêu tại Hà Nội. Nhà báo Phan Ngọc Hiển, tiêu biểu cho báo chí cách mạng Nam Bộ, người trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai (tỉnh Bạc Liêu).

Trong kháng chiến chống Pháp các nhà báo, nhà văn: Trần Đăng, Hoàng Lộc đi khắp các chiến trường làm văn, viết báo. Nhà báo Trần Kim Xuyến, người có công lớn xây dựng Nha thông tin và Đài Tiếng nói Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa I,  anh dũng hy sinh ngay tại trụ sở khi Pháp tấn công Hà Nội. Nhiều nhà báo là nhiếp ảnh gia, quay phim, những người luôn lao lên phía trước, bất chấp bom đạn kẻ thù, và hiên ngang ngã xuống như: Đinh Thúy, Lê Văn Bằng, Phan Văn Cam, Trần Mai Ninh, Vũ Tùng, Nguyễn Văn Giá... Họ thuộc lớp nhà báo cống hiến cả tuổi xuân cho đất nước trong những năm chống Mỹ, cứu nước.

Ngoài những tên tuổi quen thuộc như Dương Thị Xuân Quý, Chu Cầm Phong, Nguyễn Mỹ, còn có hàng trăm gương chiến đấu hy sinh của các nhà báo- chiến sĩ. Nhà báo Lê Vĩnh Hòa, viết báo mọi lúc, mọi nơi. Ông viết trên đường hành quân, viết tại chiến hào, viết lúc tạm nghỉ giữa hai trận đánh, viết khi trận địa chưa dứt tiếng súng. Nhà báo Phan Văn Cam, mình găm đầy mảnh đạn, còn tha thiết với đồng nghiệp: "Mình kiệt sức rồi, mình không còn sống nữa đâu. Đừng bận vì Cam. Hãy cầm lấy máy quay đi... Hãy chớp lấy hình ảnh thay mình!". Nhà báo Ngọc Châu hy sinh ở cửa ngõ Sài Gòn Tết Mậu Thân 1968.

Nhà báo Vũ Phạm Chuân, giữa chiến trường ác liệt, vẫn sáng tác bài thơ “Anh sẽ về” gửi người yêu ở hậu phương: "Anh sẽ về lại giữa mùa hoa nở/ Và cùng em viết tiếp cuộc đời vui/Trên đống tàn tro cây sẽ đâm chồi/Anh sẽ về lại đắm say nghe em hát/ Khói thuốc súng sẽ thay bằng hương thơm ngát/ Của hoa và của lúa trổ đòng/ Tiếng em bay cao trên bầu trời trong/ Thay cho tiếng bom rơi đạn réo/Anh sẽ về/ Em có tin không?". Và ông không trở về được như lời thơ gửi gắm!

Còn có thêm nhiều nhà báo- chiến sĩ như: Đặng Loan (Báo Miền Tây Nghệ An), Nguyễn Thị Thanh Xuân (Báo Quảng Bình), Phạm Thị Ngọc Huệ (Báo Trường Sơn), Vũ Bình (Phân xã Thông tấn xã Nam Khu IV), Lê Đoan (Báo Phụ nữ cứu quốc Nam Bộ)...

Đi suốt chiều dài cuộc trường chinh của dân tộc, đất lửa Quảng Bình cũng đã có những thế hệ nhà báo tiền bối nổi tiếng, sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp báo chí, sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc. Hòa bình lập lại, Quảng Bình cùng với Quảng Trị, Thừa Thiên thành tỉnh Bình Trị Thiên, đội ngũ làm báo Quảng Bình vẫn miệt mài vượt qua cam go, thử thách luôn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Khi Quảng Bình trở về địa giới cũ sánh vai Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế bước vào công cuộc đổi mới, những người làm báo Quảng Bình cũng dần kiện toàn, củng cố. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 8 cơ quan và ấn phẩm báo chí: Báo Quảng Bình, Đài PT-TH Quảng Bình, Tạp chí Văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch), Tạp chí sinh hoạt Chi bộ (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), Tạp chí Nhật Lệ (Hội Văn học Nghệ thuật), Tạp chí Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ), Tạp chí An ninh-Trật tự (Công an tỉnh), Tạp chí Khoa học & Công nghệ (Trường đại học Quảng Bình).

Ngoài ra, tại các huyện, thị, thành phố có 7 Đài Truyền thanh - Truyền hình; 21 bản tin, tờ tin, đặc san; 9 trang thông tin điện tử tổng hợp và khoảng 100 trang thông tin điện tử nội bộ các hội, sở, ban, ngành và 87 Đài truyền thanh cấp xã. Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Bình trải qua 5 kỳ đại hội, trở thành nơi sinh hoạt, giao lưu, gặp gỡ của 147 hội viên, những người làm báo. 

Chặng đường 65 năm đầy vinh quang, đáng tự hào của Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo, hoạt động trên lĩnh vực thông tin, tuyên truyền. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin toàn cầu, Hội Nhà báo Việt Nam vẫn kiên định con đường đã lựa chọn, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, định hướng thông tin, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thanh Long